Tôi tiếp xúc với “chiếc cốc xanh huyền thoại” của văn hóa bia hơi Hà Nội lần đầu tiên cách đây 8 năm, khi bắt đầu đi làm và theo các anh, các chú trong công ty ra quán bia vỉa vè sau giờ làm việc chiều thứ 6.
Thấy vẻ ngạc nhiên và ngần ngại của tôi khi cầm trên tay chiếc cốc thủy tinh sần sùi, đùng đục, anh trưởng phòng cười: “Bia hơi Hà Nội phải uống bằng cốc này mới đúng kiểu. Nó ra đời từ khi đất nước mới thống nhất đấy, năm 1976”.
Vậy là thiết kế này có tuổi đời lớn hơn tôi đến 17 năm. Và vì vẫn tiếp tục “gặp” nó trong những lần uống bia tiếp theo, tôi tìm hiểu thêm và được biết nó là một trong những sản phẩm huyền thoại, đình đám của thời bao cấp.
Có điều, trong khi hào quang của dép nhựa Tiền Phong, xe đạp Thống Nhất, cao Sao Vàng… đã lùi vào dĩ vãng thì chiếc cốc xanh xấu xí được tái chế từ loại thủy tinh chất lượng thấp lại vẫn ngự trị ở các quán bia hơi Hà Nội, thậm chí còn giữ địa vị độc tôn.
Tôi yêu hương vị bia hơi Hà Nội, mê không khí thanh bình, đầy thư giãn, cảm giác thả lỏng bản thân và làm dịu các giác quan khi được ngồi ở vỉa hè, nhâm nhi cốc bia, “chém gió” với bạn bè và ngắm người lại qua. Về phần cái cốc “cóc gặm”, tôi đã quen và chấp nhận nó, nhưng chẳng coi là thứ không thể thiếu.
Một số lần uống bia hơi ở những quán sử dụng loại cốc trắng, trong vắt, tôi không thấy giảm đi chút hương vị hay cảm xúc nào, thậm chí còn thấy cái ly làm bằng thủy tinh tốt tạo cảm giác vệ sinh hơn.
“Uống bia hơi Hà Nội phải dùng loại cốc xanh đặc trưng mới ngon, mới chuẩn”, có lẽ đó là quan niệm của thế hệ 7x trở về trước, những người còn lưu giữ ký ức về cuộc sống thời bao cấp ở Thủ đô mà cái cốc là một phần của nó. Và rồi nhiều người khác coi điều này mặc định, đương nhiên.
Với một người không lớn lên ở Hà Nội, cũng không trải qua thời bao cấp như tôi, nó đơn giản là một hình ảnh quen thuộc và có thể thay thế bởi những cái mới tốt hơn. Cái cốc xanh ấy là vật của một thời, liên quan đến hoài niệm của một thế hệ, nếu cứ nhất định coi nó là không thể thay thế, có phải một số người Hà Nội đang quá bảo thủ hay không?
Giống như chuyện tôi nghe nhiều người ở Thủ đô khẳng định ăn cháo gà thì phải vào quán A, thưởng thức phở bò phải tới quán B, ăn bún chả dứt khoát phải chịu khó đến quán C mới là biết thưởng thức mỹ vị; nếu chưa đến thì coi như chưa biết thế nào là cháo gà, phở bò, bún chả Hà Nội thực thụ. Trong khi đó, thực tế là rất nhiều quán khác cũng nấu ngon không kém.
Có lẽ trong thú vui ẩm thực, người Hà Nội coi trọng ấn tượng ban đầu và trân quý những gì xưa cũ, nên với những món được coi là đặc trưng, hồn cốt của đất kinh kỳ, họ sẽ mãi nâng niu những giá trị trong quá khứ, nên cũng khó thừa nhận cái mới hơn chăng?
Có lẽ vì thế mà trong nhịp sống bận rộn của đô thị thế kỷ 21, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra cả chục phút đợi chờ để được ăn bát phở trong cảnh chen chúc, nóng nực ở quán nọ, thuê người xếp hàng để mua bằng được những chiếc bánh ở cửa hàng kia, thay vì được đối xử như thượng đế ở địa chỉ khác mà sản phẩm ngon tương tự hoặc chỉ kém chút xíu?
Tất nhiên, không có gì là đúng hay sai trong chuyện này, vì ẩm thực là vấn đề liên quan đến cảm nhận và sở thích - của cá nhân và thế hệ.
Về cái cốc uống bia hơi Hà Nội, thế hệ các chú, các anh gọi nó là “chiếc cốc xanh huyền thoại”, còn tôi cùng đám thanh niên 9x thường trêu họ, gọi là “cái cốc cóc gặm”. Và tôi vẫn nghĩ, những vật mà giá trị của nó nằm ở ký ức thay vì giá trị sử dụng, chúng ta có thể bảo tồn và dành cho nó một vị trí đặc biệt trong viện bảo tàng.
Còn trong đời thực, đất nước không còn thiếu thốn, khó khăn như mấy chục năm trước nữa; thay vì dùng chiếc cốc méo và thô kệch, sần sùi, làm bằng thủy tinh phế phẩm đùng đục, chúng ta thưởng thức bia hơi trong ly thủy tinh trong vắt sạch sẽ chẳng phải vừa đẹp mắt vừa ngon miệng hơn sao?
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.