(SGTT) - Người dân miền Tây có câu “Canh chua điên điển cá linh, ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Quả thật, món ăn này đã khơi gợi vị giác du khách khi đến miền sông nước. Cá linh và bông điên điển từ lâu trở thành món ăn thân thiết với người dân nơi đây.
- Đầu bếp miền Tây xác lập kỷ lục Việt Nam từ 130 món ăn đặc trưng của vùng
- Hiểu hơn về món ăn Việt được bình chọn là món tráng miệng ngon nhất thế giới
- Đến lễ hội bánh mì mục sở thị hơn 100 món ăn kèm
Một số địa điểm trên sông Hậu và sông Tiền thuộc địa phận các huyện đầu nguồn lũ, cá linh ở thời điểm tháng 8-9 còn rất nhỏ, con lớn nhất cũng chỉ bằng đầu đũa. Cá có bán ở các chợ huyện của An Giang (như An Phú, Tân Châu) với mức giá cao gấp đôi so với năm trước. Tuy nhiên, theo một số thương lái tại đây, khả năng cá linh này là được mua từ Campuchia về để đáp ứng nhu cầu của người dân thích ăn cá linh non.
Cá linh non to bằng đầu đũa ăn cơm, ăn cả con, thịt ngọt, hương vị đậm đà. Vì thế, nó là món ăn đặc sản của người dân miền Tây chỉ có vào đầu những tháng nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11). Nếu kéo dài qua tháng 11 thì cá linh đã lớn, lúc đó vào vụ nên rẻ, thịt ăn cũng ngon nhưng hương vị không “dậy” bằng cá linh non. Khi ấy, người dân tích trữ cá chế thành nhiều món như làm mắm, ủ thành nước mắm để dành quanh năm.
Có nhiều món ngon từ cá linh như cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho thơm, canh chua cá linh… Những con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ, người ta mang nướng trên bếp than ửng hồng, thịt cá vừa ngọt vừa béo và cũng lại cho hương thơm phảng phất. Loại cá này khi thưởng thức hầu như dùng được cả con không cần đánh vảy, cá ít xương nhỏ cũng không phải mất thời gian gỡ. Theo đó, mọi người chỉ cần cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi bỏ hết ruột bên trong ra cho sạch. Cắt đuôi, rửa sạch và mang chế biến. Cá càng non thì thịt càng ngọt, béo ngậy, mềm và mau chín. Đặc sản không chỉ ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao.
Nguyễn Hoài