Tinh dầu tràm trà giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng trong đó có nhiễm trùng do Escherichia coli, Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu vàng). Đặc tính kháng khuẩn có được là do tinh dầu tràm trà có khả năng phá hủy thành tế bào vi khuẩn gây ức chế và diệt khuẩn.
Một thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Westmead ở Sydney kéo dài 18 tháng trên 180 bệnh nhân nhiễm trùng tụ cầu vàng. Có 96 bệnh nhân đã hoàn thành thử nghiệm và 21% trong số đó sử dụng các sản phẩm chứa dầu tràm đã không còn nhiễm bệnh.[1]
Hoạt chất Terpinen-4-ol với nồng độ cao trong tinh dầu tràm trà có đặc tính chống viêm hiệu quả. Thử nghiệm trên động vật cho thấy Terpinen-4-ol có thể làm giảm tình trạng viêm trong các trường hợp nhiễm trùng ở miệng.[2]
Ở người, bôi tinh dầu tràm trà tại chỗ giúp giảm sưng tấy do viêm da.
Phần lớn các nghiên cứu trước đây thường chỉ tập trung vào tác dụng của tinh dầu tràm trà trong điều trị nấm Candida albicans - một loại nấm gây các bệnh về da, bộ phận sinh dục, cổ họng và miệng.
Tinh dầu tràm trà ức chế Candida albicans bằng cách thay đổi tính thấm màng tế bào của vi khuẩn này.
Trong nghiên cứu sau này, tinh dầu tràm trà còn được chứng minh có khả năng tiêu diệt các loại nấm men, nấm da và nấm sợi.[3]
Nghiên cứu khác cho thấy rằng Terpinen-4-ol giúp tăng cường tác dụng của fluconazole - 1 loại thuốc kháng nấm, trong các trường hợp chủng Candida albicans kháng thuốc.[4]
Năm 2001, thử nghiệm đánh giá tác dụng kháng vi rút của tinh dầu tràm trà cho thấy, tinh dầu này có khả năng chống lại và vô hiệu hóa vi rút herpes (HSV - một loại virus gây viêm loét, mụn rộp).[5]
Chiết xuất từ tinh dầu tràm trà đã được chứng minh là có thể làm giảm mức độ tổn thương và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
Nghiên cứu lâm sàng trên 60 bệnh nhân bị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình, được chia thành 2 nhóm:
Kết quả thu được, điều trị bằng tinh dầu tràm trà giúp giảm hẳn số mụn và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá so với giả dược.[6]
Tinh dầu tràm trà chứa Terpinen-4-ol có tác dụng sát khuẩn, kháng khuẩn nên được dùng để chữa nấm tay chân hiệu quả.
Theo nghiên cứu, kem dầu tràm trà 10% dường như làm giảm các triệu chứng nấm da ở chân hiệu quả như tolnaftate 1% nhưng không hiệu quả hơn giả dược trong việc chữa bệnh nấm da. Đây có thể là cơ sở cho việc sử dụng phổ biến dầu cây trà trong điều trị nấm da đầu.[7]
Một nghiên cứu khác đã so sánh tinh dầu tràm trà với nồng độ cao hơn trong điều trị nấm chân của vận động viên so với giả dược.
Kết quả cho thấy có 68% người bệnh sử dụng tinh dầu tràm trà 50% có cải thiện rõ rệt về các triệu chứng. Trong đó có tới 64% người hoàn toàn khỏi bệnh, cao gấp đôi so với nhóm sử dụng giả dược.[8]
Viêm da tiếp xúc là một dạng của bệnh chàm do tiếp xúc với chất kích ứng hoặc chất gây dị ứng.
Nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh hiệu quả điều trị của tinh dầu tràm trà so với một số chế phẩm điều trị viêm da như oxit kẽm và clobetasone butyrate.
Kết quả cho thấy rằng dầu cây tràm trà có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn viêm da tiếp xúc dị ứng so với oxit kẽm và clobetasone butyrate. Tuy nhiên, tinh dầu tràm trà không có tác dụng đối với viêm da tiếp xúc kích ứng và mày đay.[9]
Nguyên nhân gây gàu trên da đầu là do nấm men Pityrosporum ovale. Dịch chiết tràm trà 5% được đánh giá là có tác dụng điều trị gàu từ nhẹ đến trung bình.
Những người bị gàu đã được sử dụng dầu gội 5% tinh dầu tràm trà trong 4 tuần đã cho thấy những cải thiện đáng kể về mức độ nghiêm trọng cũng như mức độ ngứa và nhờn khi so sánh với giả dược.[10]
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy dầu gội tinh dầu tràm trà hiệu quả trong điều trị nắp nôi ở trẻ em.[11]
Tuy nhiên, một số trẻ có thể bị dị ứng với tinh dầu tràm trà. Để kiểm tra hãy thoa một ít dầu gội lên cẳng tay của trẻ sơ sinh và rửa sạch. Nếu không có phản ứng xảy ra trong 24 đến 48 giờ thì có thể yên tâm sử dụng.
Chấy là loại côn trùng ký sinh trên tóc và da đầu. Chấy đang có xu hướng kháng thuốc hơn, vì vậy, các chuyên gia y tế đang ngày càng đánh giá cao các loại tinh dầu là lựa chọn thay thế.
Nghiên cứu đã so sánh tinh dầu tràm trà và nerolidol - một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong một số loại tinh dầu - trong việc điều trị chấy. Dầu tràm trà có hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt chấy rận, diệt trừ 100% sau 30 phút. Mặt khác, nerolidol có hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt trứng.
Sự kết hợp của cả hai chất, theo tỷ lệ 1:2, có tác dụng tốt nhất để tiêu diệt cả chấy và trứng.[12]
Nhiễm nấm là nguyên nhân phổ biến gây ra những bất thường ở móng. Chúng khiến móng chân, móng tay bị bong tróc, biến dạng.
Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện năm 1999 để đánh giá tác dụng của một loại kem kết hợp tinh dầu tràm trà 5% và butenafine hydrochloride 2% trong điều trị nấm móng so với giả dược.
Kết quả thu được: Sau 16 tuần, 80% bệnh nhân dùng kem bôi đã được chữa khỏi, trong khi đó, ở nhóm giả dược, không có ai được chữa khỏi.[13]
Gel có chứa tinh dầu tràm trà có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nướu mãn tính.
Những người tham gia nghiên cứu được hướng dẫn sử dụng ngẫu nhiên một trong ba nhóm: tinh dầu tràm trà, chlorhexidine và giả dược. Kết quả thu được, tinh dầu tràm trà giúp giảm đáng kể mảng bám và viêm lợi sau 3 tháng sử dụng.[14]
Xem thêm: Những lợi ích sức khỏe của lạc tiên
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/la-tram-tra-a56988.html