Đặc sản ốc núi đá hay còn được người dân địa phương gọi vui là con “nhơn nhớt”. Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thường chế biến ốc núi đá thành nhiều món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn, khiến nhiều thực khách nếm thử đều tấm tắc khen ngon, bởi hương vị đặc trưng và độ giòn, ngon, lạ của loại ốc này.
Ốc núi đá thường xuất hiện từ tháng 4 đến hết tháng 8 dương lịch, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình dưới đất, trong các khe đá hoặc các lớp lá dày.
Thức ăn chính của loại ốc đặc sản này là những cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý. Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu thường lên rừng săn bắt ốc núi đá về chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn như: Luộc, xào lá lốt, hấp gừng, hấp xả, xào sả ớt, trộn gỏi... Nhưng món ăn được đồng bào Thái ưa thích và chế biến nhiều nhất vẫn là món ốc hấp xả.
Món ốc núi đá hấp xả được rất nhiều thực khách đam mê ẩm thực dân dã lựa chọn thưởng thức.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN, chị Hà Thị Hạnh, sinh sống ở bản Lác (thị trấn Mai Châu,huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Tôi làm nghề săn bắt ốc núi đá nhiều năm nay rồi. Loài ốc này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa, ốc mới bò ra ngoài tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi đá xuất hiện hầu hết các cánh rừng của huyện Mai Châu, thường tập trung nhiều nhất ở các cánh rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp".
Để săn bắt được nhiều ốc, "thợ săn" thường phải dậy từ sáng sớm lên các khu rừng ở xã Cun Pheo, Tân Mai, Tân Dân (huyện Mai Châu) săn bắt mang về chế biến các món ăn phục vụ gia đình. Nếu bắt được nhiều, họ sẽ mang ra chợ Trung tâm bán cho các nhà hàng và Homestay để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Những hôm săn bắt được nhiều ốc núi đá, chị Hà Thị Hạnh mang ra chợ Trung tâm huyện bán kiếm thêm thu nhập.
Nhiều du khách thập phương khi đặt chân đến huyện Mai Châu tham quan, trải nghiệm đều tò mò với món ăn được làm từ ốc núi đá. Tuy nhiên, cũng không ít thực khách lắc đầu e rè, kinh hãi trước món ăn này, do nghĩ rằng đây là một loài động vật thân mềm có chất nhầy rất kinh dị tạo cho con người ta cảm giác sợ hãi. Nhưng khi đã được tận mắt chứng kiến cách chế biến món ốc hấp xả núi đá, thực khách sẽ mong muốn được nếm thử ngay lập tức, bởi khi hấp ốc núi đá trên bếp lửa, sẽ tỏa ra mùi thơm ngon, hương vị giòn tan khó cưỡng... làm bất cứ thực khách nào cũng không thể chối từ.
Hiện ốc núi đá được nhiều nhà hàng và các chủ Homestay ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) mua với giá 50.000/1kg, để làm các món ăn cho khách du lịch.
Theo chị Hà Thị Hạnh sinh sống ở bản Lác: Cách chế biến món ốc núi đá hấp xả rất đơn giản, khi bắt từ rừng về chúng ta rửa qua lớp đất bám trên vỏ ốc bằng nước sạch, không cần ngâm kỹ trong nước như các loại ốc khác mà chỉ rửa sơ qua để giữ lại chất dinh dưỡng. Vì thức ăn chính của loại ốc này là những cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý. Sau khi rửa xong, chúng ta đổ ốc và 1 ít nước cùng các gia vị như: Muối, mì chính, ớt, xả... băm nhỏ cho vào nồi đảo đều, rồi hấp. Khoảng hơn 35 phút sau, chúng ta sẽ có món ốc núi đá hấp xả thơm ngon và hấp dẫn.
Thực khách nào mới thưởng thức lần đầu sẽ thấy ghê dợn, nhưng khi đã ăn rồi sẽ không ngừng cầm đũa.
Nếu như trước kia ít người biết đến món ốc núi đá, thì giờ đây món ốc núi đã trở thành lựa chọn của rất nhiều thực khách, nhất là dân nhậu đam mê ẩm thực dân tộc dân dã. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Khi ăn ốc núi nên ăn cả con không cần bỏ ruột, lúc ăn nhai chậm và kỹ mới cảm nhận được vị mát lành, thơm mùi thuốc Bắc. Có lẽ chính cái vị ngọt thanh, chút hương lá rừng là lạ đã làm thực khách mê mẩn với món đặc sản ốc núi đá này.
Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN, anh Nguyễn Đức Minh, tổ 2, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu bày tỏ: "Tôi rất thích các món ăn chế biến từ ốc núi đá, bởi hương vị của ốc rất lạ và thơm ngon hơn các loài ốc khác. Mùa mưa này tôi còn được thưởng thức nhiều, khi qua mùa mưa thì muốn ăn cũng không có chỗ mà mua, vì loại ốc này hiếm và quý lắm, nó chỉ xuất hiện theo mùa thôi".