Một người bình thường rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày. Những sợi tóc mới sẽ mọc thay cho những sợi tóc đã rụng, tuy nhiên ở một số người gặp tình trạng không mọc tóc mới hoặc mọc quá ít gây thưa tóc, hói một mảng trên da đầu. Vậy rụng tóc nhiều là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây rụng tóc và cách khắc phục tình trạng này?
Rụng tóc nhiều là gì?
Rụng tóc nhiều là rụng trên 100 sợi mỗi ngày, làm tóc mỏng và thưa trong thời gian ngắn. Rụng tóc nhiều xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thông thường, chu kỳ phát triển của tóc sẽ rụng 50 - 100 sợi mỗi ngày và tóc mới mọc thay thế. Vì vậy, tình trạng tóc rụng nhiều hơn tóc mọc mỗi ngày có thể là dấu hiệu của bệnh da liễu. (1)
Rụng tóc có thể chia thành rụng tóc không sẹo và rụng tóc có sẹo, cụ thể:
- Rụng tóc không sẹo: tình trạng rụng tóc không kèm theo tổn thương hay phá hủy nang tóc. Trong rụng tóc không sẹo, thường chúng ta vẫn nhìn thấy được chân tóc và tóc vẫn mọc lại khi kiểm soát được nguyên nhân.
- Rụng tóc có sẹo: tình trạng rụng tóc kèm theo sự phá hủy hoặc mất nang tóc. Nang tóc bị tổn thương không thể trị mà thay bằng mô xơ. Trong rụng tóc có sẹo, tóc sẽ không mọc lại cả khi nguyên nhân gây rụng được loại trừ. Do đó, với trường hợp này cần điều trị sớm để ngăn bệnh tiến triển lan rộng.
Tóc rụng nhiều là bệnh gì?
- Tóc rụng sinh lý: tình trạng tóc mọc rồi dài ra, theo thời gian sẽ rụng dần. Sau khi tóc rụng, 1 lớp tóc mới mọc để thay thế tóc cũ. Trung bình mỗi ngày có 50 - 100 sợi rụng và có lượng tóc mới tương đương mọc ra. Điều này là hiện tượng sinh lý bình thường, không có gì lo ngại.
- Tóc rụng bệnh lý: tóc rụng trên 100 sợi mỗi ngày, liên tục kéo dài và không rõ nguyên nhân. Đôi khi, tóc rụng còn gây ngứa, nổi nhiều nốt đỏ và da bong tróc. Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh da liễu gây rụng tóc. Các nguyên nhân gây rụng tóc nhiều gồm: di truyền, căng thẳng, rối loạn nội tiết, mất cân bằng dinh dưỡng và viêm nhiễm.
Nguyên nhân bị rụng tóc nhiều bất thường?
- Tuổi: lão hóa làm quá trình trao đổi chất trong cơ thể thay đổi, hệ miễn dịch suy giảm, tóc yếu dần, dễ gãy rụng và đổi màu. Vì vậy, người tuổi trung niên thường xuất hiện tóc bạc, tóc rụng nhiều, mỏng hơn so với lúc còn trẻ.
- Di truyền: rụng tóc nhiều do di truyền ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Nam giới có thể rụng tóc nhiều bất cứ lúc nào sau tuổi dậy thì.
- Căng thẳng/stress, lo âu, mất ngủ: căng thẳng khiến tóc rụng nhiều. Tóc có xu hướng rụng thành từng nắm khi người bệnh gội đầu, chải hoặc vuốt tóc. Tình trạng này có thể diễn ra tạm thời và giảm rụng tóc trong 6 - 8 tháng. Rụng tóc do căng thẳng kéo dài có thể trở thành bệnh mạn tính.
- Tác động vật lý: tật nhổ tóc, kéo tóc, buộc tóc quá chặt gây áp lực lớn lên sợi tóc và làm rụng tóc nhiều.
- Sử dụng hóa chất và tác động nhiệt (nhuộm, uốn, duỗi,…): các tác động nhiệt khi uốn duỗi tóc; các tác động hóa học: hoá chất, thuốc nhuộm, thuốc tẩy tóc gây rụng tóc nhiều.
Bài viết liên quan: Rụng tóc uống vitamin gì?
- Rối loạn nội tiết: rụng tóc nhiều xảy ra do thay đổi nội tiết tố như: (2)
- Mang thai.
- Sinh con.
- Sau sinh.
- Mãn kinh.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Các bệnh tuyến giáp.
- Bệnh tự miễn: rụng tóc nhiều, lupus và các bệnh mô liên kết. Tình trạng tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nang tóc gây rụng tóc nhiều và dần xuất hiện các mảng hói vời kích thước từ nhỏ đến lớn. Một số trường hợp, người bệnh có thể rụng hết tóc. Hơn nữa, một số người bệnh không chỉ rụng tóc nhiều mà còn rụng lông mày, lông mi hoặc lông ở các bộ phận khác trên cơ thể.
- Các bệnh lý về da đầu (nhiễm trùng, nhiễm nấm tại chỗ): các bệnh như viêm nang lông, viêm da dầu, nấm da đầu gây viêm và rụng tóc.
- Nấm da đầu: dạng bệnh nhiễm nấm ảnh hưởng đến da đầu và thân tóc. Bệnh gây xuất hiện những mảng hói nhỏ có vảy và ngứa. Theo thời gian, nếu người bệnh không điều trị sớm, kích thước của mảng hói tăng lên và chứa mủ. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác như:
- Tóc giòn dễ gãy.
- Đau da đầu.
- Các mảng da có vảy màu xám, đỏ.
- Rụng tóc do Kerion De Celse: là tình trạng áp xe do nhiễm nấm, thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện thường nặng, lan rộng, có thể gây rụng tóc có sẹo.
- Rụng tóc do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác gây rụng tóc nhiều trên da đầu, râu và lông mày.
- Rụng tóc sau một đợt nhiễm trùng, nhiễm siêu vi hay sau tiêm ngừa vắc - xin.
- Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc có tác dụng phụ gây rụng tóc nhiều như: (3)
- Thuốc chống đông máu.
- Thuốc chống co giật.
- Retinoid đường uống.
- Thuốc giãn mạch (thuốc chẹn beta thường điều trị bệnh cao huyết áp và tim mạch).
- Thuốc tuyến giáp.
- Thuốc điều trị ung thư.
- Thuốc trị bệnh viêm khớp.
- Thuốc dùng trị bệnh trầm cảm.
- Thuốc điều trị bệnh gút.
- Thuốc trị bệnh cao huyết áp.
- Hóa trị, xạ trị
- Hóa trị: thông thường, tóc không rụng ngay khi người bệnh bắt đầu hóa trị. Sau vài tuần hoặc vài chu kỳ điều trị, người bệnh mới rụng tóc. Tình trạng này sẽ hết trong vòng 1 - 2 tháng sau điều trị và tóc sẽ mọc lại như cũ.
- Xạ trị: phương pháp này chỉ ảnh hưởng đến lông ở vị trí mà bức xạ nhắm đến trên cơ thể. Rụng tóc phụ thuộc vào liều lượng và phương pháp xạ trị. Sau vài tháng xạ trị, tóc mọc trở lại nhưng có thể mỏng hơn hoặc trở nên xoăn, cứng, thẳng… Tuy nhiên, với liều xạ trị cực kỳ cao, tóc có thể không mọc lại.
- Tác động từ môi trường: ô nhiễm không khí, tia cực tím gây hại đến sự phát triển của tóc với nhiều vấn đề như rụng nhiều, chẻ ngọn, bạc tóc, suy yếu nang tóc và mỏng tóc.
- Mất cân bằng dinh dưỡng: người bệnh suy dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin, khoáng chất sẽ khiến tóc rụng nhiều, xơ, mỏng, yếu và thiếu sức sống.
- Thiếu máu: nguyên nhân do thiếu sắt rất phổ biến. Khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, không vận chuyển đủ oxy đến chân tóc gây rụng tóc.
- Ảnh hưởng từ chế độ sinh hoạt: những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu cũng gây rụng tóc.
- Bỏng, chấn thương: tình trạng này xảy ra khi các hóa chất gây bỏng da đầu, ảnh hưởng đến nang tóc như giòn, dễ gãy rụng nhưng vẫn có thể điều trị được. Tuy nhiên, trường hợp vết bỏng nghiêm trọng hơn, gây sẹo trên đầu sẽ khó điều trị. Lúc này, bác sĩ có thể can thiệp bằng phẫu thuật. (4)
Dấu hiệu tình trạng rụng tóc nhiều
Dấu hiệu rụng tóc nhiều khi bạn thấy tình trạng sau:
- Nhận thấy đường rẻ chân tóc ngày càng rộng, tóc thưa dần.
- Khi chải đầu, trên lược có nhiều tóc bị rụng hoặc tóc rụng nhiều trên gối sau ngủ dậy, tóc rụng nhiều khi gội.
- Xuất hiện các mảng hói với kích thước khác nhau và theo thời gian hói nhiều hơn.
- Các mảng vảy lan rộng trên da dầu.
- Tóc, lông mày, lông mi rụng, thưa dần.
- Tóc rụng đột ngột nhiều, tóc mỏng thưa một cách nhanh chóng. Tình trạng này thường khởi phát sau sang chấn tâm lý hoặc cú sốc về thể chất, tinh thần.
Rụng tóc nhiều cảnh báo bệnh gì?
Rụng tóc nhiều cảnh báo một số bệnh, bao gồm:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Vảy nến da đầu.
- Bệnh lây qua đường tình dục, chẳng hạn như giang mai.
- Bệnh tuyến giáp.
Đôi khi, rụng tóc nhiều là tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt sau hóa trị điều trị ung thư.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nếu bị rụng tóc nhiều nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, tìm nguyên nhân rụng tóc để điều trị kịp thời.
Khi gặp bác sĩ, người bệnh cần nói rõ tất cả triệu chứng bất thường xuất hiện gần đây, bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Sốt.
- Da đầu hoặc cơ thể bị phát ban hoặc thay đổi lớp da khác.
- Da đầu bị ngứa hoặc kích ứng.
- Đột ngột rụng nhiều tóc.
- Tiền sử gia đình cụ thể có người bị hói.
Hơn nữa, người bệnh cần báo rõ với bác sĩ về tình trạng bản thân xảy ra gần đây nếu có như:
- Phẫu thuật.
- Đang dùng thuốc hoặc liệu trình điều trị bệnh khác.
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng thay đổi.
- Loại thuốc tiêm chủng.
Ngoài ra, người bệnh có thể hỏi bác sĩ một số câu hỏi về tình trạng của mình như:
- Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều là gì?
- Người bệnh có cần thay đổi thuốc đang sử dụng không?
- Phương pháp nào điều trị tốt nhất với tình trạng rụng tóc nhiều của người bệnh?
- Tình trạng người bệnh có phù hợp để cấy tóc không?
- Có cách điều trị nào giúp người bệnh mọc lại tóc không?
Rụng tóc nhiều có chữa được không?
Có, tóc rụng nhiều do mất cân bằng nội tiết tố, dùng thuốc, bệnh tuyến giáp hoặc chế độ ăn uống bác sĩ đều có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị rụng tóc nhiều đạt hiệu quả không những giúp quá trình rụng tóc chậm lại mà còn kích thích tóc mới mọc lên.
Đối tượng nào dễ bị rụng tóc nhất?
Đối tượng dễ bị rụng tóc nhất bao gồm:
- Tiền sử gia đình chẳng hạn có người bị hói.
- Người stress, căng thẳng và thức khuya.
- Người mắc bệnh lý mạn tính: đái tháo đường hay các bệnh tự miễn như lupus.
- Thiếu hụt dinh dưỡng.
Bài viết liên quan: Bị rụng tóc thiếu chất gì? Nên bổ sung gì cho tóc khỏe mạnh?
Chẩn đoán tình trạng rụng tóc nhiều
Trước khi chẩn đoán tình trạng rụng tóc nhiều, bác sĩ sẽ hỏi một số câu như:
- Tiền sử gia đình của người bệnh bao gồm tình trạng người thân rụng tóc và ở độ tuổi nào.
- Tiền sử bệnh của người bệnh.
- Chế độ ăn uống.
- Thói quen chăm sóc tóc.
- Yêu cầu xét nghiệm máu để đo chức năng tuyến giáp và nồng độ sắt.
- Kiểm tra da đầu xem có dấu hiệu bệnh về da hay không.
- Lấy sinh thiết da đầu nếu cần.
Sau đó, bác sĩ chẩn đoán tình trạng rụng tóc nhiều thông qua một số bài kiểm tra, bao gồm:
- Thử nghiệm lực kéo: bác sĩ kéo nhẹ nắm tóc nhỏ để xem bao nhiêu sợi rụng. Điều này nhằm xác định giai đoạn quá trình phát triển của tóc.
- Xét nghiệm máu: giúp phát hiện các bệnh có thể gây rụng tóc nhiều.
- Sinh thiết da đầu: bác sĩ lấy mẫu từ da hoặc một vài sợi tóc nhổ trên đầu để kiểm tra chân tóc dưới kính hiển vi.
- Kính hiển vi quang học: bác sĩ dùng một dụng cụ đặc biệt để kiểm tra các sợi lông được tỉa ở gốc. Kính hiển vi có thể tìm ra các rối loạn của thân tóc.
Cách điều trị khắc phục tình trạng rụng tóc nhiều
1. Sử dụng các phương pháp thiên nhiên
- Mát xa: khách hàng xoa bóp da đầu kết hợp với dầu dưỡng tóc và mặt nạ cho tóc giúp làm dày tóc, lưu thông máu và giảm căng thẳng. Cần lưu ý, khách hàng mát xa da đầu bằng đầu ngón tay, không phải móng tay.
- Nha đam: giúp làm dịu da đầu, dưỡng tóc, giảm gàu và làm thông thoáng các nang tóc bị bít tắc do dầu thừa.
- Dầu dừa: chứa axit béo (axit lauric) thâm nhập vào bên trong sợi tóc và giúp giảm mất protein trong tóc. Khách hàng có thể dùng dầu dừa trước hoặc sau khi gội, tùy tình trạng tóc.
2. Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giảm rụng tóc và kích thích mọc tóc
- Dầu cá: tiêu thụ axit béo omega với hàm lượng chất dinh dưỡng và protein lớn giúp cải thiện mái tóc từ bên trong, giảm rụng tóc.
- Nhân sâm: trong nhân sâm có ginsenosides - thành phần hoạt tính giúp kích thích tóc mọc.
- Điều trị rụng tóc bằng thuốc: bác sĩ điều trị rụng tóc bằng các thuốc uống, thuốc thoa hay xịt nhằm hỗ trợ sự tái tạo, kích thích và hỗ trợ nuôi dưỡng nang tóc, giúp tóc giảm rụng, mọc trở lại và khoẻ hơn.
3. Điều trị rụng tóc bằng phương pháp chuyên sâu
- Laser (liệu pháp ánh sáng): điều trị rụng tóc gồm liệu pháp ánh sáng đỏ và liệu pháp laser lạnh. Các phương pháp này điều trị bằng cách chiếu photon vào các mô da dầu để các tế bào hấp thụ và kích thích tóc mọc. Điều trị bằng ánh sáng ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì an toàn và ít xâm lấn hơn so với cấy tóc.
- Tiêm các chất hỗ trợ, nuôi dưỡng tóc: bác sĩ sử dụng kim nhỏ (kim meso) để đưa trực tiếp các dưỡng chất vào da đầu nơi tóc rụng. Quá trình này giúp đưa nhanh và tập trung hơn các yếu tố thúc đẩy tóc mọc vào ngay những vùng tóc rụng.
- Huyết tương giàu tiểu cầu: bác sĩ sẽ lấy máu người bệnh rồi tách huyết tương ra. Sau đó, bác sĩ tiêm huyết tương giàu tiểu cầu này vào da đầu người bệnh. Phương pháp này giúp làm chậm quá trình rụng tóc và khuyến khích tóc mới mọc.
- Cấy tóc: trong quá trình cấy tóc, bác sĩ sẽ lấy tóc ở những khu vực tóc dày và cấy vào da đầu tại những vùng tóc thưa, mỏng nhất.
Biện pháp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc nhiều
Một số biện pháp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc nhiều, bao gồm:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng ăn uống đủ calo, protein và sắt.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt hằng ngày lành mạnh, hạn chế căng thẳng.
- Chăm sóc tóc đúng cách, tránh chải dùng lực mạnh như giật, kéo,.. hoặc buộc tóc quá chặt.
- Điều trị bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh khác gây rụng tóc nhiều.
- Cần tham vấn bác sĩ về các loại thuốc dùng có thể gây rụng tóc
- Bảo vệ tóc khỏi ánh sáng mặt trời và các nguồn tia cực tím khác.
- Không hút lá.
- Nếu đang được điều trị bằng hóa trị, người bệnh hãy hỏi bác sĩ về mũ chống rụng tóc dành cho người bệnh ung thư để giảm nguy cơ rụng tóc trong quá trình hóa trị.
- Riêng với trường hợp rụng tóc do di truyền thì không ngăn ngừa.
Một số câu hỏi liên quan
1. Rụng tóc nhiều có phải ung thư không?
Không, rụng tóc nhiều không phải ung thư mà do phương pháp điều trị ung thư. Viện Y tế Quốc Gia Mỹ chứng minh, khoảng 65% người bệnh ung thư được điều trị bằng phương pháp hóa trị đều bị rụng tóc nhiều.
2. Tóc rụng nhiều có mọc lại không?
Có. Tuỳ theo nguyên nhân và biểu hiện rụng tóc, các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể tình trạng tóc có mọc trở lại hay không. Sau khi các sợi tóc cũ rụng khoảng 2 - 3 tháng, nang tóc tái tạo và mọc tóc mới. Tuy nhiên, đôi khi rụng tóc không chỉ do lão hóa mà còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh tiềm ẩn khác. Vì vậy, nếu người bệnh thấy tóc rụng nhiều mà không mọc lại, hãy đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
3. Tóc rụng nhiều thiếu chất gì?
Chế độ ăn uống thiếu chất như sắt, kẽm, canxi, silica, selen, sulfur, omega - 3, protein, biotin,….hoặc các loại vitamin A, B, C, D, E. làm ảnh hưởng đến cấu trúc, sự phát triển và dẫn đến rụng tóc.
4. Rụng tóc nhiều nên ăn gì và kiêng gì?
Rụng tóc nhiều nên ăn những thực phẩm có tác động đến tóc như các loại cá, các loại hạt, đậu, bơ thực vật và rau củ. Đồng thời, người bệnh cũng nên kiêng ăn mỡ động vật, đồ ăn chiên rán, caffein, đồ uống chứa cồn, đường, nước uống có ga và tinh bột tinh chế,…
Đôi khi, rụng tóc nhiều có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được khám và điều trị phù hợp giúp làm chậm quá trình rụng tóc hoặc kích thích mọc tóc mới. Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm và máy móc nhập khẩu từ các nước Âu - Mỹ, giúp điều trị hiệu quả, an toàn.