Mỗi ngày của Ths. BS Trần Ngọc Đính - Trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thường xuyên bắt đầu từ 5h sáng, có khi anh cũng chẳng kịp đánh răng, vệ sinh cá nhân mà chạy vội vào phòng mổ cấp cứu cho mẹ con sản phụ hay có khi anh phải “chăm vợ người ta” mấy đêm liền không được ngủ, chẳng biết khi nào là hết ngày.
Mặc dù công việc vất vả, dường như 24 giờ/ngày gắn bó với bệnh viện nhưng mỗi lần được nghe thấy tiếng khóc của từng em bé do chính tay mình đỡ đẻ, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ và gia đình “mẹ tròn con vuông”, anh lại cảm thấy hạnh phúc, quên hết mọi mệt mỏi.
Sung sướng lần đầu tiên đỡ đẻ từ A-Z cho sản phụ sinh con so 3,9kg
Bác sĩ Trần Ngọc Đính - Trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện nay đang là một trong những bác sĩ mổ đẻ "mát tay" cho nhiều sản phụ. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề sản phụ khoa, bác sĩ được rất nhiều sản phụ trao gửi niềm tin trong lần vượt cạn của mình và được các mẹ bỉm sữa không ngớt lời khen về sự tận tâm, tận tình hết mình.
Bác sĩ Trần Ngọc Đính.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề sản phụ khoa, bác sĩ Đính kể, anh sinh ra trong gia đình truyền thống có bố làm bác sĩ sản khoa còn mẹ làm về kiến trúc, vì vậy tuổi thơ của anh ít nhiều đã gắn bó với công việc của bố. Tuy nhiên, học hết lớp 12 anh lại quyết định thi vào trường kiến trúc theo nghề của mẹ. Thế nhưng nghề chọn người, ông trời an bài khiến anh không đỗ trường kiến trúc mà đỗ Đại học Y Hà Nội vào năm sau.
Vậy là nghề bác sĩ cứu người cứ gắn bó với anh từ đó. Đặc biệt, anh càng yêu và trân quý nghề hơn khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân, nhìn thấy những thiên thần nhí đáng yêu chào đời.
“Học trường Y vất vả nhất trong các trường vì vừa học sáng, học chiều đến tối lại phải đi trực. Mình học bác sĩ đa khoa 6 năm từ năm 1990 -1996 và mất hơn 1 năm nữa học định hướng nghề đi theo chuyên khoa sản, 3 năm học thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 năm học bác sĩ chuyên khoa 2 nữa.
Ngày xưa tài liệu không có phải tìm, hỏi rất nhiều, bây giờ kiến thức ngập tràn, mạng internet đỡ vất vả hơn. Mình may mắn có bố dạy và học hỏi ở bố rất nhiều cả ở nhà lẫn bệnh viện”, bác sĩ Đính kể.
Anh được biết đến là bác sĩ mát tay mổ đẻ những ca sinh khó.
Năm 1997, bác sĩ Đính vào bệnh viện làm. Hồi đó vào biên chế rất khó khăn, anh phải làm không lương hơn 1 năm trời ở viện, rồi đi chương trình “Bác sĩ xã” của Sở y tế Hà Nội 2 năm mới được thi vào biên chế.
Nói đến đây, anh lại cười khi nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên đi làm chứng kiến một sản phụ bị thai lưu, tắc mạch ối tử vong khiến anh nhụt chí khi đến với nghề. Tuy nhiên, mỗi ngày đi qua phòng đẻ, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ và gia đình bế thiên thần bé bỏng trên tay anh lại có động lực cố gắng hơn. Đặc biệt, lần đỡ đẻ đầu tiên một mình làm từ A-Z cho sản phụ sinh con so 3,9kg khiến anh sung sướng và cảm thấy yêu nghề hơn.
“Một thời gian sau mình đi phụ mổ, thành thạo quy trình phẫu thuật như thế nào và vững tay nghề hơn. Điều quan trọng nhất mỗi ca mổ là chẩn đoán đúng, tiên lượng tốt, xử trí kịp thời, ca mổ sẽ suôn sẻ không vấn đề gì. Đến giờ mình không nhớ hết đã mổ bao nhiêu ca, chắc khoảng 50 nghìn ca rồi, trung bình mỗi ngày mình đỡ đẻ và mổ đẻ khoảng 6 ca”, bác sĩ Đính cho hay.
Nam bác sĩ bộc bạch, làm bác sĩ sản khoa gần như vất vả nhất bởi bác sĩ ngoại khoa phải căng thẳng đứng mổ 7-8 tiếng/ca nhưng sau giờ làm việc họ có thể tắt máy điện thoại, về nhà nghỉ ngơi, ăn uống thoải mái. Còn bác sĩ sản khoa như anh thì ngược lại, không bao giờ cho phép mình được tắt máy điện thoại, kể cả tối đi ngủ. Mỗi khi đi ăn có ca sinh bất ngờ, đột ngột, anh cũng phải bỏ dở để đến hay đêm muộn vợ con còn ngủ anh cũng phải đi “chăm vợ người ta”. Thậm chí, lịch làm việc của anh không có giờ giấc từ ở nhà, phòng khám đến bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân 9 tháng 10 ngày thai kỳ đến khi mẹ tròn con vuông.
Những bệnh nhân đặc biệt nhớ mãi
22 năm làm theo ngành sản khoa, bác sĩ Đính gặp không biết bao nhiêu trường hợp đặc biệt, có trường hợp phải mổ cấp cứu trong đêm, có trường mổ cấp cứu sáng sớm khiến anh chẳng kịp đánh răng, vệ sinh cá nhân. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ mãi 2 bệnh nhân đặc biệt trong một tháng đi trực của mình chuyển dạ vỡ ối, tắc mạch ối nguy hiểm phải cấp cứu gấp.
“Trong một tháng có 2 trường hợp giống hệt nhau bị vỡ ối, nước ối vào mạch máu, vào tim mẹ. Đây là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp tuy nhiên lại vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 1-12/100000 ca sinh, có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong khi mang thai hoặc sau khi sinh xong, không thể đoán trước và dự phòng được.
Đầu tháng, mình gặp bệnh nhân 40 tuần chuyển dạ vỡ ối, tắc mạch ối phải mổ ngay tại phòng đẻ không thể di chuyển đi đâu vì di chuyển đi sẽ không cứu được 2 mẹ con. Ca mổ đó thành công nhưng ca mổ sau của bệnh nhân tương tự lại không thành công bởi sản phụ đó bị nặng hơn nên tử vong cả mẹ lẫn con”, bác sĩ Đính nhớ lại.
22 năm anh không nhớ hết nhưng ca mổ đẻ của mình.
Kề về việc kiêng cữ của sản phụ sau sinh, anh cũng ấn tượng mãi sản phụ nghe lời mẹ chồng và chồng kiêng hẳn 1 tháng sau đẻ không tắm. Đối với anh, đó hoàn toàn là những quan niệm sai lầm bởi sản phụ làm như vậy vừa ảnh hưởng sức khỏe lại vừa ảnh hưởng đến em bé. Khi sản phụ kiêng tắm người sẽ bẩn khiến tinh thần không được thoải mái, sữa không về được nhiều như mong muốn.
“Ngày xưa cổ hủ kiêng cữ nhiều gây hại cho sản phụ sau sinh nên những điều đó hiện nay đã được bỏ đi hết. Khoa học phát triển hơn, mỗi người cũng nên phát triển theo, không nên kiêng cữ cổ hủ như xưa”, bác sĩ Đính tư vấn.
Bác sĩ Đính tâm sự, 22 năm làm nghề, niềm vui lớn nhất của anh là đọc được những lời cảm ơn của sản phụ dành cho mình, được các sản phụ nhớ tới, mang con đến thăm lại. Mỗi ngày được nhìn thấy những thiên thần nhí đáng yêu cất tiếng khóc chào đời, nhìn thấy nụ cười sản phụ và gia đình, anh lại có động lực cố gắng hơn, chăm sóc bệnh nhân ân cần, tận tâm như người nhà của mình.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/bac-si-dinh-phu-san-ha-noi-a56616.html