Cấu trúc vú của phụ nữ rất phức tạp, được tạo thành từ núm vú và quầng vú ở bên ngoài. Bên trong có ống dẫn sữa, thùy, tiểu thùy, hạch bạch huyết và mạch máu. Vậy quầng vú là gì? Giải phẫu, cấu tạo và chức năng như thế nào? Chăm sóc quầng nhũ hoa ra sao? Bài viết sau của Bác sĩ CKI Đỗ Anh Tuấn, Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp chi tiết bộ phận này, mời bạn đọc theo dõi.
Quầng vú là bộ phận bao quanh núm vú, một vùng da sẫm màu hơn phần còn lại của vú. Đường kính trung bình của quầng vú là 3-3.5 cm, có thể nhỏ hoặc lớn hơn, hình tròn hoặc hình bầu dục. [1]
Khi mang thai, quầng ti phụ nữ thường phát triển về mặt kích thước và tiếp tục lớn hơn (sẫm màu hơn) sau mang thai. Bộ phận này cũng thay đổi kích thước khi già đi, tăng cân hoặc thay đổi nội tiết tố (dậy thì hoặc mãn kinh). Trên quầng vú có những nang lông hoặc tuyến montgomery (tuyến bã nhờn).
Quầng vú của phụ nữ là vùng sắc tố bao quanh núm vú, có cấu trúc giải phẫu phức tạp, thực hiện nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt là tiết sữa và kích thích tình dục. Đặc điểm giải phẫu quầng vú phụ nữ cụ thể như sau:
Tuyến montgomery là những tuyến bã nhờn nằm trong quầng vú, tiết chất nhờn giúp bôi trơn và bảo vệ núm vú trong thời gian cho con bú. Các tuyến montgomery có thể trở nên nổi bật hơn khi mang thai và cho con bú.
Quầng vú chứa các sợi cơ trơn được bố trí theo hướng tỏa tròn và theo chu vi xung quanh núm vú. Loại sợi này chịu trách nhiệm cho sự cương cứng của núm vú, xảy ra khi phản ứng với cảm giác lạnh hoặc kích thích tình dục.
Quầng vú có nhiều mạch máu nên có màu sắc đặc biệt. Việc cung cấp máu giúp duy trì các mô và hỗ trợ hoạt động trao đổi chất khi cho con bú.
Quầng vú và núm vú rất nhạy cảm khi chạm vào, nhiệt độ và các kích thích khác. Sự nhạy cảm này đóng một vai trò trong việc kích thích tình dục và phản xạ trong quá trình cho con bú.
Quầng vú thường sẫm màu hơn các mô vú xung quanh, thường có màu từ hồng nhạt đến nâu sẫm, tùy vào màu da của từng người. Sắc tố có thể thay đổi trong thời kỳ mang thai và cho con bú do ảnh hưởng của nội tiết tố.
Bên dưới da, quầng vú chứa mô liên kết định hình cấu trúc cũng như kết nối với mô vú bên dưới và các ống dẫn của tuyến vú.
Quầng vú nằm ở trung tâm vú, bao quanh núm vú. Núm vú là phần nhô ra ở giữa quầng vú, nơi ống dẫn sữa mở ra để cho con bú. Vú và quầng vú nằm trên thành ngực trước, kéo dài từ xương sườn thứ 2 đến xương sườn thứ 6 theo chiều dọc và từ mép xương ức đến đường nách giữa theo chiều ngang.
Chức năng của quầng vú bao gồm:
Quầng vú chứa tuyến montgomery tiết chất bôi trơn, hỗ trợ và bảo vệ núm vú trong quá trình cho con bú. Sắc tố sẫm màu của quầng vú mang lại tầm nhìn rõ ràng cho trẻ sơ sinh trong thời gian bú mẹ.
Quầng vú có nhiều đầu dây thần kinh nên rất nhạy cảm khi chạm vào, thay đổi nhiệt độ và kích thích tình dục.
Cấu tạo quầng vú gồm các bộ phận như: mô tuyến, mô liên kết, các đầu dây thần kinh, mạch máu, sợi cơ trơn…
Cách thức hoạt động của quầng vú:
Nút ngậm cho trẻ sơ sinh: sắc tố sẫm màu của quầng vú giúp bé định vị núm vú. Sau khi trẻ ngậm vú, việc bú sẽ kích thích các đầu dây thần kinh ở quầng vú, gửi tín hiệu đến não để giải phóng oxytocin. Chất này làm các sợi cơ trơn xung quanh ống dẫn sữa co lại, đẩy sữa về phía núm vú. Bên cạnh đó, chất nhờn tiết ra từ tuyến montgomery bảo vệ da trong quá trình này.
Cương cứng núm vú: kích thích cảm giác làm các sợi cơ trơn ở quầng vú co lại, làm núm vú cương cứng. Cơ chế này giúp nâng cao khoái cảm tình dục, là phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự kích thích.
Hình dạng và màu sắc của quầng vú phụ nữ, cụ thể như sau:
Hình dạng của quầng vú có thể khác nhau ở mỗi người và không có hình dạng “chuẩn”. Quầng vú tạo hình tròn, đối xứng quanh núm vú là dạng phổ biến nhất. Bên cạnh đó, một số trường hợp có quầng nhũ hoa hình bầu dục, thon dài và không tròn hoàn hảo. Tình trạng này phổ biến ở người có bộ ngực lớn. [2]
Quầng vú thường có màu từ hồng nhạt đến nâu sẫm và có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: di truyền, thay đổi nội tiết tố và một số tình trạng y tế nhất định.
Những người có tông màu da sáng hơn thường có quầng vú màu hồng hoặc nâu nhạt, trong khi những người có tông màu da sẫm hơn thường có quầng vú màu nâu hoặc đen đậm hơn. Ở tuổi dậy thì, quầng ti phụ nữ thường trở nên sẫm màu hơn do những biến đổi tổng thể trong quá trình phát triển vú. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến quầng vú bị sẫm màu.
Sự thay đổi màu sắc giúp trẻ sơ sinh xác định được vị trí núm vú để bú. Các vết sẫm màu có thể tồn tại trong thời gian cho con bú và có thể nhạt đi phần nào sau khi cai sữa nhưng vẫn đậm hơn so với trước khi mang thai. Một số phụ nữ còn nhận thấy những thay đổi nhỏ về màu sắc quầng vú liên quan đến sự dao động nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, khi phụ nữ lớn tuổi, quầng vú có thể thay đổi màu sắc. Sắc tố có thể sáng lên hoặc sẫm màu hơn do sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thời kỳ mãn kinh và quá trình lão hóa nói chung.
Quầng vú đóng vai trò quan trọng trong việc cho con bú và chức năng tình dục. Một số rủi ro chính ảnh hưởng đến chức năng của quầng vú:
Sự mất cân bằng nội tiết tố thay đổi độ nhạy và chức năng của quầng vú. Các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc rối loạn tuyến giáp có thể dẫn đến những thay đổi ở mô vú, bao gồm cả quầng vú. Bên cạnh đó, những biến đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai và mãn kinh có thể ảnh hưởng đến sắc tố và độ đàn hồi của quầng vú, ảnh hưởng đến chức năng của quầng ngực phụ nữ trong thời gian cho con bú.
Điều này có thể gây tổn thương quầng vú và núm vú, dẫn đến đau, nứt, chảy máu, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cho con bú mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các thủ thuật thẩm mỹ nhằm thay đổi kích thước hoặc hình dạng của quầng vú có thể gây nhiễm trùng, thay đổi cảm giác và để lại sẹo. Điều quan trọng là chọn các khoa Ngoại Vú uy tín để giảm thiểu rủi ro.
Ngực và tắc ống dẫn sữa: vú căng và ống dẫn sữa bị tắc có thể gây khó chịu và đau ở quầng vú, ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Bệnh Paget là loại ung thư vú hiếm gặp ở vú, ảnh hưởng đến núm vú và quầng vú. Các triệu chứng bao gồm: mẩn đỏ, bong tróc và đôi khi có dịch tiết hoặc chảy máu từ núm vú. Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng.
Việc lựa chọn các phương pháp dựa trên tình trạng của mỗi người bệnh. Các phương pháp chẩn đoán bệnh ở quầng vú phụ nữ bao gồm:
Chăm sóc quầng vú bằng cách:
Duy trì cân nặng khỏe mạnh là mục tiêu quan trọng với mọi người. Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến quầng vú, đặc biệt là sau mãn kinh.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, kiểm soát cân nặng, tăng cường tâm trạng và năng lượng. Bên cạnh đó, việc rèn luyện thể chất giảm nguy cơ mắc bệnh ở quầng vú. Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút/ngày để thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào.
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến quầng vú. Cố gắng ăn nhiều trái cây, rau quả và hạn chế uống rượu. Ngay cả mức độ uống rượu thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Và với những rủi ro khác của rượu, không uống rượu là lựa chọn lành mạnh nhất.
Hút thuốc gây ít nhất 15 loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú. Nếu đang hút thuốc, cố gắng bỏ càng sớm càng tốt và không bao giờ là quá muộn.
Nuôi con bằng sữa mẹ từ một năm trở lên giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề ở nhũ hoa và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ.
Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư ruột kết và ung thư tử cung; tránh mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, dùng thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Bên cạnh đó, phụ nữ hút thuốc có nguy cơ đột quỵ và đau tim khi dùng những loại thuốc này.
Tránh dùng liệu pháp hormone trong thời kỳ mãn kinh trong thời gian dài để ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Hormone estrogen và progestin đều làm tăng nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ nên sử dụng liệu pháp hormone mãn kinh trong thời gian ngắn nhất có thể. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của liệu pháp hormone mãn kinh để đưa ra quyết định phù hợp.
Sử dụng thuốc theo toa tamoxifen và raloxifene giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao. 2 loại thuốc này được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận trong phòng ngừa ung thư vú. Tuy nhiên, tamoxifen hoặc raloxifene có tác dụng phụ nên không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bản thân thuộc nhóm nguy cơ cao, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng tamoxifen hoặc raloxifene hợp lý. [3]
Tầm soát vú thường xuyên để phát hiện sớm các biến đổi bất thường ở nhũ hoa, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh. Phụ nữ nên chụp nhũ ảnh hàng năm bắt đầu từ tuổi 40. Phụ nữ có nguy cơ cao nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sớm hơn.
Ưu tiên miếng dán nhũ hoa hoặc áo ngực có tính nâng đỡ hợp lý để tránh làm xệ hoặc tổn thương vú. Quầng vú cần được vệ sinh ít nhất 1 lần/ngày. Trong quá trình vệ sinh, bạn nên dùng vải mềm và nước ấm vừa phải để lau. Sau khi rửa bằng xà phòng, rửa thật sạch bằng nước để tránh cho chất tẩy làm nhũ hoa bị nứt nẻ, gây khó chịu.
Khám, điều trị các bệnh liên quan đến quầng vú và bệnh lý ở vú khác tại khoa Ngoại Vú BVĐK Tâm Anh, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, làm việc phối hợp đa chuyên khoa như Ngoại Vú Chẩn đoán hình ảnh - Giải phẫu bệnh - Nội khoa Ung thư.
Quầng vú là vùng da hình tròn hoặc bầu dục có màu sẫm bao quanh núm vú. Nếu phát hiện các thay đổi ở quầng vú như: lúm đồng tiền, vết nhăn hoặc phát ban, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/xem-vu-to-a43876.html