Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, hay còn lại là ‘NAFTA’, là Hiệp định thương mại tự do giữa Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Hoa Kỳ. Với tổng GDP năm 2010 là 17,6 nghìn tỉ USD, NAFTA là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định NAFTA được đàm phán từ năm 1991 đến năm 1993, và được cơ quan lập pháp quốc gia của ba nước thông qua vào năm 1993, có hiệu lực pháp luật vào ngày 1/1/1994.
Hiệp định NAFTA là mô hình quan trọng của FTAs hiện đại, bởi mức độ tự do hoá rất cao của nó. Hiệp định ngay lập tức đã loại bỏ thuế quan đối với phần lớn giao dịch thương mại hàng hoá giữa ba nước, đồng thời những hạn chế khác đối với thương mại, dịch vụ và đầu tư cũng được loại bỏ trong thời hạn 15 năm.
Phần giới thiệu dưới đây về NAFTA sẽ trình bày một số nội dung chủ yếu, bao gồm: Chương 3 - Tự do hoá thương mại hàng hoá; Chương 11 - Tự do hoá đầu tư; và Chương 12 - Tự do hoá thương mại dịch vụ; và các Chương 11, 19 và 20 - Quy trình giải quyết tranh chấp.
NAFTA loại bỏ hoặc áp đặt những quy tắc nghiêm ngặt đối với một số rào cản thương mại và đầu tư. Những nội dung chủ yếu của Hiệp định bao gồm:
- Mở cửa cơ chế mua sắm chính phủ cho các doanh nghiệp ở cả ba nước;
- Loại bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài (trừ một số ít lĩnh vực bị hạn chế do mỗi bên xác định) và đảm bảo không phân biệt đối xử đối với những công ty nội địa thuộc sở hữu của những nhà đầu tư ở các nước NAFTA khác;
- Loại bỏ những hàng rào ngăn cản các công ty dịch vụ hoạt động xuyên biên giới các nước Bắc Mỹ, bao gồm các lĩnh vực chủ chốt như dịch vụ tài chính;
- Quy định các nguyên tắc toàn diện để bảo hộ IPRs; và
- Quy định ba cơ chế giải quyết tranh chấp, đó là: tranh chấp giữa chính phủ với chính phủ; tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài; và tranh chấp về các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng).
Các nhà bình luận đã nhận xét rằng NAFTA là một mô hình FTA hiện đại xuất hiện sớm nhất, sau đó đã trở thành khuôn mẫu cho các FTAs toàn diện và nhiều tham vọng noi theo.
Kể từ giữa những năm 1990, các nước châu Mỹ đã đi tiên phong trong việc đàm phán NAFTA - hiệp định thương mại tự do - đặc trưng bởi tính tham vọng và mục tiêu thực hiện tự do hoá thương mại và hội nhập không chỉ đối với hàng hoá, mà còn cả dịch vụ, cũng như các yếu tố quan trọng khác, như đầu tư, sở hữu trí tuệ và mua sắm chính phủ.
Một học giả người Ca-na-đa nhận xét rằng Hiệp định này là một FTA toàn diện đầu tiên được thiết lập giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển:
NAFTA là sự kiện quan trọng đáng nhớ trong biên niên sử của hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế. Lần đầu tiên từ trước đến nay, một hiệp định thương mại tự do toàn diện đã được thiết lập giữa các nước phát triển và nước đang phát triển. Hơn nữa, nó không chỉ mở rộng phạm vi của các hiệp định thương mại tự do truyền thống bằng cách bao quát các quyền sở hữu, đầu tư nước ngoài và dịch vụ, mà còn công nhận tầm quan trọng của những quyền và lợi ích về lao động và môi trường, mặc dù nó đề cập đến các vấn đề này chỉ nhằm mục đích để các nước thi hành pháp luật hiện hành của họ trong hai lĩnh vực này, hơn là đưa ra một số nguyên tắc chung và hành động thực thi.
Những nhà xuất khẩu và cung ứng dịch vụ đánh giá giá trị của một FTA bất kì trên cơ sở giá trị của những cơ hội tiếp cận thị trường mới do hiệp định đưa ra. Những thương nhân này sẽ đặt ra những câu hỏi như:
- FTA có loại bỏ nhanh chóng thuế quan ở thị trường nước ngoài đối với những sản phẩm có tầm quan trọng về thương mại hay không?
- FTA có loại bỏ những NTBs và thuận lợi hoá thủ tục như thông quan hay không?
- FTA có bao gồm nghĩa vụ nhằm bảo hộ IPRs một cách hiệu quả ở thị trường xuất khẩu hay không?
- Bằng cách nào FTA quy định về sự tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thương mại dịch vụ? Hiệp định có quy định nghĩa vụ dành đối xử NT cho nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài hay không?
Nội dung của văn bản hiệp định sẽ trả lời cho những câu hỏi mang tính thương mại này, và chỉ trên cơ sở những cân nhắc mang tính thương mại như vậy, thì một FTA mới có thể được đánh giá là có tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường một cách có ý nghĩa cho nước xuất khẩu hay không? Với tư cách là luật sư hay nhà tư vấn, sự phân tích văn bản hiệp định sẽ không sâu sắc đối với khách hàng, nếu bạn không đề cập đến phần nội dung của hiệp định liên quan đến lợi ích xuất khẩu mang tính thương mại, hoặc những lợi ích của các bên tham gia mà chính họ không mong muốn tự do hoá thị trường nội địa.
Những nhà đàm phán thay mặt quốc gia mình đàm phán để đi đến kí kết văn bản FTA có thể chấp thuận một FTA chất lượng cao, chỉ khi tất cả các chính phủ tham gia đàm phán cùng có chung tham vọng và ý chí chính trị cao để đạt được những mục tiêu này. Những cuộc đàm phán FTA chỉ có thể kết thúc thành công nếu giải quyết được cả những lợi ích xuất khẩu và những nhạy cảm về nhập khẩu của tất cả các bên. Điều này khiến việc đàm phán một hiệp định chất lượng cao trở thành thách thức lớn. Nói một cách đơn giản, những nhà đàm phán chỉ có thể nhận được từ phía đối tác sự nhượng bộ, nếu họ cũng nhượng bộ lại đối tác.
Khi phân tích những quan tâm mang tính thương mại nói trên, chúng ta thấy rằng NAFTA là một hiệp định mang tính tự do hoá cao. Thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm đã được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian 15 năm (chỉ còn lại thuế quan đối với một số nông sản buôn bán giữa Hoa Kỳ và Ca-na-đa). Bên cạnh đó, còn có những cam kết quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Việc hiểu được rằng làm thế nào mà NAFTA đã đạt được mức độ tự do hoá cao như thế có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa thương mại của những FTAs khác.
Những cơ chế giải quyết tranh chấp được đề ra trong NAFTA được chính phủ của các bên NAFTA và các nhà đầu tư của họ sử dụng thường xuyên. Theo quy tắc giải quyết tranh chấp của NAFTA, phán quyết cuối cùng của cơ quan giải quyết tranh chấp (panel) được tuyên bố công khai, và các bên có thể tuyên bố cho công chúng nhiều tài liệu đã được đệ trình trong quá trình kiện tụng. Kết quả là những phán quyết được tuyên bố công khai này đã đóng góp quan trọng cho nguồn án lệ của luật thương mại quốc tế, và nhất là tạo nguồn luật trọng tài liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư. Để hiểu được án lệ, cần phải hiểu những nghĩa vụ được quy định trong NAFTA.
Kể từ khi NAFTA được đàm phán, Hoa Kỳ đã đàm phán FTAs với 18 nước, bao gồm một số nước ở Trung Mỹ, Trung Đông, cũng như Xinh-ga-po và Hàn Quốc ở châu Á. Năm 2012, Hoa Kỳ và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP với 7 quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy rằng mỗi văn bản FTA sau này là sản phẩm duy nhất của quá trình đàm phán giữa các đối tác thương mại, nhưng cấu trúc và nội dung của NAFTA đã trở thành hình mẫu cho những cuộc đàm phán FTA giữa Hoa Kỳ với các nước Tây bán cầu khác.
Những nội dung như loại bỏ thuế quan toàn diện và tự do hoá thương mại dịch vụ, cũng như cam kết bảo hộ IPRs, quyền lao động và bảo vệ môi trường, là những mục tiêu đàm phán tiếp tục của Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu nội dung văn bản NAFTA có thể giúp hiểu được vấn đề: làm thế nào để những mục tiêu này được phản ánh trong Hiệp định?
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.
Trọng tâm của bất kì FTA nào cũng là giảm và loại bỏ thuế quan đối với hàng hoá buôn bán giữa các bên. Biểu thuế quan hài hoà được các nước trên thế giới sử dụng bao gồm hơn 5.000 dòng thuế đối với những loại hàng hoá cụ thể ở mức 6 con số trong 96 chương. Biểu thuế quan quốc gia thường có nhiều dòng thuế hơn để mô tả cụ thể hơn về sản phẩm ở mức 8 và 10 con số (biểu thuế quan của Hoa Kỳ hiện có hơn 17.000 dòng thuế ở mức 10 con số).
Những nhà đàm phán FTA phải thương lượng về việc xử lí thuế quan đối với mỗi sản phẩm này. Ví dụ nếu nước A quy định thuế nhập khẩu gạo là 20%, thì liệu thuế nhập khẩu này có được loại bỏ hoàn toàn không? Cho phép bao nhiêu năm để loại bỏ thuế quan? Việc giảm thuế quan được thực hiện đều đặn hàng năm, hay sẽ bị trì hoãn rồi sau đó sẽ giảm nhanh vào giai đoạn cuối? Những quyết định liên quan đến ứng xử về thuế quan đối với mỗi sản phẩm phải được ghi nhận trong phần phụ lục của FTA và phải công bố để các chính phủ và các bên liên quan có thể biết được những cam kết giảm thuế quan này.
Quá trình đàm phán thường xuyên dẫn đến những thoả thuận FTA không đạt được mức tự do hoá cao. Ví dụ, những bên có liên quan trong những ngành kinh tế nhập khẩu nhạy cảm ở nước A sẽ tìm cách để không giảm thuế quan đối với những sản phẩm xi măng của họ, để họ sẽ không phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn của xi măng nhập khẩu theo FTA.
Trong một kịch bản điển hình, những nhà đàm phán của nước B sẽ chấp thuận đề xuất của nước A, chỉ khi nào những mặt hàng ưu tiên xuất khẩu của nước B được tiếp cận thị trường nhiều hơn, hoặc khi nước B cũng không phải giảm thuế quan đối với những sản phẩm của những ngành kinh tế nhập khẩu nhạy cảm của họ.
Nếu cả nước A và nước B đều được chấp thuận không phải giảm thuế quan, thì mức độ tự do hoá có thể bị giảm rất nhanh, do số lượng thuế quan không phải giảm tăng lên. Ví dụ, nếu nước A tìm cách duy trì vĩnh viễn thuế quan đối với xi măng, thì nước B chỉ có thể chấp nhận điều này khi mà họ cũng được phép duy trì việc áp thuế quan đối với gạo. Quá trình này có thể giảm dần: nếu nhìn vào kết quả đàm phán về xi măng và gạo, thì ta thấy rằng nước A sẽ không thể tiếp cận thị trường gạo của nước B, do đó nước A sẽ không muốn dành mức thuế thấp đối với ngô cho nước B. Nếu quá trình này tiếp tục diễn ra, thì thoả thuận đạt được sẽ không thể tạo ra những cơ hội có ý nghĩa cho sự tăng trưởng.
NAFTA phản ánh những cam kết rất mạnh mẽ về tự do hoá thương mại, bởi nó loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm được trao đổi giữa ba nước. NAFTA bao gồm cả các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ-Ca-na-đa đã được kí kết năm 1988. FTA này cho phép duy trì vĩnh viễn thuế quan đối với những nông sản sau: thực phẩm chế biến từ sữa, gia cầm và trứng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Ca-na-đa; đường, thực phẩm chế biến từ sữa và lạc nhập khẩu từ Ca-na-đa vào Hoa Kỳ. Tất cả các loại thuế quan khác giữa các bên NAFTA đều được loại bỏ.
Sự khó khăn trong quá trình đàm phán và thực thi việc loại bỏ thuế quan đối với tất cả các sản phẩm trong NAFTA có thể được hiểu rõ hơn khi xem xét tính nhạy cảm về xã hội, chính trị và kinh tế của một số sản phẩm và ngành dịch vụ. Trước khi đàm phán NAFTA, một số ngành kinh tế như dệt may, thép và một số loại hình công nghiệp ô-tô được hưởng lợi do thuế nhập khẩu ở mức từ 10% đến 50% hoặc cao hơn. Thuế quan đối với nông sản thường cao hơn thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp, và một số nông sản được hưởng lợi từ hạn ngạch và trợ cấp nhằm duy trì mức giá nội địa của một số sản phẩm, như đường và lúa mì, cho chủ trang trại. Tự do thương mại có thể khiến cho việc trợ cấp và hạn chế tiếp thị trở nên rất tốn kém để duy trì mức giá nội địa cao đối với nông sản, trong khi phải cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu ở mức giá thấp.
Một trong những vấn đề thuế quan phức tạp và nhạy cảm nhất, đó là việc loại bỏ thuế quan đối với mặt hàng đường và những chất làm ngọt được buôn bán giữa Hoa Kỳ và Mê-hi-cô. Theo văn bản thoả thuận cuối cùng, hạn ngạch thuế quan sẽ được duy trì trong 15 năm đối với nhập khẩu đường của Mê-hi-cô vào Hoa Kỳ. Sau 15 năm, hạn ngạch thuế quan và tất cả thuế quan đối với mặt hàng đường sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, văn bản NAFTA lúc ban đầu có một quy định có thể cho phép Mê-hi-cô tiếp cận không hạn chế vào thị trường đường của Hoa Kỳ rất sớm, từ năm 2001 (thay vì năm 2008). Tuy nhiên, sau này, khi rõ ràng là Nghị viện Hoa Kỳ sẽ không thông qua một hiệp định với quy định nêu trên, Hoa Kỳ và Mê-hi-cô đã phải đàm phán những điều khoản mới về mặt hàng đường thông qua một ‘lá thư bên lề’ (‘side letter’) với việc quy định hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường của Mê-hi-cô vào Hoa Kỳ ở mức 250.000 tấn một năm hoặc thấp hơn.
Sau khi NAFTA được thực thi, Mê-hi-cô đã cố gắng hạn chế nhập khẩu sản phẩm tương tự đường từ Hoa Kỳ. Sản phẩm này tên là ‘Chất làm ngọt với lượng fructose cao làm từ ngô’ (viết tắt là ‘HFCS’), là một chất làm ngọt được làm từ ngô nguyên chất. HFCS có thể được dùng để làm ngọt đồ uống không cồn. Những nhà sản xuất đường tại Mê-hi-cô thuyết phục Nghị viện Mê-hi-cô áp mức thuế nội địa 20% đối với nước ngọt có chứa chất HFCS, trong khi nước ngọt có đường làm từ đường mía không phải chịu thuế bổ sung. Năm 2006, Hoa Kỳ đã kiện thành công vụ Mexico-Taxes on Soft Drinks [2006] trước Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB), phản đối loại thuế này, bởi đó là sự vi phạm nghĩa vụ NT trong WTO.
Những cuộc đàm phán khó khăn về mặt hàng đường trong ‘lá thư bên lề’ của Hiệp định và tranh chấp WTO về chất làm ngọt HFCS phản ánh tính kinh tế-chính trị phức tạp của mặt hàng đường ở Hoa Kỳ và Mê-hi-cô:
Vấn đề cơ bản là, cả Hoa Kỳ và Mê-hi-cô đều không tuân thủ nguyên tắc thị trường tự do đối với việc mua bán mặt hàng đường. Cả hai nước đều theo đuổi việc duy trì giá đường cao hơn giá thế giới, không phải để hạn chế tiêu dùng [vì lí do sức khoẻ], mà đúng hơn là để tăng doanh thu của nhà sản xuất đường.
Đối với hàng công nghiệp, NAFTA loại bỏ tất cả các loại thuế quan đối với tất cả các sản phẩm trong giai đoạn 10 năm. Thuế quan đối với ô-tô là một trong những loại thuế quan ở mức cao nhất đối với hàng công nghiệp. ‘Tuyên bố về hoạt động hành chính’ (viết tắt là ‘SAA’) do Tổng thống Hoa Kỳ Clinton trình lên Nghị viện Hoa Kỳ bao gồm bản tóm tắt về việc xử lí giảm thuế quan đối với ô-tô và phụ tùng ô-tô:
Tất cả thuế quan đối với mặt hàng ô-tô có xuất xứ Bắc Mỹ sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm. Mê-hi-cô sẽ giảm 20% thuế quan đối với xe chở khách và xe tải nhẹ xuống 10% ngay khi thực thi NAFTA, và sẽ giảm dần 10% còn lại trong vòng 5 năm đối với xe tải hạng nhẹ và 10 năm cho xe chở khách. Hoa Kỳ cũng sẽ loại bỏ thuế quan đối với hầu hết phụ tùng do Mê-hi-cô sản xuất trong quá trình thực thi Hiệp định, hoặc sau 5 năm. Thuế quan đối với một số ít phụ tùng sẽ được giảm dần trong vòng 10 năm. Thuế quan 2,5% hiện hành đối với xe chở khách sẽ được loại bỏ ngay, và thuế quan đối với xe tải hạng nhẹ [25%] sẽ được giảm xuống còn 10% ngay khi thực thi Hiệp định và được giảm dần sau 5 năm.
Việc loại bỏ thuế quan đối với ô-tô và phụ tùng ô-tô trong NAFTA làm tăng thêm sự hội nhập khu vực và sự cạnh tranh của ngành công nghiệp ô-tô ở Bắc Mỹ với sản lượng hàng năm đạt hơn 12 triệu xe. Những nhà sản xuất ô-tô từ châu Á và châu Âu đã mở nhà máy ở các bên NAFTA, và một phần động cơ của họ khi đầu tư vào Bắc Mỹ là nhằm tận dụng cơ hội từ những lợi ích của Hiệp định NAFTA.
Ngược lại với việc loại bỏ toàn diện hầu hết các thuế quan trong vòng 15 năm ở NAFTA, những FTAs của ASEAN, mà Việt Nam tham gia, cho phép duy trì vĩnh viễn nhiều loại thuế quan nhập khẩu.
Theo quy định của FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), các bên đã thiết lập một bộ các ‘thể thức’ hoặc những quy tắc đàm phán cho phép mỗi bên loại trừ (exempt) khỏi bất kì nhượng bộ thuế quan nào khoảng 40 dòng thuế ở mức 6 con số. Những sản phẩm loại trừ được xác định trong phụ lục của Hiệp định có tên là ‘Nhóm E (Những dòng thuế không phải nhượng bộ)’.
Sử dụng những thể thức này, mỗi bên Hàn Quốc và Việt Nam đã loại trừ những sản phẩm nhạy cảm về chính trị mà nước kia đã sản xuất đủ. Ví dụ, Hàn Quốc không giảm thuế quan đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và nhiều loại hải sản, hoa quả, rau tươi, và gạo. Việt Nam không giảm thuế quan đối với một số loại thép nhất định và hầu hết xe máy, ô-tô, xe tải, xe buýt cũng như một số phụ tùng ô-tô. Nếu thuế quan đối với tất cả các sản phẩm này được giảm, thì rất có thể việc buôn bán những sản phẩm này giữa hai nước sẽ tăng lên đáng kể. Việt Nam đã loại trừ những sản phẩm tương tự ra khỏi lộ trình giảm thuế quan trong FTA ASEAN-Úc-Niu Di-lân (‘AANZFTA’). Trong FTA ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam cũng loại trừ vĩnh viễn một số lượng lớn sản phẩm ra khỏi lộ trình giảm thuế quan, bao gồm trứng chim, đường, thuốc lá, muối, dầu, phân bón u-rê, kính tấm, xi măng, thép, sản phẩm sữa, mô-tô, ô-tô, và phụ tùng ô-tô.
Việc quy định thuế quan vĩnh viễn trong những FTAs của ASEAN khiến những hiệp định này ít ý nghĩa hơn đối với nhà xuất khẩu. Ví dụ, việc loại trừ vĩnh viễn một số sản phẩm ra khỏi lộ trình giảm thuế quan trong FTA ASEAN-Hàn Quốc làm cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam không thể tiếp cận hơn được với thị trường gạo sinh lợi ở Hàn Quốc. Tháng 12/2010, theo Tổ chức nông lương thế giới (‘FAO’), giá bán lẻ trung bình 1 kg gạo ở Hàn Quốc là 1,76 USD, so với giá ở Việt Nam là 0,44 USD.
Quy tắc xuất xứ (‘RoO’) là một phần của mọi FTA, nhằm đảm bảo rằng hàng hoá xuất khẩu từ một nước thành viên được áp dụng thuế quan thấp hơn và nhận được sự đối xử ưu tiên khác. RoO cũng được xây dựng nhằm đảm bảo rằng sự đối xử ưu tiên sẽ không dành cho hàng có xuất xứ từ các nước không phải là thành viên của Hiệp định. Dưới hình thức đơn giản nhất, RoO có thể chỉ ra rằng một sản phẩm là sản phẩm ‘có xuất xứ’ và thích hợp để được hưởng sự đối xử ưu tiên, nếu sản phẩm đó hoàn toàn được chế tạo hoặc sản xuất ra tại một nước là một bên tham gia Hiệp định. Bởi vì hiện nay, chuỗi cung ứng của rất nhiều sản phẩm đều mang tính đa quốc gia, nên các RoOs đã phát triển theo hướng cho phép một phần nguyên liệu đầu vào có thể có được ở nước thứ ba.
SAA mô tả quy tắc xuất xứ của NAFTA được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm theo cách sau đây:
Chương 4 quy định rằng hàng hoá được sản xuất hoặc có được hoàn toàn trên lãnh thổ của một hay nhiều bên của NAFTA (ví dụ, cây trồng trên đất của một bên, khoáng chất được lấy từ mỏ của thành viên đó) là ‘những hàng hoá có xuất xứ’ và do đó thích hợp để được áp dụng đối xử ưu tiên.
Hàng hoá được sản xuất toàn bộ hoặc một phần từ những nguyên liệu không có xuất xứ (không có xuất xứ NAFTA) có thể trở thành hàng hoá có xuất xứ, nếu nguyên liệu không có xuất xứ được xử lí tại một hoặc nhiều bên của NAFTA, trong quá trình gia công hoặc lắp ráp, đủ để dẫn đến việc thay đổi đã được xác định rõ trong bảng phân loại thuế quan theo Hệ thống thuế quan hài hoà được quy định cụ thể trong Phụ lục 401. Sự thay đổi trong bảng phân loại thuế quan đảm bảo rằng quá trình gia công hoặc lắp ráp diễn ra ở các vùng lãnh thổ NAFTA dẫn đến sự thay đổi về sản phẩm, sự thay đổi có ý nghĩa về mặt vật lí và thương mại.
Theo những quy tắc nêu trên, hàng hoá được coi là ‘có xuất xứ’ và không bị áp thuế quan, nếu chúng được sản xuất hoàn toàn tại một bên của NAFTA, hoặc nếu chúng chứa đựng những nguyên liệu không có xuất xứ NAFTA, nhưng đã được gia công hoặc láp ráp theo những cách thức dẫn đến kết quả làm thay đổi sự phân loại thuế quan, và quá trình gia công đó dẫn đến những thay đổi có ý nghĩa về mặt vật lí và thương mại.
NAFTA, giống như nhiều FTAs khác, quy định về quy tắc xuất xứ khắt khe hơn đối với những sản phẩm đặc biệt, như hàng dệt may - một sản phẩm nhập khẩu nhạy cảm quen thuộc ở nhiều nước. SAA của Hoa Kỳ mô tả quy tắc xuất xứ đặc biệt đối với hàng dệt may như sau:
Quy tắc xuất xứ chung của NAFTA đối với hầu hết sản phẩm dệt may có thể được mô tả như là quy tắc ‘từ sợi chỉ trở đi’, theo đó đòi hỏi hàm lượng ‘Bắc Mỹ’ phải từ giai đoạn sản xuất sợi cho đến thành phẩm, trước khi một sản phẩm cụ thể được hưởng sự đối xử ưu tiên về thuế quan và các biện pháp hạn chế số lượng. Ví dụ, để một bộ quần áo đáp ứng được quy tắc xuất xứ của NAFTA:
- Sản phẩm đó phải được cắt và khâu tại một nước NAFTA;
- Vải may phải được sản xuất tại một nước NAFTA; và
- Sợi dùng để sản xuất vải phải được sản xuất ở một nước NAFTA.
Quy tắc xuất xứ ‘từ sợi chỉ trở đi’ của NAFTA cấm những nhà sản xuất quần áo sử dụng vải từ các nước bên ngoài NAFTA để sản xuất quần áo. Nếu một số loại vải không đủ cung hoặc đắt hơn trong phạm vi các nước thành viên của Hiệp định, thì quy tắc này sẽ cho phép hạn chế cơ hội xuất khẩu của các nhà sản xuất quần áo. Tương tự, có thể thấy những quy tắc xuất xứ mang tính hạn chế như vậy trong một số FTAs của ASEAN.
Một nhà bình luận, sau khi phân tích quy tắc xuất xứ trong những FTAs của ASEAN, đã nhận thấy rằng hàng dệt may và ô-tô là những sản phẩm nhạy cảm nhất đối với các bên tham gia đàm phán, và những sản phẩm này đã trở thành đối tượng của những quy tắc xuất xứ khắt khe hơn. Quy tắc xuất xứ áp dụng cho mặt hàng dệt may theo Hiệp định đối tác kinh tế chung ASEAN-Nhật Bản (viết tắt là ‘AJCEP’) rất giống quy tắc ‘từ sợi chỉ trở đi’ của NAFTA.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân gia đình của Công ty Luật TNHH Everest.
Trong Chương 12 của NAFTA, ba bên đồng ý dành đối xử MFN theo Điều 1203 và NT theo Điều 1204 cho những nhà cung ứng dịch vụ qua biên giới của các bên NAFTA.
Khoản 2 Điều 1213 đưa ra định nghĩa về thương mại dịch vụ qua biên giới như sau:
Cung ứng dịch vụ qua biên giới hay thương mại dịch vụ qua biên giới có nghĩa là cung ứng một dịch vụ:
(i) Từ lãnh thổ của một bên vào lãnh thổ của một bên khác;
(ii) Trong lãnh thổ của một bên bởi một người của bên đó cho một người của một bên khác;
(ii) Bởi công dân của một bên trong lãnh thổ của một bên khác.
Định nghĩa trên bao gồm cả việc cung ứng dịch vụ từ bên này cho bên kia. Ví dụ, một kiến trúc sư ở Mê-hi-cô chuẩn bị bản thiết kế toà nhà và gửi các kế hoạch thiết kế cho khách hàng của mình ở Hoa Kỳ. Định nghĩa trên cũng bao gồm việc cung ứng dịch vụ ‘trên lãnh thổ của một bên khác’. Ví dụ, kiến trúc sư người Mê-hi-cô đi đến Hoa Kỳ để thiết kế toà nhà ở đó.
SAA tóm tắt nghĩa vụ MFN và NT như sau:
Điều 1202 và Điều 1203 yêu cầu mỗi chính phủ chấp thuận không phân biệt đối xử đối với các công ty cung ứng dịch vụ từ những bên NAFTA khác... [Theo Điều 1202, chính phủ của bên NAFTA đó không được đối xử thiên vị đối với các công ty địa phương. Ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, yêu cầu chính phủ phải dành cho nhà cung ứng dịch vụ từ các bên NAFTA khác sự đối xử ‘không kém thuận lợi hơn’ so với những công ty dịch vụ trong nước, trong những hoàn cảnh tương tự.
Ngoài ra, Điều 1203 yêu cầu chính phủ các bên NAFTA phải dành đối xử ‘tối huệ quốc’ cho các nhà cung ứng dịch vụ từ các bên NAFTA khác. Điều đó nghĩa là một chính phủ phải đối xử với nhà cung ứng đó giống như đối xử với các công ty đến từ bất kì nước nào (bao gồm cả những nước bên ngoài NAFTA) trong những hoàn cảnh giống nhau...
Tiêu chuẩn ‘không kém thuận lợi hơn’ quy định tại Điều 1202 và Điều 1203 không đòi hỏi nhà cung ứng dịch vụ từ bên NAFTA khác phải nhận được sự đối xử giống hoặc thậm chí ngang bằng như dành cho những công ty trong nước hoặc những công ty nước ngoài khác. Những nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài có thể được đối xử khác, nếu hoàn cảnh cho phép. Ví dụ, nếu cần thiết, một tiểu bang có thể áp đặt những yêu cầu đặc biệt đối với những nhà cung ứng dịch vụ từ Ca-na-đa và Mê-hi-cô để bảo vệ người tiêu dùng ở một mức độ giống như đối với những công ty trong nước.
Những quy định không phân biệt đối xử của NAFTA cấm chính phủ các bên áp đặt luật lệ và những quy định nhằm bóp méo những quy định về cạnh tranh để ủng hộ cho những công ty trong nước; chúng không được cản trở sự phân biệt về mặt pháp luật giữa những công ty đó và nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài. Theo Chương 12, chính phủ của các bên NAFTA được phép duy trì ‘những phân biệt đối xử chính đáng theo quy định của pháp luật’ giữa những nhà cung ứng dịch vụ nội địa và nước ngoài. Ngoài ra, các chín
h phủ được phép tiếp tục yêu cầu những nhà cung ứng dịch vụ chuyên môn, như trong lĩnh vực y khoa và pháp luật, phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền ở cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, nơi thực hiện dịch vụ, và chính phủ của các bên NAFTA không bắt buộc phải cấp giấy phép chuyên môn tại nước của họ, đơn giản vì người đó có giấy phép chuyên môn hoặc đã được đào tạo nghề nghiệp tại một bên NAFTA khác.
Phạm vi và nội dung của tự do hoá thương mại dịch vụ khá rộng, bởi vì NAFTA sử dụng một ‘danh sách phủ định’ trong cấu trúc của những cam kết cho mỗi bên. Theo phương pháp ‘danh sách phủ định’, tất cả các loại dịch vụ đều được tự do hoá, trừ ngành dịch vụ được liệt kê trong ‘danh sách phủ định’, theo đó xác định những ngành dịch vụ không được tự do hoá. Danh sách này nằm trong Phụ lục NAFTA về biểu cam kết dịch vụ dành cho mỗi bên. Ví dụ, Mê-hi-cô đưa vào ‘danh sách phủ định’ của nước mình một trường hợp loại ra khỏi quá trình tự do hoá thương mại dịch vụ, đó là trường hợp ‘Nhân sự chuyên môn của ngành vận tải hàng hải’. Trường hợp loại trừ này được liệt kê như sau:
Hình thức hạn chế:
- Đối xử quốc gia (NT) (Điều 1202)
- Đối xử tối huệ quốc (MFN) (Điều 1203)
- Sự hiện diện tại địa phương (Điều 1205)
Chỉ có người có quốc tịch Mê-hi-cô do sinh ra có thể làm nghề:
(a) Cơ trưởng, hoa tiêu, thuyền trưởng, thợ máy, thợ cơ khí và thủy thủ trên tàu thủy hoặc tàu bay mang cờ Mê-hi-cô;
(b) Hoa tiêu cảng, chỉ huy cảng và điều hành sân bay; và
(c) Cán bộ hải quan.
Trong ví dụ này, Mê-hi-cô đã ‘hạn chế’ hoặc loại trừ khỏi cam kết của mình, theo Chương 12 của NAFTA, nghĩa vụ dành NT, MFN và quyền hiện diện tại địa phương cho nhà cung ứng dịch vụ đến từ các bên NAFTA.
Ngược lại, hầu hết các FTA được đàm phán bởi ASEAN và các thành viên ASEAN đều sử dụng phương pháp ‘danh sách khẳng định’, theo đó chỉ tự do hoá những ngành dịch vụ được liệt kê cụ thể trong biểu cam kết dịch vụ.
Những FTAs có Hoa Kỳ tham gia đều theo phương pháp ‘danh sách phủ định’ (tất cả các dịch vụ đều được tự do hoá, trừ những ngành được liệt kê) và đã đạt được nhiều sự tự do hoá hơn. Tuy nhiên, hiệu quả tương đối của sức mạnh đàm phán của Hoa Kỳ, thông tin và những lợi ích khác của phương pháp ‘danh sách phủ định’ đã không được xác định rõ.
Phần lớn những FTAs trong nội bộ châu Á đều không cam kết dành MFN cho các đối tác tham gia hiệp định, hoặc chỉ bao gồm những nghĩa vụ nhẹ nhàng về mặt này.
Trong GATS, các nhà đàm phán đã thiết lập bốn phương thức cung ứng dịch vụ, trong đó phương thức 4 được hiểu là việc cung ứng dịch vụ bởi thể nhân hiện diện trên lãnh thổ của một bên khác. Nói cách khác, nếu nước A cam kết với nước B theo phương thức 4, thì điều đó nghĩa là cam kết cho người của nước B được phép làm việc ở nước A bằng cách cung ứng dịch vụ tại nước A. Nhập cư có thể là vấn đề nhạy cảm trong các cuộc đàm phán thương mại, vì vậy cam kết theo phương thức 4 có xu hướng khá hạn chế trong WTO và các FTAs.
Trong NAFTA, các bên không cam kết theo phương thức 4 liên quan đến việc cho phép thể nhân làm việc tại các nước theo biểu cam kết dịch vụ trong Chương 12. Thay vào đó, NAFTA giải quyết tất cả các vấn đề về việc làm và nhập cảnh tạm thời trong Chương 16 - ‘Nhập cảnh tạm thời cho nhà kinh doanh’. Theo Chương 16, các bên đồng ý cho nhà kinh doanh, thương nhân và nhà đầu tư, người nhận chuyển nhượng trong nội bộ công ty và một số loại nghề nghiệp nhất định được phép tạm thời nhập cảnh vào lãnh thổ của các bên NAFTA bằng một loại ‘thị thực không nhập cư’ (‘non- immigrant visa’) để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Những loại nghề nghiệp được cấp thị thực bao gồm kế toán, kĩ sư, luật sư, chuyên gia y tế, nhà khoa học và giáo sư đại học.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
Chương 11 của NAFTA được chia làm hai phần. Phần A quy định bốn bảo đảm cơ bản cho nhà đầu tư NAFTA, đó là: (i) Không phân biệt đối xử; (ii) Không bị yêu cầu thực hiện các biện pháp đầu tư bị cấm (‘performance requirements’); (iii) Tự do chuyển vốn liên quan đến một khoản đầu tư; và (iv) Chỉ bị trưng thu theo đúng pháp luật quốc tế. Điều 1105 của NAFTA cũng đòi hỏi rằng nhà đầu tư phải được nhận ‘sự đối xử theo tiêu chuẩn tối thiểu... bao gồm sự đối xử công bằng và thoả đáng, sự bảo hộ đầy đủ và an toàn.’ Những nghĩa vụ không phân biệt đối xử này tương tự như những nghĩa vụ NT và MFN dành cho nhà cung ứng dịch vụ qua biên giới được quy định tại Chương 12.
Những nghĩa vụ liên quan đến trưng thu được tóm tắt trong SAA như sau:
Theo Điều 1110, chính phủ của một bên NAFTA không được phép trưng thu khoản đầu tư của nhà đầu tư từ những bên NAFTA ngoài mục đích công, trên cơ sở không phân biệt đối xử và tuân thủ đúng thủ tục (due process). Khoản bồi thường thiệt hại phải được thanh toán không chậm trễ theo giá trị thị trường công bằng của khoản đầu tư bị trưng thu, cùng với bất kì khoản lãi thích hợp nào, và phải thực hiện được và chuyển nhượng được.
Các bên của NAFTA không đồng ý cho phép đầu tư vào tất cả các ngành kinh tế. Ví dụ, Mê-hi-cô đưa ra hạn chế để loại trừ những ngành sau ra khỏi quá trình tự do hoá: ‘vệ tinh và liên lạc điện báo, vận tải đường sắt, năng lượng hạt nhân, sản xuất và phân phối điện năng như một ngành dịch vụ công, và các hoạt động liên quan đến việc sản xuất, phân phối và mua bán những sản phẩm năng lượng và hoá dầu cơ bản’.
NAFTA có ba thủ tục giải quyết tranh chấp riêng biệt được quy định tại Chương 11, Chương 19 và Chương 20. Thủ tục thu hút sự chú ý của các học giả là hệ thống giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư được quy định tại Chương 11. Thủ tục giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư tương tự như thủ tục trọng tài đầu tư quốc tế được quy định tại nhiều hiệp định đầu tư song phương (viết tắt là ‘BITs’).
Giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư theo Chương 11
Nếu một nhà đầu tư NAFTA thấy rằng những hoạt động của chính phủ một bên NAFTA dẫn đến việc trưng thu hay phân biệt đối xử và vi phạm những nghĩa vụ của NAFTA quy định tại Chương 11, thì nhà đầu tư có thể yêu cầu phân xử trọng tài giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư.
Chương 11 cho phép nhà đầu tư yêu cầu thiết lập một hội đồng trọng tài căn cứ theo những quy tắc của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Ngân hàng thế giới (viết tắt là ‘ICSID’) và ‘Những nguyên tắc tạo thuận lợi hơn’ (‘Additional Facility’) của ICSID, hoặc căn cứ theo những quy tắc của Uỷ ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (‘UNCITRAL’).
Căn cứ theo những quy tắc này, hội đồng trọng tài phán quyết vụ việc bao gồm một hội đồng ba luật sư được trao quyền quyết định - liệu chính phủ có bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài hay không?
Căn cứ theo Điều 1122 của NAFTA, ba chính phủ của NAFTA đều đồng ý phương thức trọng tài. Sự đồng ý này đảm bảo rằng chính phủ nước tiếp nhận đầu tư không thể chống lại cố gắng phân xử trọng tài bằng việc giữ nguyên ý kiến của riêng mình. Điều 1136 của NAFTA quy định rằng ‘Mỗi bên quy định việc thực thi phán quyết trọng tài trên lãnh thổ của mình’.
Cả Điều 1122 và Điều 1136 đều dẫn chiếu tới Công ước Niu Y-oóc về thi hành phán quyết trọng tài và Công ước liên Mỹ về trọng tài thương mại quốc tế, theo đó đảm bảo rằng thủ tục công nhận và thi hành một phán quyết trọng tài quốc tế tại toà án quốc gia của thành viên NAFTA, được thiết lập theo những công ước này, có thể được thực hiện.
Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có những quyền tương tự, theo đó yêu cầu phân xử trọng tài giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư có tính bắt buộc, căn cứ vào những điều khoản trong những hiệp định đầu tư ASEAN và hơn 40 BITs mà Chính phủ Việt Nam đã kí kết.
Mặc dù những quy định về giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư của NAFTA tương tự như những quy định cơ bản của BITs và các FTAs khác, nhưng chúng vẫn là đối tượng được bình luận sâu rộng theo cách hàn lâm. Lí do một phần của điều này là: những quy tắc của NAFTA và quy phạm của các bên đã làm cho thủ tục kiện tụng quy định tại Chương 11 của NAFTA rất minh bạch. Theo Phụ lục 1137.4, phán quyết trọng tài cuối cùng có thể được chính phủ hoặc nhà đầu tư đang có tranh chấp công bố.
Để hiểu biết hơn về phương thức trọng tài giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư theo Chương 11 của NAFTA, chúng ta có thể xem hai án lệ, Metalclad v. Mexico, và Thunderbird v. Mexico.
Trong vụ Metalclad v. Mexico, một doanh nghiệp của Hoa Kỳ đầu tư vào Mê-hi-cô để xây dựng công trình chôn lấp chất thải độc hại. Trước khi thực hiện đầu tư, nhà đầu tư nhận được những đảm bảo từ Chính phủ liên bang Mê-hi-cô rằng sẽ được cấp tất cả những giấy phép cần thiết cho đầu tư. Nhà đầu tư nhận được các giấy phép cấp liên bang nhưng không nhận được giấy phép xây dựng của thành phố. Metalclad yêu cầu cấp giấy phép xây dựng của thành phố, nhưng Hội đồng thành phố đã từ chối cấp phép sau khi họ nhận được yêu cầu 13 tháng, trong một cuộc họp Hội đồng thành phố mà Metalclad không được mời tham dự.
Ngay sau khi công trình được hoàn thành, chính quyền thành phố ngăn cản công trình hoạt động và Thống đốc bang tuyên bố khu vực xung quanh công trình là khu vực bảo tồn sinh thái, nhằm bảo vệ loài xương rồng hiếm, do đó cấm vĩnh viễn công trình xử lí chất thải hoạt động trong khu vực.
Năm 2000, một toà án của NAFTA đã xác định rằng hành động của chính quyền địa phương được coi là hành động trưng thu không bồi thường thiệt hại, do đó vi phạm Điều 110 của NAFTA. Toà án cũng xác định rằng Chính phủ Mê-hi-cô đã không đối xử công bằng và thoả đáng theo quy định của luật pháp quốc tế theo đòi hỏi của Điều 1105 NAFTA. Toà án đã phán quyết Metalclad được bồi thường 16.685.000 USD. Chính phủ Mê-hi-cô đã đồng ý trả 15,6 triệu USD vào năm 2001.
Trong vụ Thunderbird v. Mexico, một nhà đầu tư Ca-na-đa xin cấp giấy phép kinh doanh trò chơi sử dụng máy chơi game điện tử. Luật sư của Thunderbird đã viết cho cơ quan quản lí đánh bạc của Mê-hi-cô yêu cầu cơ quan này trả lời bằng văn bản có giá trị pháp lí, xác nhận rằng việc Thunderbird cung ứng các dịch vụ chơi game bằng loại máy này cho khách hàng là hợp pháp. Cơ quan quản lí của Mê-hi-cô đã ban hành văn bản pháp lí trên Công báo, tuyên bố rằng nếu loại máy đó được sử dụng để chơi những trò chơi may rủi thì sẽ không được coi là hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu loại máy đó chỉ dùng để chơi những trò chơi rèn luyện kĩ năng thì được hoạt động hợp pháp. Kết quả là Chính phủ Mê-hi-cô xác định loại máy này liên quan đến trò chơi may rủi, do đó là bất hợp pháp theo pháp luật về đánh bạc của Mê-hi-cô. Thunderbird đã nộp đơn yêu cầu phân xử trọng tài và cho rằng Mê-hi-cô đã vi phạm nghĩa vụ NT được quy định tại Chương 11 và đã trưng thu khoản đầu tư của Thunderbird vào ngành dịch vụ máy chơi game.
Trong quá trình phân xử trọng tài, Mê-hi-cô đưa ra chứng cứ chứng minh rằng loại máy do Thunderbird sử dụng thực chất dựa vào may rủi, bởi vì loại máy đó có máy tính sử dụng hệ thống tạo ra những con số ngẫu nhiên để nhằm xác định kết quả của trò chơi. Hội đồng thấy rằng bằng cách không công bố rõ chức năng thực sự của máy, Thunderbird đã đưa ra những thông tin không đầy đủ và không chính xác về máy chơi game, trong khi họ lại yêu cầu Chính phủ Mê-hi-cô phải trả lời bằng văn bản có giá trị pháp lý.
Kết quả là Thunderbird đã không thể đòi hỏi rằng mình có ‘hi vọng chính đáng’, khi mà Công báo của Mê-hi-cô tuyên bố ngăn cản các trò chơi bị coi là bất hợp pháp. Thunderbird không được nhận tiền bồi thường do bị trưng thu tài sản, bởi vì: ‘...[S]ẽ không phải trả tiền bồi thường cho những hành vi chiếm đoạt theo đúng pháp luật, khi mà nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư chưa bao giờ được hưởng quyền trong hoạt động kinh doanh mà sau này bị cấm’.
Hội đồng xác định rằng việc Mê-hi-cô cấm sử dụng loại máy của Thunderbird, bởi chúng được coi là những máy đánh bạc bất hợp pháp, là việc sử dụng hợp pháp quyền kiểm soát trật tự công cộng và không vi phạm nghĩa vụ của Mê-hi-cô trong NAFTA.
Giải quyết tranh chấp liên quan đến các biện pháp khắc phục thương mại theo Chương 19
Chương 19 quy định thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến việc xem xét lại những phán quyết về các biện pháp khắc phục thương mại của các bên NAFTA. Thủ tục này là giải pháp thay thế cho thủ tục xem xét lại những phán quyết về các biện pháp khắc phục thương mại của toà án trong nước. Đối với Hoa Kỳ, hệ thống giải quyết tranh chấp liên quan đến các biện pháp khắc phục thương mại tại Chương 19 là hệ thống giải quyết tranh chấp duy nhất trong lĩnh vực này. Bởi vì Hoa Kỳ đã không chấp nhận đưa vấn đề khắc phục thương mại ra giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp của bất kì FTA nào, trừ NAFTA. Tuy nhiên, những phán quyết về các biện pháp khắc phục thương mại của Hoa Kỳ và tất cả các thành viên WTO khác đều là đối tượng của thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO.
Giải quyết tranh chấp giữa quốc gia với quốc gia tại Chương 20
Chương 20 của NAFTA quy định thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các chính phủ thành viên của NAFTA trong việc giải thích và áp dụng NAFTA. Những thủ tục giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 20 tương tự như hệ thống giải quyết tranh chấp của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB). Các bên của NAFTA cố gắng đạt được một quyết định trọng tài theo đó xác định xem liệu những hành động của một bên NAFTA có phù hợp với NAFTA hay không, hoặc có làm vô hiệu hoá hoặc làm suy giảm những lợi ích của Hiệp định hay không (những quy định về vô hiệu hoá hoặc làm suy giảm lợi ích của Hiệp định được quy định tại Phụ lục 2004 của NAFTA).
Những nghĩa vụ pháp lí quy định trong NAFTA là nghĩa vụ ‘WTO+’, bởi vì chúng bao gồm những cam kết về tự do hoá bổ sung cho những cam kết mà các bên NAFTA đã cam kết trong WTO. Có thể cho rằng, Chương 20 của NAFTA quy định về một cơ quan tài phán năng động cho phân xử trọng tài, để giải quyết tranh chấp giữa chính phủ với chính phủ, bởi vì Chương 20 quy định về một cơ quan tài phán duy nhất để thực thi những nghĩa vụ ‘WTO+’ này. Trên thực tế, WTO là cơ quan tài phán năng động hơn nhiều trong việc giải quyết tranh chấp giữa ba nước thành viên NAFTA.
Từ khi NAFTA có hiệu lực vào năm 1994, mới chỉ có ba vụ tranh chấp được giải quyết theo thủ tục trọng tài theo Điều 20. Đó là vụ tranh chấp năm 1995 về việc Ca-na-đa áp thuế quan đối với một số nông sản của Hoa Kỳ; vụ tranh chấp năm 1997 liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế quan tự vệ đối với cây đậu chổi; và vụ tranh chấp năm 1998 liên quan đến việc Hoa Kỳ không thực hiện nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ xe tải xuyên biên giới. Ngược lại, từ năm 1995, ba nước NAFTA đã 35 lần trình lên WTO yêu cầu tham vấn giải quyết tranh chấp giữa các nước này với nhau. Con số này cho thấy DSB là cơ quan tài phán ưa thích để giải quyết tranh chấp giữa các bên của NAFTA khi có sự lựa chọn cơ quan tài phán giữa WTO và NAFTA.
Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tư vấn hợp đồng (Luật sư hợp đồng) của Công ty Luật TNHH Everest.
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/hiep-uoc-tu-do-thuong-mai-bac-mi-bao-gom-cac-nuoc-a56809.html