Bên cạnh xét nghiệm RT-PCR có giá trị khẳng định chính xác, kit test nhanh ngày được người dân sử dụng nhiều để chủ động chẩn đoán có mắc Covid-19 không khi có các triệu chứng nghi ngờ hay tiếp xúc F0, người nghi nhiễm.
Do vậy, độ chính xác của các loại kit test nhanh được đặc biệt quan tâm. Vậy kit test nhanh có chính xác không? Cần lưu ý gì để thực hiện test nhanh tại nhà cho kết quả chính xác. BookingCare cùng bạn tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Kit test nhanh có chính xác không?
Theo Trung úy, Bác sĩ Vũ Đức Hiếu, Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: "Về mặt xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy khá cao khi người nhiễm trong giai đoạn toàn phát (lúc bệnh phát triển rầm rộ nhất),nguy cơ lây nhiễm cao. Tức là, nếu có kết quả test nhanh dương tính thì xác suất nhiễm rất cao, và người này đang có nguy cơ lây nhiễm mạnh cho người khác."
Tuy nhiên, không thể đảm bảo tất cả các loại kit test nhanh trên thị trường hiện nay đều cho kết quả chính xác. Những loại kit test không được kiểm định có thể cho kết quả không chính xác. Tỷ lệ âm tính giả rất cao, lên đến 40 - 50%. Âm tính giả là tình trạng hiển thị kết quả âm tính trong khi người bệnh thực sự đã mắc Covid.
Ngược lại, những loại kit test Covid đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành sẽ đảm bảo độ chính xác. Hiện nay, các loại kit test nhanh được cấp phép đều có độ nhạy, độ đặc hiệu trên 90%, nhiều bộ kit trên 95%.
Cần quan tâm đến hai giá trị này vì kit test có độ nhạy và độ đặc hiệu càng cao thì độ chính xác càng lớn.
- Độ nhạy: khả năng phát hiện bệnh, khả năng phát hiện dương tính.
- Độ đặc hiệu: độ chính xác của xét nghiệm.
Độ nhạy, độ đặc hiệu của các loại kit test nhanh, kể cả kit test nhanh nước bọt hay kit test nhanh dịch tỵ hầu chỉ chênh lệch ít. Chính vì vậy, nếu bạn có băn khoăn kit test nước bọt có chính xác không thì khi mua các loại nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép sẽ yên tâm chính xác hơn.
Dưới đây BookingCare liệt kê độ nhạy, độ đặc hiệu của một số loại kit test nhanh được bán nhiều trên thị trường hiện nay:
Để tổng kết lại cho câu hỏi kit test nhanh có chính xác không, kit test nhanh vẫm đảm bảo kết quả chuẩn đoán chính xác nếu sử dụng loại được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, trong một số trường hợp kết quả sai (âm tính giả, dương tính giả) còn đến từ các nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân âm tính giả, dương tính giả
Thực tế, khi test nhanh Covid nhiều người gặp phải tình trạng kết quả không chính xác với trình trạng bệnh (âm tính giả, dương tính giả) hoặc test nhanh "lúc âm lúc dương". Nguyên nhân dẫn đến kết quả sai này có thể từ những lý do sau:
- Kit test nhanh chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc có thể cho kết quả xét nghiệm sai lệch.
- Chất lượng kit test: Kit test không còn hạn, bảo quản không đúng cách cũng làm ảnh hưởng đến kết quả.
- Thao tác thực hiện test nhanh không đúng hướng dẫn.
- Thời điểm test nhanh: thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm. Thời gian này dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy là 86,2% (81,8 - 89,7). Nếu trên 7 ngày là 70,8% (60,7 - 79,2).
- Ngoài ra, nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng.
Sử dụng các bộ kit test nhanh Covid chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc có thể cho kết quả xét nghiệm sai lệch, âm tính giả hoặc dương tính giả.
Lưu ý quan trọng để tự làm test nhanh tại nhà chính xác
Để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần chọn mua đúng loại test nhanh Covid được Bộ Y tế cấp phép. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành có nhiều loại kit test dịch tỵ hầu và 2 loại kit test nước bọt (kit test nước bọt Antigen Rapid EDiagnosis và kit test nước bọt Novel Coronavirus). Do vậy, tùy vào nhu cầu có thể chọn một trong hai.
Sau đó, khi thực hiện test nhanh tại nhà, nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, nên lưu ý những điều sau để lấy mẫu đúng, cho kết quả chính xác nhất, tránh xảy ra hiện tượng âm tính giả, dương tính giả.
Test nhanh lấy mẫu dịch tỵ hầu
- Lưu ý góc lấy mẫu và độ sâu: Khi đưa que lấy mẫu vào mũi, nhiều người có thể để sai góc hoặc chưa đạt đúng độ sâu. Vì vậy, để thực hiện nên ngồi đúng tư thế, đầu nghiêng về phía sau 70 độ. Sau đó cố gắng đưa que đi theo chiều ngang và nhẹ nhàng đưa vào sâu khoảng 2 - 3 cm. Nếu thấy đau hoặc thấy bị khựng lại khi chưa tới 2 - 3 cm thì thử qua lỗ mũi bên kia.
- Khi đưa que vào đúng vị trí, xoay nhẹ que lấy mẫu vào thành mũi theo đúng số lần mà que xét nghiệm khuyến nghị. Một số loại sẽ xoay 3 lần, sau đó giữ yên 10 - 15 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.
- Nếu chảy máu khi chọc lấy mẫu, nên thực hiện lại xét nghiệm khác. Mẫu bị lẫn máu sẽ cho kết quả không chính xác.
- Không thêm quá nhiều giọt dung dịch vào ô S. Chỉ thêm đúng số giọt theo hướng dẫn sử dụng trên bộ kit.
- Không mở khay thử quá sớm. Chỉ nên mở khi sẵn sàng thực hiện test. Sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Mở sớm nhưng không sử dụng có thể dẫn đến kết quả dương tính giả.
- Không đọc kết quả quá sớm hoặc quá muộn sau thời gian quy định trên sản phẩm.
Kit test nhanh nước bọt
- Không ăn, uống, nhai kẹo cao su, đánh răng hoặc hút thuốc trước khi xét nghiệm nước bọt. Nếu có nên đợi sau ít nhất 30 phút mới làm test.
- Khi lấy mẫu test covid bằng nước bọt, lưu ý chỉ nhổ (khạc) nước bọt, không khạc đờm. Dịch đờm có tính nhầy sẽ khiến mẫu thử không thấm qua được phần kit test nên kết quả có thể không hiển thị vạch nào hoặc không cho kết quả chính xác.
- Lấy quá ít hoặc quá nhiều lượng nước bọt cũng dẫn đến kết quả sai. Các loại kit test nước bọt có vạch chỉ thị lượng nước bọt cần lấy. Bạn có thể dựa vào đó để lấy đủ mẫu.
Trên đây là một số giải đáp và thông tin BookingCare chia sẻ đến bạn cho câu hỏi kit test nhanh có chính xác không. Hy vọng đã giúp bạn giải đáp băn khoăn cũng như có lưu ý để thực hiện test nhanh tại nhà chính xác hơn.