Chỉ số huyết áp là chỉ số cơ bản được dùng làm căn cứ để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người. Cũng bởi vậy, khi thăm khám nhiều bệnh lý hay khám sức khỏe tổng quát hay trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật,... người bệnh cần được đo huyết áp. Hay với các gia đình có người lớn tuổi, người bệnh tim mạch,... càng cần thiết đo huyết áp thường xuyên tại nhà.
Vậy bạn đã biết chỉ số huyết áp bao nhiêu là bình thường? Chỉ số bao nhiêu thể hiện huyết áp cao, huyết áp thấp? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn.
Huyết áp là gì? Huyết áp thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe:
- Huyết áp cao: Tăng huyết áp nghiêm trọng hoặc kéo dài gây tổn thương các cơ quan đích (chủ yếu là hệ tim mạch, não và thận), tăng nguy cơ mắc các bệnh:
- Bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Đột quỵ (đặc biệt là xuất huyết não)
- Suy thận
- Huyết áp thấp khiến áp lực trong các mạch máu không đủ mạnh để đưa máu giàu oxy đến khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt là các cơ quan ở xa tim như não và các cơ quan quan trọng khác.
- Dễ dẫn đến biểu hiện hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu,…
- Huyết áp thấp bệnh lý là căn nguyên gây ra những nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp bình thường theo từng độ tuổi
Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số huyết áp bao gồm có 2 trị số:
- Huyết áp tối đa hay còn gọi là huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Trong kết quả đo huyết áp đây là trị số đứng trước (chỉ số cao hơn).
- Huyết áp tối thiểu hay còn gọi là huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra. Trong kết quả đo huyết áp đây là trị số đứng sau (chỉ số thấp hơn).
Bạn đọc có thể căn cứ vào bảng trên để đọc kết quả đo huyết áp là bình thường hay không. Ví dụ như trường hợp bạn đo huyết áp và nhận được chỉ số là 110/60 mmHg, vậy huyết áp 110/60 là cao hay thấp? So sánh với bảng trên thì chỉ số huyết áp 110/60 được coi là huyết áp ở mức ổn định và bình thường, không cao cũng không thấp.
Tuy nhiên, để kết luận một người bị tăng huyết áp hay không cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày. Do vậy, phải đo huyết áp thường xuyên, theo dõi trong nhiều ngày và mỗi ngày nhiều lần. Ở một số người, huyết áp có thể tăng nhất thời khi quá xúc cảm, stress, hoặc sau khi uống rượu, bia, lao động nặng, sau tập luyện,... lúc đó giải pháp có thể sẽ đo huyết áp bằng máy 24h.
Chỉ số huyết áp bình thường theo từng độ tuổi
Huyết áp cũng thay đổi theo độ tuổi và chỉ số huyết áp bình thường ở mỗi độ tuổi cũng khác nhau. Nhìn chung huyết áp thường cao hơn ở những người cao tuổi.
Dưới đây là bảng chỉ số huyết áp theo từng độ tuổi để mọi người dễ dàng theo dõi chỉ số huyết áp của mình và người thân trong gia đình.
Độ tuổi Huyết áp bình thường (Đơn vị: mmHg) Nam Nữ 15 - 19 tuổi 120/70 111/67 20 - 29 tuổi 124/75 114/69 30 - 39 tuổi 126/79 118/73 40 - 49 tuổi 130/83 126/78 50 - 59 tuổi 137/85 134/81 60 - 69 tuổi 143/84 139/81 Trên 70 tuổi 145/82 146/79Cần làm gì để duy trì huyết áp ổn định?
Huyết áp không ổn định gây ra nhiều vấn đề về sức khỏi khác như nguy cơ mắc các bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,... Vì vậy, việc giữ chỉ số huyết áp bình thường là rất cần thiết. Theo đó, để huyết áp ổn định, bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bạn đang thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân nguy cơ tăng huyết áp. Vì vậy, thực hiện giảm cân và duy trì cân nặng đáp ứng theo từng thể trạng giúp cho việc duy trì và ổn định huyết áp được tốt hơn.
- Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn: Duy trì thói quen luyện tập đều đặn để có thể giữ chỉ số huyết áp ở mức tiêu chuẩn.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh:
- Rau xanh và trái cây: Những loại trái cây chứa nhiều vitamin E, C hoặc kali giúp phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả: cam, quýt, bưởi, táo, bơ, dâu, thanh long, chuối, dưa hấu, dứa.
- Ngũ cốc thô: Các loại ngũ cốc thô như gạo lứt, bắp, yến mạch, bánh mì đen,... có thể làm giảm nguy cơ cao huyết áp, có tác dụng hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và tăng cường khả năng tiết axit mật hỗ trợ tiêu hóa.
- Sử dụng chất béo không bão hòa từ dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành,...
- Hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol và a xít béo no. Người bệnh cần hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối ví dụ mì tôm, các loại đồ chiên rán,...
-
Hạn chế cà phê, thuốc lá,... Đối với nam giới nên uống không quá 2 đơn vị rượu hoặc nữ giới không nên quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày. Một đơn vị rượu tương đương 1 chén 30ml rượu mạnh.
- Không thức quá khuya, ngủ đủ giấc mỗi đêm
- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng
- Theo dõi huyết áp thường xuyên có thể giúp cho người bệnh nhanh chóng phát hiện ra tình trạng của bệnh. Nên có máy đo huyết áp để theo dõi huyết áp tại nhà với những người có bệnh lý về huyết áp.
Các bệnh lý về huyết áp ngày càng phổ biến. Tình trạng bệnh nếu không được kiểm soát tốt và điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ hữu ích cho bạn đọc để theo dõi huyết áp tại bệnh viện, khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên thực hiện tầm soát về bệnh huyết áp để có giải pháp phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm.