Internet vạn vật (IoT) là gì?

Định nghĩa internet vạn vật (IoT)

Internet vạn vật (IoT) là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau.

Internet vạn vật lan tỏa lợi ích của mạng internet tới mọi đồ vật được kết nối, chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một chiếc máy tính. Khi một đồ vật được kết nối với internet, nó sẽ trở nên thông minh hơn nhờ khả năng gửi và/hoặc nhận thông tin và tự động hoạt động dựa trên các thông tin đó.

Các thiết bị IoT có thể là đồ vật được gắn thêm cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh (giống như các giác quan), các máy tính/bộ điều khiển tiếp nhận dữ liệu và ra lệnh cho các thiết bị khác, hoặc cũng có thể là các đồ vật được tích hợp cả hai tính năng trên.

Tiềm năng ứng dụng của internet vạn vật (IoT) trải rộng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, mọi hệ thống IoT hoàn chỉnh đều có đủ 4 bước: thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu, và đưa ra quyết định.

hinh anh Internet van vat IoT la gi so 1

Lợi ích của internet vạn vật (IoT)

Các ứng dụng công nghệ đến từ Internet vạn vật (IoT) hứa hẹn mang đến những giá trị to lớn cho con người. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của những hệ thống nhà thông minh hay các thiết bị gia dụng thông minh có điều khiển bằng giọng nói. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu McKinsey, số lượng nhà thông minh tại Mỹ đã tăng từ 17 triệu năm 2015 lên 29 triệu năm 2017, còn người tiêu dùng tại các nước Tây Âu dành khoảng 12 tỷ euro để mua các thiết bị thông minh vào năm 2020.

Tuy nhiên, McKinsey cũng đưa ra nhận định nhà thông minh mới chỉ là khởi đầu của một thế giới internet vạn vật. Ứng dụng quan trọng nhất của IoT là số hóa quá trình sản xuất trong các ngành kinh tế. Hãy lấy một ví dụ để hình dung được điều này.

hinh anh Internet van vat IoT la gi so 2

Trên trang trại, cảm biến tự động đo độ ẩm của đất có thể cho người nông dân biết chính xác khi nào cây trồng cần được tưới nước. Thay vì tưới quá nhiều hoặc quá ít nước, người nông dân có thể đảm bảo rằng cây trồng nhận được chính xác lượng nước thích hợp. Điều này giúp tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí sản xuất.

Nhưng sức mạnh thực sự của internet vạn nằm ở chỗ nó giúp cho máy móc thu, nhận thông tin và tự hoạt động mà không cần con người. Các cảm biến có thể thu thập thông tin về độ ẩm của đất để cho người nông dân biết lượng nước tưới cho cây trồng, nhưng liệu người nông dân có thực sự cần thiết? Thay vào đó, hệ thống tưới có thể tự hoạt động khi độ ẩm trong đất xuống thấp.

Tiến thêm một bước nữa, nếu nhận được thông tin về thời tiết trực tiếp từ mạng internet, hệ thống tưới tiêu cũng có thể biết khi nào trời sắp mưa và quyết định không tưới cây nữa.

Và không dừng lại ở đó! Tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập qua cảm biến và gửi đến các siêu máy tính để các thuật toán phân tích.

Và đó chỉ là một loại cảm biến. Nếu lắp đặt thêm các cảm biến khác như chất lượng không khí và nhiệt độ, thì các thuật toán máy tính có thể học được nhiều hơn nữa. Khi hàng nghìn trang trại cùng thu thập những thông tin này, các thuật toán này có thể hiểu rõ về điều kiện tự nhiên ở nơi trồng trọt, từ đó đưa ra cách chăm sóc cây trồng tối ưu.

Internet vạn vật (IoT) cũng có thể được ứng dụng trong các nhà máy, nơi các cảm biến được gắn vào máy móc để theo dõi hoạt động của chúng, đưa ra cảnh báo về sự cố hỏng hóc có thể xảy ra, theo dõi lượng năng lượng tiêu thụ và đưa ra chế độ hoạt động tiết kiệm nhất.

Hiện nay, thiết lập hệ thống IoT đang là xu hướng các doanh nghiệp theo đuổi để tăng hiệu quả hoạt động và tăng khả năng chống chịu trước các rủi ro. Hãy tưởng tượng, trong đại dịch Covid-19, khi mà cư dân ở nhiều nơi không thể ra khỏi nhà vì nguy cơ lây nhiễm, cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn như thế nào nếu các nhà máy vẫn có thể tự tiếp tục hoạt động, các nông trại vẫn có thể tự vận hành và các phương tiện vẫn có thể tự đi lại để trao đổi hàng hóa?

Một số mốc phát triển của internet vạn vật (IoT)

1990: Máy nướng bánh mì được cho là đồ vật đầu tiên được kết nối internet. John Romkey, một kỹ sư phần mềm tại Mỹ, đã kết nối chiếc máy nướng bánh mì với máy tính qua internet để bật nó lên.

1999: Thuật ngữ “internet of things được tạo ra bởi Kevin Ashton khi thuyết trình về một hệ thống cảm biến và nhãn nhận dạng qua tần số radio (RFID) gắn trên hàng hóa để quản lý chuỗi cung ứng.

2000: LG giới thiệu chiếc tủ lạnh có kết nối internet đầu tiên trên thế giới với mức giá 20.000 USD.

2008: Hội nghị quốc tế đầu tiên về IoT được tổ chức tại Zurich, Thụy Sĩ.

2009: Theo Cisco, đây là thời điểm mà mạng internet vạn vật thực sự được khai sinh, khi số lượng thiết bị được kết nối internet vượt dân số thế giới.

2013: Từ điển Oxford thêm thuật ngữ “internet of things” vào hệ thống định nghĩa.

2020: Số lượng thiết bị được kết nối internet trên thế giới ước tính vượt con số 20 tỷ.

2025: Dự báo sẽ có 75 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu.

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/iot-la-a53077.html