Việc phát hiện khối u hoặc thay đổi khác thường ở vú có thể khiến nhiều chị em lo sợ ung thư vú đến nỗi mất ăn mất ngủ. Điều này xuất phát từ lầm tưởng bất kỳ khối u nào ở vú đều là ung thư. Tuy nhiên, có 60% - 80% khối u vú là lành tính, không ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, chị em cần nắm rõ các dấu hiệu ung thư vú, tránh nhận định sai, ảnh hưởng đến tâm lý. Trong đó, biết được khối u ung thư vú có cảm giác như thế nào rất quan trọng. Bài viết của bác sĩ CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp vấn đề này.
Khối u ở vú là gì?
Khối u ở vú là tình trạng sưng tấy, phồng lên bất thường, có thể gây đau bên trong hoặc xung quanh mô vú, vùng nách. Khối u có nhiều hình dạng, kích thước, đặc tính khác nhau. Các khối u dạng tròn, nhẵn, có khả năng di chuyển thường lành tính, chiếm 60% - 80%. Mặt khác, các cục u cứng, thường cố định, cạnh lởm chởm, dính vào da, núm vú và cấu trúc xung quanh, khả năng cao là ác tính.
Một khối u ở vú hoặc những thay đổi ở vú cần được khám, đánh giá, chẩn đoán sớm để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp (nếu cần). Biết những gì sẽ xảy ra khi khám vú lâm sàng và điều gì sẽ xảy ra khi một khối u hoặc thay đổi ở vú cần được đánh giá thêm.
Việc phát hiện khối u ở vú hoặc thay đổi khác ở vú có thể khiến nhiều chị em lo sợ bệnh ung thư vú. Không ít chị em suy sụp tinh thần, hoang mang, mất ăn mất ngủ khi biết mình có khối u ở vú. Tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, chất lượng cuộc sống của chị em.
Bác sĩ có thể hiểu được nỗi lo lắng của bạn nhưng khối u trong vú là phổ biến, hầu hết chúng không phải ung thư (lành tính), đặc biệt là khối u ở phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải được bác sĩ chuyên khoa về bệnh tuyến vú khám và đánh giá bất kỳ khối u nào ở vú, đặc biệt nếu có khối u mới xuất hiện hoặc nếu một bên vú có cảm giác khác với bên còn lại.
Mô vú sinh lý thay đổi như thế nào?
Tuyến vú chứa các mô có kết cấu khác nhau, bao gồm: da, mỡ, các mô tuyến vú và mô liên kết. Một số triệu chứng liên quan đến vú, chẳng hạn như đau hoặc nổi cục u, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Cục u trong thời gian này có thể là do có thêm nang trong vú. Mô vú cũng thay đổi trong thời kỳ mang thai, mãn kinh và trong khi dùng nội tiết tố.
Khối u ung thư vú có hình dạng thế nào?
Khối u ung thư vú thường cứng, hình dạng và kích thước không đồng đều, các cạnh khối u lởm chởm, ít di động, giai đoạn trễ u có thể xâm lấn ra da, gây đau. [1]
Khối u ung thư vú có cảm giác như thế nào?
Mỗi người có cảm giác khối u ung thư vú khác nhau. Các khối u có khả năng cao là ung thư vú thường có biểu hiện, cảm giác điển hình. Chị em có thể căn cứ để nhận định liệu đó có khả năng là khối u ác tính hay không dựa vào một số bất thường như:
- Trên khuôn ngực xuất hiện chỗ dày lên có cảm giác khác với các mô xung quanh hoặc vú còn lại.
- Nhận thấy sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc bề ngoài của vú.
- Đau vú không hết sau chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
- Nhận thấy những thay đổi về da trên vú, chẳng hạn như ngứa, mẩn đỏ, đóng vảy, lõm xuống hoặc nhăn nheo.
- Có một núm vú thụt vào trong.
- Nhận thấy tiết dịch núm vú.
Khối u ung thư vú có đau không?
Dù phần lớn trường hợp ung thư vú không có cảm giác đau ngay cả khi khuôn ngực xuất hiện cục sưng tấy. Tuy nhiên, khi ấn vào vùng có khối u, nằm sấp, có vật nặng đè lên, có thể khiến bạn thấy đau, nhói. [2]
Cảm giác đau khi ấn vào vùng có khối u là là một trong những dấu quan trọng hiệu cảnh báo ung thư vú. Bạn cần sớm đến cơ sở y tế có khoa Ngoại Vú khám, xét nghiệm, chẩn đoán ung thư sớm để có phương án điều trị phù hợp, hiệu quả cao, tránh nguy cơ phải đoạn nhũ (phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú), ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và thẩm mỹ.
Khối u ung thư vú có di chuyển không?
Khối u ung thư vú thường có xu hướng cố định tại chỗ trong mô vú trong khi khối u vú lành tính có khả năng di chuyển. Tuy nhiên, tính di động của khối u không phải dấu hiệu đáng tin cậy trong chẩn đoán ung thư vú. [3]
Có thể sờ thấy khối u ung thư vú không?
Có thể. Chị em có thể sờ và cảm nhận thấy khối u ung thư với điều kiện khối u nằm gần bề mặt da. Mặt khác, nếu khối u hình thành sâu bên trong mô tuyến vú, chị em khó cảm nhận được. Trường hợp này chỉ có thể phát hiện thông qua hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, tiên tiến ở các cơ sở y tế có có Ngoại Vú uy tín.
Dấu hiệu và cảm giác khối u ung thư vú cần gặp bác sĩ
Làm quen với cảm nhận khuôn ngực giúp bạn dễ dàng phát hiện khi có sự thay đổi bằng cách tự kiểm tra tuyến vú định kỳ hàng tháng sau khi sạch kinh. Sau đây là một số dấu hiệu, thay đổi bất thường về cảm giác ở khuôn ngực mà chị em cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ:
1. Sưng ở ngực hoặc nách
Trên khuôn ngực hoặc dưới nách xuất hiện các khối u cứng, sưng bất thường, hình dạng không đều, cạnh lởm chởm, không biến mất sau một thời gian theo dõi, ấn vào cảm giác đau là biểu hiện đầu tiên cảnh báo ung thư vú. Chị em cần đến cơ sở y tế được trang bị hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh chính xác.
2. Da ngực lõm và dày lên
Trường hợp khối u nằm sâu bên trong mô vú khiến vùng da bên trên trở nên dày sần và bị lõm xuống, dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
3. Núm vú co lại, tấy đỏ, bong tróc hoặc dày lên
Chị em có thể quan sát được núm vú có xu hướng thụt vào bên trong, có hình dạng giống lúm đồng tiền, đi kèm cảm giác nóng rát, ngứa, lở loét. Ngoài ra, chị em có thể gặp tình trạng da núm vú sưng đỏ, tróc vảy, nhăn nheo bất thường.
4. Tiết dịch núm vú
Dịch tiết ra (không phải sữa) bất thường mà không cần bóp, xuất hiện một bên vú có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú. Khi ung thư diễn tiến đến những giai đoạn muộn, khối u lớn hơn, vỡ ra, tiết dịch mủ có mùi khó chịu kèm chảy máu.
5. Vú nóng rát, tê hoặc ngứa ran kéo dài nhiều ngày
Đôi khi, chị em có thể không cảm nhận thấy khối u nhưng khuôn ngực ngứa râm ran, châm chích, nóng rát, tê dai dẳng không hết cũng nên sớm đến cơ sở y tế khám vì đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư vú.
Cách tự khám vú khi có cảm giác khối u ở vú
Chị em là người hiểu nhất những thay đổi bất thường ở khuôn ngực của mình. Do đó, biết cách tự kiểm tra, cảm nhận bầu vú sẽ giúp chị em sớm phát hiện khối u ở vú, đồng thời có thể xác định ban đầu tính chất khối u là lành tính hay ác tính. Phương pháp để chị em tự kiểm tra khi có cảm giác vú xuất hiện khối u như sau:
- Chọn ngày kiểm tra định kỳ hàng tháng: việc tự kiểm tra khuôn ngực nên được tiến hành vào một ngày xác định mỗi tháng để chị em dễ dàng phát hiện, theo dõi những thay đổi bất thường. Chị em nên chọn ngày kiểm tra cách xa chu kỳ kinh nguyệt do sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến cảm giác tại bầu ngực.
- Quan sát bên ngoài: khi kiểm tra, chị em cởi áo và áo ngực, đứng trước gương để quan sát xem kích thước, hình dáng, màu sắc da, sự cân đối của khuôn ngực có thay đổi nào bất thường không. Hãy nhấc hai tay lên quan sát vùng dưới cánh tay, dưới bầu vú để kiểm tra bất thường tại khu vực này.
- Kiểm tra từng bên ngực: chị em nằm trên giường hoặc ghế dài, dùng các đầu ngón tay và cả bàn tay lần lượt ấn, nắn, cảm nhận khối u hay các bất thường khác ở từng bên ngực. Bắt đầu từ núm vú lan ra vùng ức và dưới cánh tay theo hình xoắn ốc.
- Kiểm tra núm vú: chị em nhẹ nhàng bóp từng núm vú để kiểm tra có hiện tượng tiết dịch, thụt vào bất thường nào hay không.
- Ghi chú kết quả kiểm tra: sau mỗi lần kiểm tra, chị em nên ghi chép lại cụ thể những cảm nhận, cảm giác, tình trạng khuôn ngực để tiện cho việc theo dõi, nhanh chóng phát hiện những thay đổi bất thường so với lần kiểm tra ngực trước đó.
Đối tượng nên áp dụng:
Mọi phụ nữ nên chủ động tự kiểm tra, theo dõi ngực định kỳ, nhất là những chị em:
- Từ 40 tuổi trở lên.
- Từng mắc ung thư một bên vú nên thường xuyên kiểm tra bên còn lại.
- Được chẩn đoán có khối u ở vú.
- Có người thân từng mắc ung thư vú.
Chẩn đoán ung thư vú
1. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong chẩn đoán ung thư vú trước khi thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. Trong lúc khám lâm sàng bác sĩ sẽ:
- Hỏi về các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ ung thư vú hoặc các tình trạng bệnh tuyến vú lành tính trước đó nếu có.
- Kiểm tra vú và các hạch bạch huyết ở nách, sờ xem có khối u hay bất kỳ sự khác biệt nào không.
- Kiểm tra da trên vú.
- Kiểm tra các vấn đề về núm vú, chẳng hạn như tụt vào trong hoặc tiết dịch.
Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy một khối u ở vú hoặc khu vực đáng lo ngại khác, bạn sẽ cần xét nghiệm hình ảnh đánh giá thêm.
2. Các kiểm tra hình ảnh học tuyến vú
Để đánh giá chính xác khối u ở vú, bác sĩ của bạn có thể đề nghị:
- Chụp quang tuyến vú chẩn đoán: X-quang vú chuyên dụng này cho thấy những thay đổi ở vú từ nhiều góc độ.
- Siêu âm vú: Sóng siêu âm tạo ra hình ảnh bên trong vú trên màn hình. Hình ảnh siêu âm rất hữu ích trong việc xác định khối u ở vú là dạng đặc hay chứa đầy chất lỏng gọi là nang vú, giúp bác sĩ đánh giá thêm bản chất tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ vú: Máy chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh bên trong tuyến vú. Trước khi chụp MRI vú, thuốc cản từ có thể được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch vào cánh tay để tăng cường sự xuất hiện của các mô bướu hoặc mạch máu trên hình ảnh MRI. MRI tuyến vú đặc biệt có lợi ích cho khảo sát trên bệnh nhân đặt túi ngực 2 bên.
Các xét nghiệm mới hơn để chụp ảnh vú đang được phát triển và nghiên cứu.
3. Sinh thiết sang thương trong vú
Sinh thiết sang thương trong vú là phương pháp dùng kim đưa vào bên trong tuyến vú lấy một mẫu mô tại khối u nghi ngờ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh có thể giúp định hướng kim và có thể sử dụng thuốc gây tê giảm đau tại chỗ chọc hút.
Tùy chẩn đoán mà bác sĩ của bạn sẽ giải thích cho bạn cân nhắc chọn lựa phương pháp thích hợp với bạn nhất. Các lựa chọn sinh thiết vú bao gồm:
- Sinh thiết chọc hút kim nhỏ (FNA): Sử dụng một cây kim mỏng, nhỏ gắn vào ống tiêm để chọc hút lấy các tế bào và chất lỏng từ khối u đáng ngờ.
- Sinh thiết kim lõi: Bác sĩ sử dụng cây kim lớn hơn, có đầu đặc biệt được sử dụng để chọc hút lấy mô tại khối u nghi ngờ ung thư.
- Sinh thiết định vị kim 3 chiều: Chụp nhũ ảnh bằng các hệ thống máy móc chuyên dụng nhằm tạo ra hình ảnh của khu vực được đề cập từ nhiều góc độ (hình ảnh 3D) giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh định vị chính xác vị trí sinh thiết tuyến vú.
- Sinh thiết hỗ trợ chân không (VABB): Bác sĩ sử dụng đầu dò kết nối với thiết bị hút chân không sẽ loại bỏ một mẫu nhỏ mô vú.
- Phẫu thuật sinh thiết: Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u bằng một vết cắt nhỏ trên da và mô vú.
Sau khi sinh thiết, mẫu mô khối u được gửi đến phòng thí nghiệm phân tích. Bác sĩ tại cơ sở y tế sẽ giúp bạn giải thích kết quả.
4. Theo dõi sau khi đánh giá khối u vú
Nếu khối u ở vú không phải là ung thư, bác sĩ sẽ quyết định xem có cần theo dõi ngắn hạn bằng khám vú lâm sàng hoặc chụp nhũ ảnh hay không. Bạn có thể được hẹn lịch tái khám sau 2 - 3 tháng để theo dõi thay đổi bất thường ở vú (nếu có). Nếu nhận thấy những thay đổi bất thường tại khối u hoặc phát triển các khu vực mới cần quan tâm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Một khối u vú xác định là ung thư cần điều trị thì cần phải chẩn đoán loại giải phẫu bệnh khối u và các yếu tố khác như sinh học bướu, kích thước bướu, mức độ ăn lan sang các cơ quan khác (di căn), các yếu tố thuộc bệnh nhân, nhu cầu thẩm mỹ… sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị. Lúc này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ đang điều trị cho bạn.
Yếu tố rủi ro cần lưu ý nếu phát hiện khối u ung thư vú
Khi phát hiện có khối u ung thư tại vú, chị em cần lưu ý một số yếu tố rủi ro sau đây:
- Cảnh báo người thân: nếu bạn phát hiện có khối u ác tính ở vú, bạn nên sớm cảnh báo tất cả thành viên trong gia đình sớm đi tầm soát ung thư vú để kịp thời phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm.
- Bỏ hút thuốc, bia rượu: thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác có thể làm khối u phát triển nhanh và khó kiểm soát hơn. Do đó, khi phát hiện có khối u ung thư vú, bạn bắt buộc phải dừng sử dụng các sản phẩm này (nếu có).
- Kiểm soát cân nặng: nếu bạn gặp vấn đề thừa cân, béo phì và được chẩn đoán có khối u ác tính ở ngực, bạn nên nỗ lực kiểm soát cân nặng về mức an toàn. Các mô mỡ tham gia vào quá trình sản xuất estrogen, nhất là thời gian mãn kinh. Nồng độ estrogen tăng sẽ làm khối u ung thư vú phát triển nhanh hơn.
- Kiểm soát đường huyết: nếu bạn cũng đang mắc bệnh tiểu đường, bạn cần nhờ bác sĩ tư vấn cách kiểm soát chỉ số đường huyết. Lượng đường trong máu cao “tiếp tay” cho khối u ung thư phát triển.
- Hoãn kế hoạch có con: trường hợp bạn mong muốn sinh con nhưng phát hiện mắc ung thư vú, bạn nên tạm hoãn kế hoạch của mình cho đến khi điều trị xong ung thư.
- Cố gắng tăng cường vận động: thường xuyên vận động giúp cải thiện sức khỏe, mang lại tinh thần thoải mái, có lợi trong điều trị các bệnh ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng. Chị em không nhất thiết phải vận động nặng, mà chỉ cần các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga…
Chẩn đoán, phát hiện sớm khối u ung thư vú giúp gia tăng hiệu quả điều trị, hạn chế nguy cơ tái phát, giảm thiểu nguy cơ can thiệp phẫu thuật đoạn nhũ.
Do đó, nếu nhận thấy khuôn ngực xuất hiện khối u hoặc thay đổi bất thường, chị em có thể đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, để được khám, chẩn đoán bằng hệ thống máy móc chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: hệ thống máy nhũ ảnh kỹ thuật số 3D (DBT) Mammomat Inspiration; máy siêu âm GE Logiq E10S đầu dò hỗ trợ siêu âm đàn hồi vú, máy MRI 3 tesla thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy khảo sát vi mạch và hỗ trợ định hướng sinh thiết dưới siêu âm… mang lại kết quả chẩn đoán chính xác, giúp chị em an tâm hơn khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Có thể biết được khối u ung thư vú có cảm giác như thế nào sẽ giúp chị em phụ nữ sớm phát hiện nguy cơ ung thư vú trước khi đến bệnh viện khám, xét nghiệm cụ thể. Điều quan trọng là, chị em không nên quá hoang mang, lo sợ khi phát hiện khối u, tránh ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.