Khoa Vật lý

Giới thiệu chung

Khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (tiền thân là trường Đại học Tổng hợp Hà nội), được thành lập từ năm 1956 có nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực Vật lý và các ngành Khoa học, Công nghệ có liên quan. Với bề dày lịch sử hơn 67 năm, nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh được đào tạo ở Khoa Vật lý hiện nay đã trưởng thành và giữ những trọng trách trong công tác quản lý nhà nước, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Triết lý giáo dục

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xác định triết lý giáo dục thông qua các giá trị cốt lõi “chất lượng xuất sắc, đột phá, sáng tạo, trách nhiệm xã hội, hợp tác và thân thiện”. Tại Khoa Vật lý, chương trình đào tạo đại học giáo dục sinh viên theo triết lý: “học tập chủ động, học đi đôi với hành”.

Học tập chủ động có nghĩa rằng sinh viên chủ động lựa chọn chuyên ngành dựa trên nhu cầu, khả năng cá nhân và sở thích của họ. Dưới sự hỗ trợ liên tục của Khoa Vật lý, sinh viên chủ động thiết kế lịch học riêng của mình, chọn môn học, lĩnh vực nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, người hướng dẫn và tự học. Khoa Vật lý xác định rằng cách tốt nhất để cải thiện chất lượng học tập là dạy cho sinh viên cách học, cung cấp cho sinh viên sự tự do học tập, kỹ năng nghiên cứu, làm việc nhóm và sự tự tin để thúc đẩy việc học suốt đời.

Triết lý học đi đôi với hành được áp dụng hiệu quả cho giảng dạy sinh viên và học tập chủ động. Khoa Vật lý tập trung tăng cường kỹ năng thực nghiệm cho sinh viên thông qua việc tăng số lượng môn học thực nghiệm và giờ tín chỉ của mỗi khóa học để thực hành thực tế. Việc thực hành môn học, dự án nhóm, nghiên cứu, thực tập và chương trình trao đổi, cùng với khóa luận đại học giúp sinh viên khám phá tiềm năng, sự độc lập và sáng tạo của riêng họ để trở thành thành viên sản xuất có hiệu quả trong xã hội, phát triển khả năng học tập suốt đời.

Các đơn vị thành viên

Khoa Vật lý có 13 đơn vị trực thuộc (9 Bộ môn, 1 Trung tâm và 2 Phòng thí nghiệm cấp khoa, 1 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN) thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các chuyên ngành Vật lý: Bộ môn Vật lí Đại cương; Bộ môn Vật lí Lý thuyết; Bộ môn Vật lí Chất rắn; Bộ môn Quang Lượng tử; Bộ môn Vật lí Hạt nhân; Bộ môn Vật lí Vô tuyến; Bộ môn Vật lí Nhiệt độ thấp; Bộ môn Vật lí Địa cầu; Bộ môn Tin học Vật lí; Trung tâm Khoa học Vật liệu; Phòng thí nghiệm Tính toán trong Khoa học Vật liệu; Phòng thí nghiệm Vật lí năng lượng cao và Vũ trụ học; Phòng thí nghiệm Tính toán Đa cấp cho các hệ phức hợp.

Đội ngũ giảng viên

Khoa Vật lý hiện có một đội ngũ giảng viên cơ hữu mạnh, đồng đều về độ tuổi từ các Giáo sư đầu ngành cho đến các Tiến sĩ trẻ mới tốt nghiệp từ các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Hiện nay Khoa có 72 cán bộ đang công tác, trong số đó có 47 giảng viên, 41 thầy cô có học vị Tiến sĩ (chiếm 72,4% tổng số giảng viên), 3 thầy là Giáo sư, 17 thầy cô là Phó Giáo sư. Trong số 41 thầy cô có học vị Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học, 23 thầy cô nhận học vị này từ các trường Đại học hàng đầu thế giới ở Liên bang Nga, Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Các giảng viên, nghiên cứu viên trong Khoa thực hiện các nghiên cứu trải đều trong hầu hết các lĩnh vực của Vật lý từ cơ bản đến ứng dụng, từ Vật lý các môi trường đậm đặc cho đến Vật lý năng lượng cao bằng cả 3 phương pháp nghiên cứu trong Vật lý hiện đại: Lý thuyết, Thực nghiệm và Mô phỏng.

Cơ sở vật chất

Với mục tiêu đào tạo chuyên môn là cung cấp cho sinh viên Đại học và Sau đại học các kiến thức nền tảng và nâng cao về Vật lý, trợ giúp sinh viên phát triển các kỹ năng thực nghiệm và tư duy khoa học, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đóng một vai trò rất quan trọng. Ngoài hệ thống thư viên chung của trường, Khoa có một thư viên riêng bao gồm một số lượng lớn sách từ các giáo trình Vật lý Đại cương cho đến các sách chuyên khảo về các chủ đề nghiên cứu trong Vật lý hiện đại và các tạp chí khoa học chuyên ngành. Khoa cung cấp cho sinh viên một hệ thống các phòng thí nghiệm Vật lý đại cương, các phòng thí nghiệm Vật lý chứng minh, Vật lý hiện đại và chuyên ngành như phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân, phòng thí nghiệm Điện tử. Khoa cũng có các phòng thực hành máy tính phục vụ giảng dạy các môn cơ sở như các Ngôn ngữ lập trình cho đến các môn nâng cao về Vật lý tính toán như Mô phỏng Vật lý trên máy tính, Tính toán song song, hiệu năng cao trên CPU và GPU. Hệ thống giảng đường, phòng học chuẩn được trang bị các thiết bị phục vụ giảng dạy hiện đại, tất cả nằm trong một khuôn viên khang trang, thân thiện.

Song hành với nhiệm vụ giảng dạy Vật lý ở tất cả các trình độ đào tạo là nhiệm vụ nghiên cứu Khoa học nhằm thúc đẩy hiểu biết của nhân loại trong lĩnh vực Vật lý học và ứng dụng kiến thức Vật lý học cơ bản vào Công nghệ và Công nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Khoa được đầu tư một hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu Vật lý chuyên sâu. Trong số các thiết bị này đặc biệt phải kể đến Máy gia tốc tĩnh điện Pelletron 5SDH-2 đặt tại Bộ môn Vật lý Hạt nhân và Kính hiển vi điện tử quét đặt tại Trung tâm Khoa học Vật liệu.

  • Máy gia tốc Tandem Pelletron 5SDH-2
  • Cán bộ Khoa Vật lý làm việc trên kính hiển vi điện tử quét (Scanning Electron Microscope -SEM, Model NANOSEM450, Hà Lan)

Đào tạo Đại học

Mục tiêu đào tạo chuyên môn của Khoa là cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về Vật lý nói riêng, Toán học-Khoa học tự nhiên nói chung. Trong suốt quá trình đào tạo, các thầy cô cũng rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng nghiên cứu, tư duy Khoa học để các em có thể áp dụng những kiến thức đã học vào công việc sau khi tốt nghiệp trong các lĩnh vực như Khoa học, Công nghệ, Công nghiệp và các lĩnh vực khác của xã hội. Hiện tại Khoa Vật lý đào tạo 4 ngành ở trình độ Đại học (Vật lý học, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Hạt nhân, Sư phạm Vật lý) với 07 chương trình đào tạo. Tổng số sinh viên Đại học đang theo học các chương trình đào tạo tại Khoa Vật lý là 784.

Ngành Vật lý học là ngành đào tạo chủ đạo của Khoa với 3 chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo chuẩn, chương trình đào tạo cử nhân Vật lý đạt trình độ Quốc tế và chương trình đào tạo cử nhân tài năng Vật lý. Sinh viên trúng tuyển vào ngành Vật lý học sẽ được đào tạo theo chương trình đào tạo chuẩn. Sinh viên có nguyện vọng sẽ được tham gia thi tuyển vòng 2 tại trường để được tuyển chọn vào 2 chương trình đào tạo chiến lược: cử nhân tài năng Vật lý và cử nhân Vật lý đạt trình độ Quốc tế. Ngành Công nghệ Hạt nhân là ngành đào tạo truyền thống về Vật lý Hạt nhân của Khoa Vật lý. Hiện tại ngoài hệ đào tạo chuẩn ngành Công nghệ Hạt nhân, từ năm 2012 Khoa Vật lý được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thêm nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân Công nghệ Hạt nhân định hướng ứng dụng bức xạ. Ngành Khoa học Vật liệu là ngành đào tạo thế mạnh của Khoa với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên hàng đầu toàn quốc. Ngành Sư phạm Vật lý được đào tạo theo hình thức 3+1, 3 năm đào tạo cơ bản về Vật lý tại Khoa, 1 năm đào tạo nghiệp vụ Sư phạm tại trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và thực hiện khóa luận tốt nghiệp tại một trong hai cơ sở.

Đào tạo Sau Đại học

Khoa Vật lý đào tạo sau đại học trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ ở 7 chuyên ngành của Vật lý: Vật lý Lý thuyết, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Vô tuyến - điện tử, Vật lý Chất rắn, Vật lý Địa cầu, Vật lý Nhiệt độ thấp, Quang học. Tổng số học viên Cao học hiện tại của Khoa là 171, tổng số nghiên cứu sinh là 59.

Trong số 7 chuyên ngành sau đại học đang được đào tạo tại Khoa, 2 chuyên ngành mạnh của Khoa (Vật lý lý thuyết, Vật lý Chất rắn) đã đăng ký thực hiện đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ đạt trình độ Quốc tế tại Đại học Quốc Gia Hà Nội. Khoa Vật lý cũng đang tham gia Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 911) ở 5 chuyên ngành:Vật lý Lý thuyết, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Chất rắn, Vật lý Nhiệt độ thấp, Quang học. Hàng năm đều có 3 đến 5 thí sinh thi tuyển vào chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Khoa theo Đề án 911 (đào tạo giảng viên cho chính Khoa Vật lý và các trường Đại học khác).

Khoa Vật lý cũng có truyền thống hợp tác đào sau đại học với các đối tác có uy tín ở trên thế giới. Chương trình Thạc sỹ Khoa học và Công nghệ nanô phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ tiến tiến Nhật bản (JAIST), với chương trình 1 năm học tại Việt nam và 1 năm học tại Nhật Bản. Các học viên Cao học xuất sắc tốt nghiệp chương trình đào tạo này được Khoa giới thiệu sang làm nghiên cứu sinh tại JAIST, Nhật Bản. Ngoài các đối tác Nhật Bản, Khoa cũng có chương trình Thạc sỹ Vật lý Hạt nhân phối hợp với Đại học Tổng hợp Bordeaux 1, Cộng hoà Pháp, đặt tại Khoa Vật lý.

Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế

Công tác nghiên cứu Khoa học trong Khoa được tổ chức theo các đơn vị và nhóm đơn vị trực thuộc Khoa. Các hướng nghiên cứu trải rộng trong hầu hết các lĩnh vực của Vật lý như: Vật lý Chất rắn và Khoa học Vật liệu, Lý thuyết trường và Hạt cơ bản, Vật lý chuyển pha, Vật lý laser, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Địa cầu… Ngoài 2 hướng nghiên cứu truyền thống của Vật lý là nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây việc sử dụng máy tính/ siêu máy tính nghiên cứu các quá trình Vật lý được chú trọng phát triển ở trong Khoa. Khoa cũng có nhiều nhóm nghiên cứu liên kết với các nhà Khoa học trong và ngoài nước.

Trong hai năm 2012, 2013, các cán bộ làm việc tại Khoa đã công bố tổng cộng 320 bài báo khoa học (có 164 bài đăng trong các tạp chí được liệt kê trong danh sách ISI). Trong hai năm 2013, 2014 các thầy cô đã và đang thực hiện 10 đề tài cấp nhà nước, 16 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 21 đề tài cơ sở cấp trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

  • Các thầy cô Khoa Vật lý dự hội thảo Khoa học
  • Sinh viên tốt nghiệp Khoa Vật lý chụp ảnh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khoa Vật lý có quan hệ đối tác với nhiều trường Đại học lớn trên thế giới. Hàng năm Khoa tiếp đón nhiều đợt Giáo sư các trường đối tác đến giảng dạy, tham dự hội thảo và nghiên cứu. Khoa đã cử nhiều đợt cán bộ, sinh viên đi hợp tác, trao đổi ngắn hạn (6 tháng - 1 năm) tại các trường đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…

Trong 3 năm liên tục trở lại đây, Khoa cùng với các Khoa Toán, Hóa, Sinh và khối Khoa học Trái đất đã kết hợp với trường Đại học Sogang tổ chức Symposium thường niên giữa 2 trường. Trong năm 2013, một số hội nghị được Khoa Vật lý tổ chức như:

- Hội nghị Vật lý Chất rắn và Khoa học Vật liệu toàn quốc lần thứ 8;

- Hội nghị toàn quốc lần thứ III Vật lý kỹ thuật ứng dụng;

- Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc lần thứ 10;

- Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 3 giữa đại học Sogang-ĐHKHTNHN;

- International Workshop on Advanced Materials and Nanotechnology 2013;

- Asia Computational Materials Design Workshop, ACMD 2013;

- Hội nghị Vật lý Lý thuyết toàn quốc;

- Hội nghị Quang học Quang phổ toàn quốc.

Khoa cũng thường xuyên kết hợp với các đơn vị đối tác tổ chức các lớp học chuyên đề về các hướng nghiên cứu mới trong Vật lý hiện đại với giảng viên là các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới như lớp học về Vật lý LHC từ năm 2009, 2 lớp học và hội thảo về “QCD trong môi trường LHC” và “Máy gia tốc hạt: hiện tại và tương lai” tháng 8 năm 2013,… Đặc biệt trong những năm gần đây, Khoa Vật lý đã kết hợp với trường Đại học Osaka tổ chức được 5 lớp học chuyên đề về “Thiết kế vật liệu bằng các phương pháp tính toán số” chủ yếu do các Giáo sư trường Đại học Osaka giảng dạy, giúp các học viên Cao học, Nghiên cứu sinh và cán bộ trẻ trong Khoa nâng cao trình độ, dần dần làm chủ một phương pháp nghiên cứu mới trong ngành Khoa học Vật liệu.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Khoa đã tốt nghiệp hoặc đang theo học Sau đại học tại các trường Đại học có uy tín như Minnesota, Brown, South Florida, Central of Florida, Illinois (Hoa Kì), Bristol (Anh), Greisfwald (Đức) , Bordeaux, Paris VI (Pháp), Queensland (Úc), Osaka, Tsukuba, JAIST (Nhật Bản), Postech, Seoul, Sungkyunkwan, Hanyang, Chungnam, Chungbuk (Hàn Quốc), Amsterdam (Hà Lan),…

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/vat-lu-a57162.html