Mâm cúng tiết kiệm, đơn giản ngày Tết

Cúng kính dịp Tết là câu chuyện ở mọi miền đất nước. Sau ngày 30 Tết với mâm cơm rước ông bà về, người dân Việt Nam có tục cúng cơm bữa để mời ông bà tổ tiên cùng ăn Tết.

"Nguyên" có nghĩa là khởi đầu, "đán" là buổi sáng sớm. Nguyên đán được hiểu là buổi sáng khởi đầu một năm mới. Vì vậy, sáng mùng 1, người ta thường làm một mâm cơm trang trọng, mời ông bà dùng cơm và cầu mong những lời tốt đẹp.

Những mâm cúng ngày Tết đa phần được chế biến cầu kỳ. Ảnh: Thuỳ Trang

Vật phẩm cúng Mùng 1 Tết gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Tuỳ vào từng gia đình có thể làm cỗ mặn hoặc chay nhưng món ăn ngày Tết phải được chế biến thơm ngon, bày biện trang nghiêm. Tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, mâm cỗ truyền thống thường có “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa).

Tùy từng vùng miền mà mâm cỗ có sự linh hoạt thay đổi trong các món nhưng chắc chắn, đây đều là những món ăn truyền thống được chế biến rất kỳ công.

Vậy nhưng không thể ngày nào cũng xoay quanh những món ăn như thịt gà nguyên con mang đi luộc, chả giò, nem rán… “Nếu ăn 4 ngày Tết chưa kể những ngày được mời tất niên, tân niên thì không ai có thể ăn nổi. Nhiều năm gia đình tôi chỉ thèm một bữa cơm canh rau vì thức ăn quá nhiều dầu mỡ, chất đạm” - anh Hoài Lân, người dân Đà Nẵng trú quận Cẩm Lệ chia sẻ.

Những bữa cơm cúng được đơn giản dần nhưng vẫn đủ đầy các món và sự thành tâm của con cháu. Ảnh: Thuỳ Trang

Chưa kể, nhiều gia đình có tục cúng cơm ngày 3 bữa khiến không ít cô con dâu vừa về nhà chồng bị sốc. Chị Nguyễn Thị Lành, trú huyện Hoà Vang là một ví dụ. “Năm đầu làm dâu, từ 30 Tết đến Mùng 4, tôi chỉ ở trong bếp. Bữa sáng chưa ăn xong đã phải lo chuẩn bị bữa cúng trưa rồi tối vì toàn những món cầu kì như gói ram (nem), khổ qua nhồi thịt, gà luộc, canh xương nấu củ… Để làm những món này rất mất thời gian và mỗi mâm cúng như vậy tốn ít nhất 1 triệu đồng. Ngày cúng 3 bữa là 3 triệu đồng”.

Chính vì vậy, những năm gần đây, hai vợ chồng anh Lân đã bàn với ba mẹ thực đơn của từng ngày cúng cơm dịp Tết.

“Nếu các cụ yêu cầu đủ các món xào, chiên, canh, luộc… thì mình sẽ đảm bảo nhưng phải thay đổi món và không phải hôm nào cũng làm thịt 1 con gà hay luộc nửa kí thịt heo. Ban đầu, ông bà cũng không đồng ý vì cho rằng đó là tục nhưng tôi nghĩ cúng kính dù là gì cũng từ tâm mình. Hơn nữa, trước cúng sau là con cháu hưởng lộc mà phải miễn cưỡng ăn thì không còn trọn vẹn được” - anh Lân phân tích.

Thuyết phục được ba mẹ, anh Lân cùng vợ chuẩn bị mâm cúng chay vào ngày Mùng 1 Tết. Các ngày còn lại, hôm thì nhà anh nấu canh cá, hôm nấu canh miếng dong với lòng gà cùng các món rau xào. Bánh chưng cũng không phải ngày nào cũng bóc 2 cái rồi bỏ tủ lạnh vì ăn không kịp.

Tương tự, sau 2 năm phải ở trong bếp cả Tết, chị Lành đã góp ý với chồng và thuyết phục ba mẹ chồng nên thay đổi bữa cơm cúng tiết kiệm hơn.

“Không chỉ giúp thực đơn ngày Tết của gia đình thanh đạm, bảo vệ sức khoẻ mà việc đơn giản hoá các mâm cúng còn tiết kiệm cho gia đình cả về thời gian và kinh tế. Vì ngày Tết thực phẩm nào cũng đắt” - chị Lành chia sẻ.

Theo thời gian, những mâm cỗ ngày Tết có phần thay đổi và biến tấu hơn để phù hợp với điều kiện từng nhà nhưng chung quy lại điều cần nhất là sự trang trọng và thành tâm của mỗi người để thể hiện được lòng thành kính.

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/cung-com-ngay-tet-a45206.html