Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở cả 2 giới. Thống kê năm 2022 của Viện Ung thư Hoa Kỳ (NCI) cho thấy ung thư phổi chiếm 12,4% số trường hợp ung thư mắc mới, gần 50% trong số đó phát hiện được khi bệnh đã ở giai đoạn IV. Ung thư phổi di căn xa đồng nghĩa với giai đoạn tiến triển nhất của K phổi, khối u lan rộng và di căn đến phổi đối bên hoặc các cơ quan khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này, sức khỏe của bệnh nhân bị giảm sút nghiêm trọng do khối u gây ra các triệu chứng tại phổi và ở các cơ quan bị di căn.
Ung thư phổi di căn là gì?
Ung thư phổi di căn là giai đoạn các tế bào ung thư phổi đã bắt đầu lan rộng, xâm lấn hệ thống hạch bạch huyết và các cơ quan xa qua hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết. Chẩn đoán ung thư phổi di căn có thể được xác định ngay từ thời điểm thăm khám đầu tiên hoặc sau một thời gian bệnh tiến triển. (1)
Thuật ngữ “di căn” mô tả khả năng thoát khỏi vị trí ban đầu (khối u nguyên phát) và di chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể để tạo ra các khối u mới. Di căn có thể bao gồm di căn đến các hạch bạch huyết lân cận và di căn đến các cơ quan khác hay các hạch bạch huyết ở xa. Thông thường khái niệm ung thư di căn đến các hạch bạch huyết lân cận được gọi là ung thư tiến triển tại chỗ tại vùng.
Khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết ở xa được gọi đơn giản là ung thư di căn. Như vậy nói tới ung thư phổi di căn tương ứng với ung thư phổi giai đoạn 4 (đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ), hay giai đoạn lan rộng (với ung thư phổi tế bào nhỏ). Quá trình di căn ung thư phổi thường diễn ra từ từ qua thời gian; thường không có dấu hiệu ung thư điển hình cho đến khi khối u lớn nhanh về kích thước, ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: 4 giai đoạn ung thư phổi: Cách đánh giá và chẩn đoán chi tiết.
Ung thư phổi di căn như thế nào?
Quá trình di căn của bệnh ung thư phổi phức tạp và bao gồm nhiều bước: (2)
- Tách rời khỏi khối u nguyên phát: Tế bào ung thư từ khối u nguyên phát tách rời khỏi các tế bào xung quanh. Enzyme do tế bào ung thư tiết ra phá hủy lớp nền, tạo điều kiện cho tế bào di chuyển.
- Xâm nhập: Tế bào ung thư xâm nhập vào hệ thống bạch huyết hoặc mạch máu. Hệ thống bạch huyết giúp vận chuyển chất lỏng và tế bào miễn dịch khắp cơ thể. Hệ thống máu vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng và các tế bào đến mọi bộ phận của cơ thể. Khi các tế bào ung thư xâm nhập được vào các hệ thống này, chúng có thể đến được nhiều vị trí khác nhau.
- Di chuyển: Tế bào ung thư di chuyển qua hệ thống bạch huyết hoặc máu đến các cơ quan khác. Quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng hoặc chậm rãi, tùy thuộc vào loại ung thư.
- Bám dính: Các protein trên bề mặt tế bào ung thư tương tác với các protein trên thành mạch máu giúp các tế bào ung thư bám dính vào thành mạch máu hoặc bạch huyết ở các cơ quan khác.
- Xâm nhập vào mô: Tế bào ung thư di chuyển qua thành mạch máu hay mạch bạch huyết và xâm nhập vào cơ quan khác. Tế bào ung thư phá hủy mô khỏe mạnh và tạo ra các khối u mới.
- Yếu tố ảnh hưởng đến di căn: Một số loại ung thư có xu hướng di căn cao hơn các loại khác. Ngoài ra, một số yếu tố khác như ung thư giai đoạn trễ, khối u có kích thước lớn cũng như những bệnh nhân có sức khoẻ yếu có nguy cơ di căn cao hơn.
Triệu chứng ung thư phổi di căn
Các triệu chứng bệnh có thể không rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, ngay cả khi ung thư phổi ở giai đoạn di căn. (3)
Các triệu chứng ung thư phổi di căn có thể thay đổi tùy theo vị trí của khối u và mức độ lan rộng của bệnh.
Bệnh nhân có thể gặp phải các tình trạng sau:
- Mệt mỏi, suy nhược về thể chất và tinh thần;
- Sụt cân;
- Thay đổi cảm xúc, một số bệnh nhân cảm thấy ít hứng thú với những thứ trước đây từng rất yêu thích;
- Các triệu chứng đau rất dữ dội và khó chịu;
- Khó thở;
- Khàn giọng;
- Ho dai dẳng, ho ra máu;
- Chảy máu;
- Ngón tay dùi trống;
- Tràn dịch màng phổi, viêm phổi;
- Thay đổi vị giác, chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn, khiến bệnh nhân ăn không ngon miệng và nhanh no hơn.
Ung thư phổi di căn đến các vị trí khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau, cụ thể:
1. Ung thư phổi di căn não
Não là một trong những cơ quan hay bị di căn trong ung thư phổi. Khi những tế bào ung thư phát triển trong não, chúng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng của các khối tổn thương di căn.
Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của ung thư di căn não:
- Nhức đầu: là triệu chứng thường gặp nhất, có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội và ngày càng tăng nặng theo thời gian. Nhức đầu do ung thư di căn não thường không thuyên giảm với các loại thuốc giảm đau thông thường.
- Buồn nôn và nôn: có thể xảy ra bất chợt, không liên quan đến việc ăn uống.
- Thay đổi thị lực: mờ mắt, nhìn đôi hoặc mất thị lực một phần hoặc toàn bộ có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác hoặc các phần khác của não chịu trách nhiệm về thị lực.
- Yếu cơ hoặc tê liệt: khối u di căn có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển cơ bắp, dẫn đến yếu cơ hoặc tê liệt ở một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể.
- Thay đổi nhận thức: khó tập trung, suy giảm trí nhớ, lú lẫn hoặc thay đổi tính cách có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến các phần của não chịu trách nhiệm về chức năng nhận thức.
- Co giật: là một triệu chứng phổ biến của ung thư di căn não, đặc biệt là ở những người chưa từng có tiền sử co giật trước đây.
- Rối loạn ngôn ngữ: khó nói, khó hiểu hoặc mất khả năng nói có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến các phần của não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ.
- Thay đổi cảm giác: mất cảm giác hoặc cảm giác ngứa ran, tê bì ở một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác.
- Mất thăng bằng và phối hợp: khó đi lại, mất thăng bằng hoặc té ngã có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến các phần của não chịu trách nhiệm về sự phối hợp và thăng bằng.
- Thay đổi hành vi: thay đổi tâm trạng, tính cách hoặc hành vi đột ngột có thể xảy ra do khối u di căn ảnh hưởng đến các phần của não chịu trách nhiệm về cảm xúc và hành vi.
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư di căn não đều có tất cả các triệu chứng trên. Một số người có thể chỉ có một vài triệu chứng, trong khi những người khác có thể có nhiều triệu chứng.
2. Ung thư phổi di căn xương
Sau não, xương là hệ cơ quan ung thư phổi thường cho di căn. Những vị trí hay di căn là xương chậu, xương sườn và cột sống.
Đau nhức là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội và ngày càng tăng nặng theo thời gian. Đau thường trở nặng hơn khi bệnh nhân di chuyển.
Xương bị di căn có thể yếu đi và dễ gãy hơn, ngay cả với những sang chấn nhẹ.
Tăng canxi máu: Ung thư di căn xương có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn, táo bón, nhịp tim nhanh, rối loạn ý thức,…
Ung thư di căn cột sống có thể gây chèn ép tủy. Đây là tình trạng khối u di căn phát triển trong hoặc xung quanh cột sống, chèn ép vào tủy sống, từ đó có thể gây ra nhiều triệu chứng thần kinh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân như đau nhức nhiều; yếu cơ và tê bì ở các chi có thể khiến cho bệnh nhân khó đi lại hoặc mất khả năng đi lại; mất cảm giác khiến cho bệnh nhân không cảm nhận được nhiệt độ, đau đớn hoặc cảm giác xúc giác. Ngoài ra, khối u chèn ép tủy có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển chức năng ruột và bàng quang, dẫn đến táo bón, tiêu chảy, bí tiểu hoặc són tiểu.
3. Ung thư phổi di căn gan
Ung thư phổi di căn gan có thể gây đau do căng tức bao gan, vàng da vàng mắt do chèn ép gây tắc nghẽn đường mật. Ngoài ra, ung thư phổi di căn gan còn cản trở các chức năng bình thường của gan gây ra nhiều triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, xuất huyết, báng bụng…
4. Ung thư phổi di căn tuyến thượng thận
Ung thư phổi di căn tuyến thượng thận thường không gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên nếu khối u lớn có thể chèn ép gây đau bụng, chướng bụng, đau lưng.
Ngoài ra khối u di căn đến tuyến thượng thận có thể gây suy tuyến thượng thận biểu hiện bằng các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, sụt cân…
Cách chẩn đoán ung thư phổi di căn
- Nội soi phế quản: sử dụng ống soi mềm có gắn camera giúp bác sĩ quan sát bên trong lòng đường dẫn khí của phổi. Nếu gặp tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể lấy mẫu u/mẫu tế bào để xét nghiệm. (4)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): đánh giá kích thước, vị trí của khối u trong phổi, mức độ xâm lấn các cơ quan lân cận, cũng như để phát hiện sự lan rộng của bệnh đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác (phát hiện di căn).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): đánh giá có di căn não và/hoặc tủy sống hay không.
- Chụp PET-CT: đánh giá hoạt động của các tế bào ung thư trong cơ thể bằng cách sử dụng một chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thu nhiều chất phóng xạ hơn các tế bào bình thường và sáng hơn trên hình ảnh PET-CT.
- Sinh thiết kim nhỏ (FNA = Fine Needle Aspiration): chọc hút tế bào từ khối u hoặc hạch bạch huyết bằng kim nhỏ qua da dưới hướng dẫn siêu âm hoặc CT để tìm/xác định có tế bào ung thư hay không.
- Sinh thiết mẫu mô: chẩn đoán xác định sự hiện diện của tế bào ác tính (tế bào ung thư), sau đó đánh giá đặc điểm của tế bào ung thư. Mẫu mô có thể được lấy từ sinh thiết xuyên thành ngực, nội soi phế quản hoặc phẫu thuật.
- Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận, huyết học và các chất chỉ điểm ung thư như CEA, Cyfra 21-1.
Ung thư phổi di căn có chữa được không?
Ở giai đoạn di căn xa, ung thư phổi không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Điều trị ở giai đoạn này chủ yếu tập trung vào mục đích chăm sóc giảm nhẹ, nâng đỡ thể trạng, giúp kiểm soát sự phát triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cần chú trọng việc giúp đỡ bệnh nhân giảm thiểu các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ từ các điều trị gây ra bằng cách sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Ngoài ra chăm sóc giảm nhẹ còn giúp khuây khỏa nỗi đau tinh thần, giảm căng thẳng và buồn phiền, giải tỏa những vấn đề về tâm lý xã hội và tâm linh cho bệnh nhân, hỗ trợ cho người chăm sóc và thân nhân của bệnh nhân.
Cách tiếp cận điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn có sự khác biệt so với ung thư phổi tế bào nhỏ di căn.
Đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn: xét nghiệm các đột biến gen bất thường trên tế bào ung thư phổi (như EGFR, ALK, ROS1…) được ưu tiên thực hiện. Các xét nghiệm này có thể được làm trên mẫu sinh thiết u phổi, sinh thiết tổn thương di căn hoặc mẫu máu; mục đích là tìm ra các đột biến phù hợp cho việc lựa chọn các thuốc của liệu pháp nhắm trúng đích.
Các thuốc nhắm trúng đích có thể nhắm vào một số đột biến gen nhất định của ung thư phổi, giúp làm chậm sự phát triển của khối u. Những bệnh nhân mang đột biến nhạy với liệu pháp nhắm trúng đích thường có tiên lượng tốt hơn những bệnh nhân không mang những đột biến này, giúp cải thiện thời gian sống không bệnh tiến triển và thời gian sống toàn bộ. Các tác dụng phụ của thuốc nhắm trúng đích nhìn chung không nặng nề như các phương pháp khác. Các tác dụng phụ có thể gặp là: phát ban da, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi…
Ngoài ra, việc xác định mức độ biểu hiện protein PD-L1 trên các tế bào ung thư cũng cần được đặt ra. Protein này tương tác với thụ thể PD-1 trên tế bào miễn dịch, dẫn đến ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và giúp tế bào ung thư trốn tránh sự tấn công của hệ miễn dịch.
Chỉ số PD-L1 là tỷ lệ phần trăm tế bào ung thư biểu hiện protein PD-L1. Chỉ số này được sử dụng để đánh giá khả năng đáp ứng với liệu pháp miễn dịch ở bệnh nhân ung thư phổi di căn. Bệnh nhân ung thư phổi di căn có chỉ số PD-L1 cao có nhiều khả năng đáp ứng với liệu pháp miễn dịch hơn so với bệnh nhân có chỉ số PD-L1 thấp.
Các phương pháp điều trị khác là:
- Hóa trị: là phương thức điều trị ung thư bằng thuốc hóa chất. Hóa trị thường được tiến hành theo đợt, theo sau bằng một khoảng nghỉ, như vậy cơ thể có thời gian phục hồi chuẩn bị cho lần hóa trị kế tiếp. Hóa chất được truyền chậm qua tĩnh mạch, từ đó đi khắp cơ thể bệnh nhân. Hóa trị có thể được dùng kết hợp với các liệu pháp khác như xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch…
- Xạ trị: là phương pháp sử dụng tia X (tia xạ) để điều trị ung thư. Tia xạ làm tổn thương tế bào ung thư, khiến chúng ngừng sinh sản và chết đi. Xạ trị có thể được sử dụng theo nhiều cách khau: có thể xạ trị cho khối u tại phổi, cho u di căn đến các cơ quan khác (não, xương, tuỷ sống…).
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn di căn: Mục tiêu điều trị ung thư phổi giai đoạn lan rộng là kiểm soát các triệu chứng do ung thư gây ra và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Phương pháp chính được sử dụng là điều trị toàn thân bằng thuốc.
Điều trị ban đầu: Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hóa trị kết hợp liệu pháp miễn dịch trong 4 chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 21 ngày. Một số trường hợp có thể cần đến 6 chu kỳ. Sau đó, tùy thuộc vào hiệu quả điều trị, có thể tiếp tục với liệu pháp miễn dịch đơn trị.
Hóa trị kết hợp miễn dịch: Đây là phương pháp điều trị ưu tiên cho ung thư phổi giai đoạn lan rộng. Hóa trị phối hợp hai thuốc (có nhóm Platinum và Etoposide) sẽ được kết hợp với liệu pháp miễn dịch (cụ thể là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch giúp các tế bào T của hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư). Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch phổ biến trong ung thư phổi tế bào nhỏ là Atezolizumab, Durvalumab.
Điều trị duy trì: Sau khi kết thúc hóa trị kết hợp miễn dịch, nếu hiệu quả điều trị tốt, có thể tiếp tục dùng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Đây được gọi là điều trị duy trì. Mục tiêu của điều trị duy trì là kéo dài thời gian đáp ứng với điều trị, hạn chế việc tiến triển của bệnh ung thư.
Không phải tất cả các bệnh nhân đều phù hợp với liệu pháp miễn dịch. Bệnh nhân có sức khỏe quá yếu, mắc các bệnh lý tự miễn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, Lupus không nên sử dụng liệu pháp miễn dịch do nguy cơ làm suy giảm hệ miễn dịch. Trong trường hợp không sử dụng được liệu pháp miễn dịch, bác sĩ có thể chỉ định hoá trị đơn trị liệu.
Xạ trị
Xạ trị trong giai đoạn lan rộng thường nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư phổi gây ra: như giảm phù nề do khối u chèn ép tĩnh mạch chủ trên, giảm đau xương do ung thư di căn đến xương, giảm đau lưng do khối u chèn ép tủy sống, cải thiện khó thở do khối u chèn ép đường thở, giảm đau đầu do di căn não…
- Xạ trị não: Xạ trị toàn bộ não (Whole-Brain Radiation Therapy = WBRT) thường được sử dụng để điều trị ung thư di căn não. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được xạ trị liều cao tập trung vào vùng não bị di căn.
- Xạ trị não dự phòng: Trong một số trường hợp, xạ trị não có thể được tiến hành dự phòng ngay cả khi chưa có triệu chứng, nhằm ngăn ngừa di căn não trong tương lai.
Tiên lượng sống của bệnh ung thư phổi di căn
Theo số liệu từ chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng SEER 22 (2013-2019), tỷ lệ sống 5 năm đối với ung thư phổi (không phân biệt loại ung thư phổi) là 8,2%. (5)
Tỷ lệ sống của bệnh ung thư phổi di căn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tuổi tác: Yếu tố này ảnh hưởng đến cả quá trình bệnh tiến triển và tỷ lệ sống. Bệnh được chẩn đoán ở thời điểm trước 50 tuổi có khả năng sống cao hơn những trường hợp phát hiện bệnh ở tuổi trên 65. Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện ung thư phổi khi đã ngoài 70, vốn có sức khỏe tổng thể kém và đáp ứng với điều trị không thể được tốt như những bệnh nhân trẻ tuổi.
- Giới tính: Ung thư phổi giai đoạn IV ở nam giới có tỷ lệ sống sau 5 năm là 5,6%, trong khi ở nữ giới là 8,6%.
- Chỉ số đánh giá hoạt động cơ thể (Chỉ số thể trạng): Chỉ số này được xếp trên thang điểm tăng dần từ 0-4, mức 0 có nghĩa là hoạt động bình thường và mức 4 là nằm tại chỗ. Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV có chỉ số thể trạng từ 0-2 có khả năng sống lâu hơn những người có chỉ số từ 3-4.
- Hút thuốc lá: Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học về Phổi tại Brazil, những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV vẫn có thể tăng thời gian sống nếu bỏ thuốc lá trước khi điều trị.
- Vị trí và loại ung thư phổi: Ung thư phổi không tế bào nhỏ có 3 dạng (ung thư biểu mô tuyến, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào lớn). Trong đó, ung thư biểu mô tuyến là loại ung thư phổ biến nhất và có tiên lượng khả quan nhất.
- Bệnh đi kèm: Khoảng 75% bệnh nhân ung thư phổi tiến triển có một bệnh lý mạn tính đi kèm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quá trình điều trị.
- Đột biến gen: Một số loại đột biến gen (EGFR, ALK, ROS1…) có thể có các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích hiệu quả, giúp cải thiện tỷ lệ sống cao hơn so với những trường hợp không mang các đột biến này.
Có thể phòng ngừa ung thư phổi di căn không?
Hiện nay, không có cách nào đảm bảo chắc chắn có thể phòng ngừa ung thư phổi di căn. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ di căn, bao gồm:
1. Phát hiện và điều trị sớm bệnh lý ung thư
Chủ động khám sức khỏe và, tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi: tầm soát ngay từ khi chưa có dấu hiệu bất thường giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm; từ đó giúp tăng khả năng điều trị có hiệu quả, giảm nguy cơ di căn.
2. Điều trị ung thư hiệu quả
- Tuân thủ phác đồ điều trị giúp kiểm soát sự phát triển của bệnh ung thư và giảm nguy cơ di căn.
- Sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến giúp tăng khả năng điều trị thành công, giảm tác dụng phụ lên cơ thể.
3. Thay đổi lối sống
- Giảm stress: Stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, là yếu tố thuận lợi khiến các tế bào ung thư di căn.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ và hạn chế sử dụng rượu bia.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi.
Để đặt lịch thăm khám và tầm soát ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:
Đón nhận và chấp nhận căn bệnh ung thư phổi di căn không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn di căn vẫn có thể lựa chọn phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi phối hợp với điều trị giảm nhẹ nhằm nâng đỡ thể trạng, giảm triệu chứng và kiểm soát tốt tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị. Tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các chương trình chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng xuyên suốt và đồng bộ từ thời điểm bệnh nhân phát hiện mắc ung thư cho đến giai đoạn cuối của bệnh; giúp giữ cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ở mức tốt nhất có thể; đồng thời hỗ trợ đồng hành cùng bệnh nhân và gia đình ở mọi thời điểm của bệnh.