Ở cả 2 miền Nam và Bắc đều có món bò bía nhưng lại phân thành 2 loại mặn và ngọt. Mỗi loại đều khác nhau về hương vị và nguyên liệu khi chế biến. Dưới đây là thông tin về món ăn này và cách chế biến ngon chuẩn vị bạn có thể tham khảo.
Bò bía (Poh Pia) là từ mượn của tiếng Hoa chỉ tên gọi của món ăn chứ không phải vì cuốn bánh có chứa thịt bò bên trong.
Đây là món ăn bắt nguồn từ Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến thuộc Trung Quốc, món này cũng rất phổ biến ở những nơi người Hoa sinh sống như Singapore hay Malaysia… Bò bía được sử dụng chính trong lễ thanh minh của người dân nơi đây.
Tại Việt Nam, món Poh Pia mặn được các di dân Triều Châu du nhập vào làm phong phú thêm ẩm thực nước nhà. So với món gốc thì nguyên liệu cũng có một vài thay đổi để phù hợp với cách ăn của người Việt.
Mặc dù cùng một tên gọi, cùng kiểu ăn vỉa hè dân dã nhưng có 2 loại bánh khác nhau.
- Bò bía mặn: Là món ăn phổ biến ở trong miền Nam nhưng ở miền Bắc lại không thực sự được ưa thích. Sự kết hợp các nguyên liệu được thái lát mỏng bao gồm trứng gà rán, lạp xưởng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn hay su hào, rau thơm, tôm khô… sau đó cuộn lại với bánh tráng cuốn sau đó chấm với nước tương ớt trộn với lạc rang đã được giã nhỏ.
- Bò bía ngọt: Món ăn vặt vỉa hè rất phổ biến ở miền Bắc nhưng ngược lại so với miền Nam. Được làm từ các nguyên liệu đơn giản hơn, vị ngọt sắc và giòn tan của thanh kẹo mạch nha cuộn với dừa nạo, mè rang và lớp bánh cuốn khô mềm được làm từ bột gạo và bột mì.
Gỏi cuốn thường có nhân tôm, thịt, thêm bún tươi, xà lách, lá hẹ, húng thơm, cuốn bánh tráng rồi chấm với tương ngọt. Trong khi một cuốn bò bía mặn thường có lạp xưởng, trứng tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn, tôm khô, rau thơm...
- 2 cây lạp xưởng
- 1 củ cải trắng (300g)
- 1 củ cà rốt (200g)
- 60g tôm nõn khô
- Tương hột
- 2 củ hành tím
- 2 củ tỏi
- 3 quả trứng
- 50g bơ đậu phộng
- Xà lách, húng quế
- 1 gói bánh tráng cuốn
- Hành phi
- Dầu ăn
- Gia vị: Muối, hạt tiêu, hạt nêm, đường
Chọn nguyên liệu ngon
- Lạp xưởng: Nên chọn lạp xưởng có màu hồng đỏ, vỏ ngoài khô và không bám dính. Vỏ và nhân thịt bên trong gắn chặt nhau, khi bóp thử lạp xưởng tươi rất mềm mịn và có khả năng đàn hồi. Khi cắt ra nếu lạp xưởng ngon sẽ có mùi thơm của thịt, và tiêu xanh.
- Tôm nõn: Tôm nõn khô ngon có màu đỏ tươi tự nhiên do được phơi hoặc sấy khô đều nhiệt và không có đốm đen. Tôm khô chắc thịt, mùi thơm tự nhiên chứ không mềm hay nhão và mùi hôi thì không nên mua. Loại tôm khô có màu đỏ nhạt, hay đỏ sẫm là tôm đã để lâu ngày hoặc đã được luộc/hấp chín mới bóc vỏ đem phơi, thậm chí loại này có thể được tẩm bằng phẩm màu.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cà rốt và củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch rồi thái thành các miếng vuông sợi dài.
- Tôm khô ngâm nước ấm trong 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Rau xà lách rửa nhẹ dưới vòi nước chảy cho sạch, rau húng bạn rửa sạch với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo.
- Hành tím và tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
Bước 2: Chiên trứng
Trứng bạn đập cho vào bát, thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 chút hạt tiêu xay sau đó đánh cho tan trứng.
Cho dầu ăn vào chảo, đun nóng thì cho trứng vào rán chín vàng rồi cuộn lại, gắp trứng ra đĩa. Để trứng nguội thì thái thành các sợi nhỏ.
Bước 3: Xào tôm khô và cà rốt, củ cải
Phi thơm 1/2 tỏi và hành tím băm sau đó cho tôm khô vào đảo đều trong 1 phút. Tiếp theo, bạn cho cà rốt, củ cải thái nhỏ vào xào chung với tôm khô, nêm thêm ½ muỗng cà phê hạt nêm, ⅓ muỗng cà phê bột ngọt, ⅓ muỗng cà phê đường rồi xào. Xào trong 2 phút là chín tới, xào chín quá thì cà rốt và củ cải trắng sẽ mất độ giòn. Múc hỗn hợp đã xào ra đĩa.
Bước 4: Chiên lạp xưởng
Cho 100ml nước vào chảo sau đó đun sôi lên thì bạn cho lạp xưởng vào, dùng đũa đảo đều và đun đến khi cạn, lạp xưởng sém vàng lớp vỏ ngoài là đã chín.
Chờ lạp xưởng nguội thì bạn thái thành các miếng mỏng theo chiều dọc lạp xưởng.
Mẹo nhỏ: Bạn không cần cho dầu vào chiên vì lạp xưởng sẽ tự tiết ra mỡ khi chiên, như vậy sẽ ngon hơn và không sợ ngấy.
Bước 5: Làm nước chấm
Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào nồi nhỏ, đun nóng dầu thì bạn cho số hành tím băm còn lại vào phi vàng.
Tiếp đó, bạn cho 5 muỗng canh tương hột, 1 muỗng canh bơ đậu phộng, 1 muỗng canh tương ớt, 3 muỗng canh đường, 3 muỗng canh nước lọc rồi khuấy đều cho đường tan hết, hỗn hợp được hòa quyện.
Đun sôi lại hỗn hợp, nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 6: Gói bò bía
Bánh tráng bạn trải ra bề mặt phẳng sau đó quét một ít nước lên bánh tráng cho bánh tráng mềm dai dễ cuộn.
Tiếp theo, bạn xếp lần lượt xếp xà lách, một ít rau thơm, cà rốt và củ cải trắng, trứng, tôm khô lên bánh, cuộn lại. Khi cuộn được nửa vòng thì xếp lạp xưởng vào, cuộn tiếp đến hết bánh tráng. Làm tương tự với các nguyên liệu còn lại.
Hoàn thành và thưởng thức
Sau khi cuộn xong, bạn chấm ăn kèm bò bía với nước chấm tương hột đã làm. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát của rau sống, bùi bùi của tôm khô và béo béo của lạp xưởng, vị giòn giòn của cà rốt và củ cải. Rất ngon mà không ngấy.
- Bánh tráng bạn chỉ nên quết một ít nước để cho bánh tráng mềm nhưng vẫn giữ được độ dai, không quét nhiều nước quá, bánh tráng sẽ nát, không gói được.
- Quết nước vào mặt nhám của bánh tráng, mặt quết nước quay lên trên để gói.
- Khi cuốn bạn cần cuốn chặt tay, cuốn lỏng tay thì các nhân bên trong dễ bị rơi ra ngoài khi ăn.
- Khi cuốn bạn cho các nguyên liệu mỗi thứ một ít, không cho nhiều quá dẫn đến khó cuộn, bò bía bị to, khó ăn. Cuộn thành các thanh bò bía thuôn gọn, độ dài vừa phải cho dễ ăn.
- 100g bột gạo tẻ
- 100g bột mì
- 50g đường trắng
- 100g kẹo thanh mạch nha
- 2 quả trứng gà
- 150g cùi dừa
- 50g mè đen
Bước 1: Rang mè đen và nạo dừa
Cho mè đen vào chảo, rang cho chín, thơm thì đổ ra đĩa cho nguội.
Cùi dừa bạn nạo sợi nhỏ.
Bước 2: Trộn bột làm vỏ bánh
Đập 2 quả trứng vào tô sau đó thêm 1 muỗng cà phê đường, đánh cho tan hết đường và trứng thì bạn cho bột mì, bột gạo vào trộn cùng, thêm từng ít nước vào một sau đó dùng phới lồng đánh đều để bột không bị vón cục.
Đánh đến khi thành hỗn hợp bột sền sệt như sữa chua là được.
Bước 3: Tráng bánh
Đặt chảo chống dính lên bếp, đun cho nóng chảo thì hạ lửa vừa, sau đó múc 2 thìa canh lớn bột bánh cho vào láng đều mặt chảo.
Sau khoảng 1 - 2 phút, mặt bánh se khô lại thì bạn lật mặt sau của bánh lên, tiếp tục đun thêm 1 - 2 phút nữa là bánh chín. Làm lần lượt cho hết bột.
Nhẹ nhàng lấy bánh ra đĩa, để nguyên thành hình tròn, không gập bánh.
Bước 4: Gói bò bía
Đặt bánh tráng lên mặt phẳng sau đó để lên chính giữa mặt bánh 1 thanh kẹo mạch nha, thêm một chút dừa nạo và cuối cùng là rắc mè đen lên trên.
Dùng tay cuộn tròn chiếc bánh lại là hoàn thành. Khi cuộn không cần cuộn quá chặt tay, nhẹ nhàng cuộn để kẹo mạch nha không bị gãy vụn.
Hoàn thành và thưởng thức
Như vậy là đã xong, bạn đã có thể tự tay làm cho mình những chiếc bánh bò bía ngọt thơm ngọt, bùi bùi và độ ngon không kém gì so với mua ngoài hàng.
Chúc các bạn thành công!
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/cach-lam-bo-bia-a47398.html