Chị M. sợ ung thư nốt ruồi trong mi mắt vì trong một tháng đã to bằng hạt đậu. Bác sĩ da liễu ghi nhận nốt ruồi lành tính nhưng phải xóa bằng công nghệ laser.
Một tháng trước, thợ trang điểm phát hiện bên trong mi mắt chị H.T.M. (30 tuổi, Khánh Hòa) mọc nốt ruồi. Lúc này, nốt ruồi chỉ nhỏ bằng đầu que tăm không ảnh hưởng đến thị lực nhưng khó chịu khi nhắm mở mắt. Chị mất ngủ kéo dài do bạn bè, người thân đều lo nốt ruồi hóa ung thư.
Chị đến phòng khám gần nhà, bác sĩ cho rằng nốt ruồi trong mi mắt hiện chưa ảnh hưởng đến cấu trúc mắt nhưng không xác định được đây là nốt ruồi lành tính hay ác tính. Chị M. mong muốn có thể xóa nốt ruồi nhưng bác sĩ khuyên chị đến các bệnh viện lớn có đủ máy móc. Bởi xóa nốt ruồi nằm ngay trong mi mắt nếu không khéo sẽ ảnh hưởng thị lực, thậm chí mù lòa. Cuối cùng, chị được bác sĩ tư vấn đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Qua thăm khám, tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết nốt ruồi của chị M. lành tính nhưng do tế bào hắc tố tăng sinh quá mức gây mất thẩm mỹ và đang to dần sẽ vướng tầm nhìn về sau.
Theo bác sĩ Bích, hiện có nhiều phương pháp xóa nốt ruồi được các cơ sở y tế sử dụng như: đốt điện, tiểu phẫu, bắn laser… Thế nhưng, phương pháp laser được ưa chuộng hơn vì giúp xóa nốt ruồi nhanh, không gây chảy máu, ít đau, quá trình hồi phục nhanh, ít để lại sẹo. Phương pháp này cũng phải được thực hiện ở cơ sở y tế lớn để được trang bị kính áp tròng sắt để bảo vệ mắt khi bắn laser. Nếu xóa nốt ruồi gần mắt bằng laser mà không có kính áp tròng sắt sẽ làm tổn thương mắt, thậm chí mù lòa.
Vì nốt ruồi phát triển lớn, ảnh hưởng đến tầm nhìn của chị M. nên bác sĩ Bích chỉ định cho chị xóa nốt ruồi trong mi mắt bằng máy laser fractional CO2 Scanxel . Người bệnh được nhỏ nước mắt nhân tạo và đeo kính áp tròng bằng sắt để bảo vệ mắt dưới tác động của tia laser.
Bác sĩ Bích sử dụng đầu tia laser CO2 và điều chỉnh năng lượng để bốc bay nốt ruồi. Chưa tới 10 phút, bác sĩ Bích đốt xong nốt ruồi, trả lại bề mặt phẳng cho da. Người bệnh được vệ sinh bằng nước muối và sát khuẩn.
Chị M. nhìn vào gương không còn thấy nốt ruồi dưới mi mắt nữa.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết có nhiều nguyên nhân hình thành nốt ruồi, có thể do cơ địa, thay đổi nội tiết tố và thường gặp nhất do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều.
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, các tế bào hắc tố ở lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng) sẽ tiết ra melanin nhằm bảo vệ da tránh bị tổn thương dưới ánh nắng mặt trời. Thế nhưng, các tế bào hắc tố phát triển và phân bố thành cụm thay vì lan rộng trên da, dẫn đến sự hình thành nốt ruồi.
Tùy vào kích thước, màu sắc mà nốt ruồi được chia thành nhiều loại như: nốt ruồi thường, nốt ruồi bẩm sinh, nốt ruồi loạn sản, nốt ruồi halo nevus, nốt ruồi son, nốt ruồi becker’s nevus… Một người có thể mọc nhiều loại nốt ruồi với số lượng khác nhau.
Những nốt ruồi mọc ở vùng đầu mặt cổ có nguy cơ bị ung thư cao hơn những nốt ruồi vùng khác. Nốt ruồi ác tính thường có các dấu hiệu của sau: hình dạng không đối xứng, có đường viền không đều, màu sắc thay đổi, có nhiều màu hoặc không đều màu, đường kính từ 6mm trở lên, bề mặt sần sùi, chảy dịch và loét…
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo người dân không nên tự ý xóa nốt ruồi, đặc biệt nốt ruồi gần mắt. Việc xóa nốt ruồi sai cách có thể gây ra biến chứng như: nhiễm trùng, hoại tử, để lại sẹo (sẹo lồi hoặc sẹo co kéo), kích hoạt phát triển ung thư… biến chứng gần mắt gây giảm thị lực hay mù lòa.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/not-ruoi-o-mi-mat-duoi-a37092.html