Từ thuở con người sản xuất dư thừa của cải, phát sinh trao đổi của cải kiếm được để đổi lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và dự trữ cũng là lúc chợ ra đời. Ban đầu là một nhóm nhỏ vài người, rồi lên đến hàng chục, hàng trăm… Người ta hẹn nhau một thời gian, địa điểm nhất định để mua bán, trao đổi, dần dần hình thành chợ.
Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định, có chợ thì mở vào thứ Bảy, Chủ nhật mỗi tuần, có một vài chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu; có nhiều chợ mở theo ngày Dần và Thân, Tỵ và Hợi mỗi tháng… Khi đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống thì chợ phiên ở miền núi phía Bắc nước ta vẫn còn tồn tại như thuở nguyên sơ, vẫn tấp nập kẻ bán người mua và vẫn dung dị như thế. Đến với chợ phiên, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp vùng cao hiếm có.
Chợ phiên mang nét đẹp văn hóa không thể nào trộn lẫn và cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng thú vị. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn... Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu.
Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối…; là chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm, xẻng, kiềng bếp… hay dắt theo vài con bò, ngựa, mang theo vài con lợn, gà, ngan… Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - là những tấm bạt trải ra giữa đất, nơi nào tốt hơn chút thì là những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Tuy đơn sơ nhưng nơi đây là nơi bày đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng.
Nói chợ phiên là nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của đồng bào vùng cao bởi người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình tô thêm sắc màu cho phiên chợ. Tại các phiên chợ, sẽ được nhìn ngắm những gương mặt thuần phác của người dân tộc trong bộ trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc. Nhiều sắc màu được tạo nên từ những mặt hàng thổ cẩm được bày bán. Đó là những chiếc áo, chiếc váy được cắt may, thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu được các cô, các chị say mê chọn lựa. Và còn một gam màu đặc biệt, không thể không kể đến là màu nhuộm chàm in hằn lên đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của những người phụ nữ.
Đến chợ phiên, nô nức nhất vẫn là các hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã đậm chất vùng cao nghi ngút khói càng thêm ấm giữa trời sương giá rét. Nơi đây bày bán những đặc sản vô cùng nổi tiếng, nằm trong khu ẩm thực rất rộng, thu hút không chỉ người bản địa mà cả du khách bởi mang đậm phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng.
Chợ phiên ngày nay không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương do đồng bào các dân tộc tự tay làm ra mà nó còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Chợ phiên chưa bao giờ thôi là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa vùng cao. Đến chợ phiên có thể thấy được sự đa dạng sắc màu trong văn hóa của đồng bào chân chất nơi núi rừng. Chợ phiên đã trở thành nét đẹp đại diện cho vùng đất núi rừng giữa mây trời./.