(Toquoc)- Nếu có một phút nào đó thảnh thơi xem một tuyển tập thơ hay dạo qua một hiệu sách bạn sẽ thấy số lượng nữ thi sĩ bao giờ cũng khiêm tốn hơn những đồng nghiệp nam giới. Câu trả lời rất đơn giản: đó chỉ là một hiện tượng xã hội thông thường, một sự chọn lọc tự nhiên dựa trên những đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật. Tuy nhiên trong cuộc sống lại có rất nhiều người phụ nữ làm thơ. Với họ những rung động đầu đời là thơ, trong hơi thở của cuộc sống đã tiềm ẩn nhiều chất men thơ và bản thân họ cũng đang là một bài thơ tặng riêng cho cuộc sống. Có thế mạnh như thế cớ sao không phải người phụ nữ yêu thơ và làm thơ nào cũng cập bến nghệ thuật? Có thể đó chính là những đặc điểm của phái tính, của tính nữ - điều đó vừa là một sức mạnh, vừa là một rào cản níu chân họ.
Nữ tính (hay tính nữ) bắt nguồn từ đặc điểm giới tính của người phụ nữ thể hiện trên quan niệm về cuộc sống về cái đẹp và thể hiện dấu ấn trên những giá trị cuộc sống mà họ đã tạo ra trong xã hội. Trong văn chương tính nữ ấy được thể hiện bằng ý thức phái tính (thậm chí được một số nhà phê bình khái quát thành văn học nữ quyền). Trong thơ hay văn xuôi tính nữ ấy như một mái tóc buông hờ đầy quyến rũ và độc đáo. Để khỏi lẫn vào nhau phái nữ luôn tìm cho mình một cách nói riêng, bằng một “tần số” tình cảm riêng:
Có thể lắm
nếu anh
cộng em vào mùa đông
anh sẽ biết yêu một vùng quê núi
khi xa nhau em không nói
lạnh lắm mùa đông
(Cộng vào em mùa đông - Bế Phương Mai)
Tín hiệu với tần số đặc biệt ấy, có thể ví như một tiếng hát, thiếu nữ đang yêu khi cô đơn thường vẫn hát (Tự hát: Xuân Quỳnh…). Nếu người con gái ấy lại chót mang trong mình hơi hướng thi ca thì tiếng hát sẽ nhập vào thơ của họ, bay nhảy, lặn sâu trong từng vần điệu.
Cây bút nữ Bế Phương Mai của miền quê Cao Bằng cũng là một trường hợp như thế.
Với một cô gái làm thơ, nét khác biệt trong sự mềm mại, đam mê và quyến rũ của họ chính là sự ám ảnh bởi những ấn tượng của tuổi thơ, của thời thiếu nữ. Nói như thế hẳn là chứa hợp lẽ bởi điều đó cũng có thể xẩy ra với các bạn viết nam giới. Tuy nhiên nếu có một độ lùi nhất định ta mới thấy với phụ nữ sự phơi trải va vấp không có nhiều ý nghĩa bằng việc giữ gìn và chăm chút cho những ấn tượng ban đầu. Trong thế giới của sự yểu điệu và thướt tha ấy sự mạnh mẽ của nam tính luôn là một đối tượng được phóng chiếu nhiều nhất, chú ý nhiều nhất. Đầu tiên là người cha, người đem đến những thông điệp đầu tiên của tình yêu cuộc sống:
Cha là bạngóp hòn đất sét
con có quả sung xanh
mâm cỗ bày bao vì tinh tú
được Cha điêu khắc
những bức tượng lem luốc như ma
Cha cười:
“Ừ, ông ma vĩ đại”
Nào Tagor, Puskin toàn râu và tóc
Phơ phơ cười
sung chấm muối giòn tan
(Bài thơ của cha)
Mỗi người cha lại biết cách tìm một lối đi riêng để dắt cô công chúa nhỏ của mình bước vào thế giới với muôn vàn hình sắc. Thế nhưng người cha trong trường hợp này (mà hẳn ai cũng biết nhà thơ Bế Thành Long) lại đi cùng con gái bằng lối đi bình dị, chỉ có hai gam mầu lạnh (xanh, lem luốc: có thể hiểu là đen xám). Ta có thể nhận ra hai cha con có một nếp nhà khá bình yên với cuộc sống thanh bạch nhưng trọng “thi, thư”, từ góc sân nhỏ (hòn đất sét; có quả sung xanh) cha dậy cho con biết nhìn lên bầu trời của nhân loại (“Ừ, ông ma vĩ đại”/ Nào Tagor, Puskin toàn râu và tóc). Từ độ ấy trên con đường của tình yêu người con gái trong thơ Phương Mai luôn khe khẽ hát. Hát từ tuổi hoa niên và đi suốt thời thiếu nữ. Có lúc tiếng hát rất nhỏ mà da diết, khi nồng nhiệt khát khao, khi giấu vào nước mắt, khi lặn trong sương mờ, và đương nhiên tiếng hát nhập vào thơ..
Thoạt tiên là tiếng thì thầm với người con trai vừa kín đáo vừa nồng nàn: Cứ lặng yên như thế/ nghe em hát/ về tình yêu bến đợi xa xôi/ giành cho anh lời thơ già trăm tuổi/ chờ ai vời vợi cuối chân trời (Gió cháy). Tiếng hát ấy thoạt nghe có vẻ rất dửng dưng - nói lên vị thế của người con gái luôn ý thức được tầm vóc của mình. Có đôi khi lòng kiêu hãnh ấy còn được đẩy lên thành sự lạnh lùng với sự kiêu sa: Chẳng bất ngờ đâu/ nếu anh nói/ về trái chín vị ngọt dịu dàng/ về ánh trăng và hương nồng em có thể/ nếu thu tàn/ em chưa nói lời yêu. (Định nghĩa). Nhưng nếu nhận ra tất cả những héo mòn, khô cạn, đợi chờ ấy (bến đợi; lời thơ già trăm tuổi, chờ ai vời vợi; thu tàn) là biến thể của tình yêu tha thiết, không tuyên ngôn thừa nhận (em chưa nói lời yêu) nhưng lại âm thầm tuyên thệ bằng sự đợi chờ, với bến đợi và sẵn sàng héo tàn cùng mùa thu và hoa cỏ.
Tình yêu muôn thuở vẫn giữ nguyên được vẻ nguyên sơ bởi sự tươi trẻ của chính những người đang yêu. Hành trình tình yêu không phẳng lặng mà như một dòng sông hoang sơ luôn chứa đầy những bí ẩn có khúc thác dữ gầm gào, có khúc thướt tha và có cả những điệp khúc. Những cuộc hẹn hò chính là một điệp khúc của tình yêu như thế. Cô thôn nữ trong thơ Nguyễn Bính đã lỡ hẹn trong cuộc hát hiếm hoi, cơ hội duyên tình ngàn năm có một: Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mưa xuân cũng lỡ làng (Mưa xuân). Thế rồi bài thơ ấy của thi sĩ chân quê được phổ nhạc (nhạc sĩ Huy Thục) và trở thành bài hát của những cuộc tình lỡ dở nhưng trong quá khứ tiếng hát ấy đã có từ rất lâu. Nét khác biệt chỉ là ở lời trách và thái độ của người trách là tiếp tục đợi chờ mòn mỏi hay đóng khung lại thành một kỉ niệm (Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông/ Cô lái đò xưa đi lấy chồng- Nguyễn Bính). Trong thơ Phương Mai tiếng hát của cô gái lỡ hẹn là sự cả tin vào sức hút của trái tim mình:
Em không ước là cô gái xinh đẹp
đến với anh vào ngàn đêm không lẻ
nàng sẽ chết khi bình minh hiển hiện
và em lại hát lời yêu thuở trước
hạnh phúc cho nỗi buồn của riêng em
anh là sao hôm nhé!
nhưng em không nhận sao mai
em vẫn là em
để anh lỗi hẹn
(Hẹn)
Không muốn chỉ có tình yêu trong giây lát để rồi vụt tắt, người con gái tin rằng nỗi buồn và lỡ dở là thuộc tính của tình yêu trong cuộc đời này, dám chấp nhận vị đắng của tình yêu mới là sự tồn tại đích thực: và em lại hát lời yêu thuở trước/ hạnh phúc cho nỗi buồn của riêng em. Điệp khúc ấy được lặp lại thật kín đáo trong những ẩn dụ quen thuộc: Dòng sông buồn có trăng/ cây bờ buồn có gió. Chỉ có cô gái là cô đơn nhìn đâu cũng thấy màu tím, màu của sự đợi chờ, giận hờn và than trách.
Sau mỗi lần lỡ dở, người con gái nhận ra nỗi buồn chính là điều quen thuộc nhất và cũng trớ trêu nhất, nỗi buồn luôn mới sau những lần lỡ dở, chỉ có tình yêu và hình bóng người tình là trở nên cũ càng, quen thuộc. Chính ở nơi phố đông cô nhận ra thiếu vắng một điều gì đó thật lặng lẽ: đường quen/ mà dòng người mãi lạ/ tôi chờ ai rát bỏng lối về. Giữa cái trống trải mênh mông ấy chỉ ước gặp một khuôn mặt cũ, một “vì sao thân thuộc”giữa dải ngân Ngân Hà, tiếng hát của người con gái nghẹn ngào trong sự tiếc nuối:
Anh giết em rồi
Lời ru sao êm ái
và trái tim-người con gái
không thể cướp lời ru
trên núi Thái Sơn
(Tình yêu)
Sự khiêm tốn bất lực của lòng kiêu hãnh cũng chính là sự tự tôn vẻ kiêu sa của tình yêu chung thuỷ, luôn chờ đợi sự thấu hiểu lắng nghe của trái tim chàng trai qua những lời thì thầm: Đừng trách em khi môi chạm vào mây/ loang vào núi nghe hồn ma kể chuyện (Gió Tam Đảo).
Thơ của tác giả nữ Bế Phương Mai là một tiếng hát như thế, tiếng hát không vọng lên những lời nức nở nhưng gợi một chiều sâu tâm hồn, vẻ đẹp của lời ca ấy được thể hiện qua vị thế của người con gái có tình yêu chung thuỷ. Một tiếng hát thầm thì rất nhẹ nhàng và kén người nghe!
Việt Phương