Nam Phương
BPO - Một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước lần thứ I năm 2023, GS,TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đã chỉ ra: Với những gì đang có, Bình Phước hoàn toàn có tiềm năng xây dựng thành một “tiểu trung tâm”, thay vì là “sân sau” cung cấp nhân lực và hàng nông sản thô. Để làm được như vậy, Bình Phước cần xây dựng hệ thống triết lý văn hóa cùng bộ nhận dạng thương hiệu văn hóa cho địa phương.
Bài 1:VĂN HÓA LÀ TÀI SẢN
Trước năm 2016, Phú Yên được biết đến với danh thắng gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan với đặc sản sò huyết “danh bất hư truyền”… Nhưng đến nay, ngoài những danh lam thắng cảnh nằm lòng nêu trên, nhắc đến Phú Yên, còn là nhắc đến vùng đất của “hoa vàng, cỏ xanh”.
Sự mặc định này không phải ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ một sản phẩm văn hóa - bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mảnh đất Phú Yên thật sự được biết đến nhiều hơn khi bộ phim ra mắt công chúng (tháng 10-2015). Những hình ảnh đẹp lung linh của dải đất miền Trung hiền hòa trong phim đã dẫn lối cho nhiều người khắp mọi miền đất nước tìm đến nơi đây.
Bình Phước là sóc Bom Bo
Trong chuyến công tác lên tỉnh Bình Phước lần đầu vào năm 2010 nhân sự kiện lễ hội Quả điều vàng tổ chức ở Đồng Xoài, anh Ngô Quốc Phong, kỹ thuật viên một cơ quan báo chí ở TP. Hồ Chí Minh dự định sẽ kết hợp đến sóc Bom Bo tranh thủ check-in trong buổi chiều. Thế nhưng, kế hoạch của anh hoàn toàn “phá sản”, bởi sóc Bom Bo cách trung tâm Đồng Xoài gần 60km, không kịp để quay về thực hiện chương trình trong buổi tối. Anh giải thích mong muốn được đến sóc Bom Bo vì chỉ biết mỗi địa danh này tại Bình Phước và nghĩ là ở gần.
Biểu diễn đàn đá tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng
Không chỉ riêng anh Phong, Bình Phước tái lập đến nay đã gần 27 năm, nhưng không ít người dân ngoài tỉnh, thậm chí là ở ngay TP. Hồ Chí Minh cũng không biết Bình Phước ở đâu. Chỉ đến khi nhắc đến chuyện chia tách tỉnh Sông Bé vào năm 1997, nhắc đến địa danh sóc Bom Bo với nhịp chày giã gạo nuôi quân trong bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, nhiều người mới ngạc nhiên: Thì ra Bình Phước ở xa đến thế! Không chỉ vậy, với đặc điểm là tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số, với những địa danh Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập… càng làm cho Bình Phước thêm vời vợi.
Trong bài hát “Em ở nơi đâu” của nhạc sĩ Phan Nhân có câu “Chỉ nghe tiếng hát mà đem lòng yêu thương”, có lẽ đúng trong trường hợp này. Chỉ nghe đến địa danh sóc Bom Bo mới biết về Bình Phước. Thực tế này đòi hỏi hình ảnh Bình Phước cần phải được định vị tốt hơn.
Định vị từ lựa chọn của cảm xúc
Theo thời gian, từ “vùng trũng” về nhiều mặt, Bình Phước đã được nhiều người biết đến hơn. Thông qua công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin của báo chí, mạng xã hội, các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, trao đổi văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hình ảnh Bình Phước được chú ý nhiều hơn. Bình Phước đã được định vị là thủ phủ của cây điều, cao su, là điểm đến của nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn… Thế nhưng, những chỉ dấu về kinh tế chưa thể đủ sức hút để kéo du khách đến với Bình Phước, hay ít nhất là khơi gợi sự tò mò về địa danh này ở đâu, hay có những gì đặc sắc cần khám phá.
Bình Phước có tiềm năng phát triển về du lịch lễ hội, du lịch văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền huyện Đồng Phú mở rộng, tổ chức tháng 4-2022 tại hồ Suối Giai
Trở lại với câu chuyện ở Phú Yên. Bằng một sản phẩm văn hóa, tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ này đã lập tức nổi danh và phủ sóng hình ảnh khắp mọi nơi. Du khách háo hức đặt lịch đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng bạt ngàn, những bãi cỏ xanh mướt, những thảm hoa vàng rực rỡ nơi góc phố… Hay chỉ cần nghe những giai điệu rộn ràng của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” vang lên, những người ưa xê dịch chỉ muốn đến Hà Giang để ngắm hoa ban nở trắng muốt trên những thung đồi, hòa mình vào sắc màu văn hóa của những lễ hội nơi đây…
Từ những dẫn chứng nêu trên, GS,TS Phan Thị Thu Hiền khẳng định: “Công nghiệp du lịch chính là ngành công nghiệp dịch vụ không chỉ mang đến kinh tế mà còn là cách quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương”. Định vị hình ảnh địa phương qua sản phẩm văn hóa, qua phát triển du lịch là con đường ngắn nhất, dễ tạo ra những xúc cảm nhất.
Bình Phước có tiềm năng phát triển về du lịch lễ hội, du lịch văn hóa của các dân tộc, kể cả văn hóa cổ xưa thời của đàn đá, thành đất hình tròn... Tất cả được quan tâm phát triển sẽ làm cho hình ảnh của Bình Phước hấp dẫn hơn, thu hút hơn. Điều rất quan trọng nữa là phải có cả hệ thống hình ảnh để nhận diện thương hiệu. Phải quan tâm xây dựng logo, slogan của địa phương, xây dựng một bộ phim, bài hát hay nhất, lựa chọn loại trái cây đặc biệt nổi bật của Bình Phước, hay một phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực... Tất cả tạo thành hệ thống để nhận diện thương hiệu Bình Phước.
GS,TS PHAN THỊ THU HIỀNTrường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí MinhChuyển hóa nguồn lực văn hóa
Những giá trị văn hóa lâu nay được nhìn nhận đơn thuần là yếu tố tinh thần, mang đến sức mạnh tinh thần. Hiện nay, nhận thức về văn hóa đa chiều hơn, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nguồn lực văn hóa sẽ không thể được truyền bá, lan tỏa hiệu quả nếu không được chuyển hóa thành các giá trị kinh tế, xã hội phục vụ sự phát triển của các cộng đồng địa phương.
Để những giá trị văn hóa trở thành nguồn tài sản vô giá, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thời gian qua, Bình Phước đã chú trọng quảng bá hình ảnh thông qua đầu tư phát triển du lịch, tăng cường kết nối vùng, xây dựng các tour/tuyến nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh mà còn tăng thu cho địa phương thông qua các loại hình dịch vụ. 9 tháng năm 2023, có gần 244.000 khách du lịch đến với Bình Phước. Tính riêng doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch lữ hành đã mang đến cho tỉnh khoảng hơn 5.400 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trình diễn nghệ thuật đàn đá Lộc Hòa - tiếng vọng ngàn năm của cộng đồng người tiền sử
Trao đổi về câu chuyện chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành các giá trị kinh tế, xã hội phục vụ sự phát triển của các cộng đồng địa phương, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định đây là xu hướng đúng. Phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của địa phương. PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng dẫn chứng: Qua nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy có một sự kiện rất thú vị, đó là Lễ hội Thành Tuyên ở Tuyên Quang gắn với giá trị nhân văn của người Việt Nam dành cho trẻ em, từ đó lan tới các giá trị khác. Với sự thu hút của lễ hội, rất nhiều nhà đạo diễn điện ảnh, người làm trong lĩnh vực du lịch bắt đầu về quê hương và nhìn ra những giá trị, nhìn ra tiềm năng của quê hương. Họ họp bàn với nhau và tìm kiếm, thiết lập những dự án để thúc đẩy, kết nối Tuyên Quang với các địa phương khác và với thế giới, từ đó phát triển các dự án kinh tế, đầu tư, du lịch và nhiều dự án khác.
Khi chúng ta bắt đầu từ những giá trị về bản sắc, về văn hóa của một địa phương, một quốc gia, tôi tin rằng đó là những dự án mang giá trị cốt lõi, để từ đó bước tiếp những bước cao hơn, ở phạm vi rộng hơn trên các lĩnh vực.
PGS,TS ĐỖ THỊ THU HẰNG, Hội Nhà báo Việt NamHòa trong dòng chảy này, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, ngày 25-11-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án khẳng định quan điểm: Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bình Phước gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.