UNG THƯ MÁU MẠN TÍNH LÀ BỆNH GÌ ?
Ung thư máu mạn tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi kinh. Là bệnh lý thuộc Hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính, đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh, tích lũy quá mức các tế bào bạch cầu có biệt hóa và trưởng thành trong tủy xương, ra máu ngoại vi và tích tụ trong các cơ quan như gan, lách, hạch bạch huyết.
Tùy thuộc vào loại bạch cầu tăng sinh là tế bào dòng tủy hay dòng lympho mà ung thư máu mạn tính được phân loại là Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, Lơ-xê-mi kinh dòng lympho hay Lơ-xê-mi kinh dòng hạt-mono… Bệnh thường tiến triển chậm hơn, tiên lượng điều trị khả quan hơn so với ung thư máu cấp tính.
Bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn mạn tính, giai đoạn tăng tốc và giai đoạn chuyển Lơ-xê-mi cấp.
Bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng lympho được chia thành 3 giai đoạn A-B-C theo tác giả Binet.
AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH ?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của ung thư máu mạn tính, mặc dù các nghiên cứu đã biết được bệnh phát triển như thế nào từ những thay đổi di truyền trong các tế bào tủy xương. Các yếu tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư máu mạn tính và yếu tố gia đình không đóng vai trò trong sự phát triển bệnh.
Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư máu mạn tính:
- Tuổi tác: ung thư máu mạn tính gặp nhiều hơn ở tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là Lơ-xê-mi kinh dòng lympho.
- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư máu mạn tính nhiều hơn nữ giới.
- Tiếp xúc với bức xạ: Rất nhiều người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 ở Nhật Bản đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu mạn tính. Ngoài ra, những người đã được điều trị xạ trị trước đó có nguy cơ mắc bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt cao hơn những người khác.
Các yếu tố nguy cơ thường ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư, nhưng hầu hết không trực tiếp gây ra bệnh ung thư. Một số người có yếu tố nguy cơ nhưng lại không mắc bệnh ung thư, trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ lại mắc ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu biết các yếu tố nguy cơ thì bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra các lời khuyên về lối sống và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
TRIỆU CHỨNG BAN ĐẦU CỦA BỆNH NHƯ THẾ NÀO ?
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể bệnh ung thư máu mạn tính: Giai đoạn đầu của ung thư máu mạn tính có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… nhưng cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì, và chỉ vô tình được phát hiện khi đi khám về bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Ở gian đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, thậm chí cả biểu hiện của tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng tái diễn do suy giảm miễn dịch.
LÀM XÉT NGHIỆM GÌ ĐỂ CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH BỆNH ?
Làm xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu mạn tính sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.
Với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, phân tích mẫu máu hoặc tủy xương để tìm nhiễm sắc thể Philadelphia hoặc đột biến gen bcr-abl là rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng lympho, đặc trưng khi phân tích mẫu máu hoặc tủy xương thường là sự tăng sinh quá mức tế bào lympho B trưởng thành, các tế bào này không theo chu trình chết tự nhiên của tế bào nên có khả năng sống kéo dài.
BỆNH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO ?
Điều trị bệnh ung thư máu mạn tính phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân, thể bệnh, giai đoạn của bệnh. Bệnh nhân có thể được kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau bao gồm: hóa trị liệu, thuốc miễn dịch điều trị ung thư, thuốc điều trị nhắm đích, các liệu pháp điều trị hỗ trợ khác và ghép tế bào gốc tạo máu hoặc tham gia vào một số điều trị thử nghiệm lâm sàng nếu có.
Với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng lympho ở giai đoạn đầu của bệnh thường là chưa phải điều trị ngay mà chỉ cần lên kế hoạch theo dõi, kiểm tra đánh giá định kỳ. Chỉ khi bệnh tiến triển hoặc chuyển giai đoạn mới cần phải điều trị.
Với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt giai đoạn mạn tính, thì điều trị bằng thuốc nhắm đích là liệu pháp tối ưu nhất. Chỉ khi bệnh không đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc chuyển giai đoạn tăng tốc hay Lơ-xê-mi cấp thì mới cần phải hóa trị liệu và ghép tế bào gốc tạo máu.
Ung thư máu mạn tính thường trải qua một số đợt điều trị tấn công và sau đó là điều trị duy trì kéo dài và đánh giá định kỳ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
BỆNH CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG ?
Nguyên nhân của bệnh ung thư máu mạn tính vẫn chưa rõ ràng, nên không có cách nào để ngăn chặn triệt để bệnh ngay từ đầu. Tuy nhiên, lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các hóa chất, tia xạ và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách thức tốt để phòng bệnh. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể có dấu hiệu của bệnh ung thư máu mạn tính, nhận thức được các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh, khi đó việc đi khám và làm xét nghiệm kiểm tra là rất quan trọng để chẩn đoán xác định bệnh và điều trị bệnh.
Ths.Bs Nguyễn Quốc Nhật
Phó trưởng Khoa điều trị hóa chất, Viện Huyết học-Truyền máu TW