"Cây thần" là cây sung, cây vả hay cây gì?
Mới đây, mọi người chia sẻ hình ảnh về một loại cây có quả giống quả sung nhưng không phải sung được mọc chi chít quả ở dưới gốc vô cùng thích mắt. Ai cũng tò mò không biết là cây gì bởi loại quả trông rất lạ lùng. Nhiều người cũng tỏ ra hoang mang vì không biết có ăn được không?
Theo như trong hình ảnh được đăng tải, loại cây này có rất nhiều quả nhưng lại mọc tập trung hết ở dưới gốc. Đặc biệt, kèm theo hình ảnh, chủ nhân của cây này còn ví von đây là "cây thần", "cả xóm ăn không hết".
Dòng chia sẻ này khiến dân mạng khá hoang mang về nguồn gốc của giống "cây thần" này. Một vài người cho rằng đây là cây sung hoặc sung cảnh bởi quả rất giống với cả sung. Tuy nhiên, một số người dân chuyên trồng cho biết đây là cây vả, không phải cây sung bởi cây vả có kích thước cao lớn, lá to bản, khác hẳn so với lá sung dù cùng một họ, chỉ có quả là hình dáng na ná nhau.
Quả chi chít ở dưới gốc khiến ai cũng tò mò.
Quả vả trông khá giống quả sung, nhưng to hơn và đặc biệt khi chín có dòng mật ngọt lịm chảy ra rất hấp dẫn. Khi còn xanh, quả vả có phần cơm bên trong màu trắng, ăn rất chát, hợp để chấm mắm. Ngoài ra còn có thể làm vả muối xổi, làm nộm hoặc đem hầm với chân giò - riêng món này ăn lợi sữa cho bà bầu.
Cây vả thuộc cây gỗ vừa có thân và cành to, cây thường xanh nhưng trồng xứ lạnh bị rụng lá vào mùa Đông, lá hình tim gần như tròn có kích thước lớn phiến lá to, gân lá từ đáy có 5-7 gân, lá bẹ cao 2,5 cm. Trái vả to bẹp rộng đến 4 cm, có lông vàng vàng.
Quả vả khi chín vô cùng ngon.
Trái vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Trái vả có dạng quả sung, tức là một cụm hoa bao gồm hoa đực và hoa cái trên một đế hoa lõm, Khi non trái có vỏ màu xanh lục, có lông mịn, khi chín có màu đỏ thắm.
Ở nước ta, cây vả thường gặp trên đất ẩm vùng rừng núi, thường thấy ở chân đồi hay thung lũng. Cũng thường được trồng ở các tỉnh miền núi. Cây mọc nhanh, tái sinh chồi mạnh. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm. Cây vả là loài cây không hạt nhưng rất dễ trồng, chỉ một thân cây nhỏ cắm xuống đất cũng có thể mọc rễ và phát triển thành một cây hoàn chỉnh.
Cây vả còn được dùng làm dược liệu chữa bệnh.
Ngoài ra, từ rất lâu đời cây vả đã được tận dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Cả phần quả, rễ và lá đều là vị thuốc góp tên trong nhiều bài thuốc, trong đó phần quả là được dùng phổ biến nhất. Quả vả thường được dùng trị các chứng như táo bón, kiết lỵ, lòi dom… Quả vả chứa rất nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng khác. Tiêu biểu có calcium, magnesium, sodium, phosphor, mangan, kẽm, đồng…
Theo Hồng Nhung
Giadinh.net.vn