Thời trang Việt Nam ngày ấy và bây giờ

(Cinet) - Khoảng 5 năm trở lại đây, thời trang Việt Nam nói chung đã có bước chuyển mình đáng ngạc nhiên cả trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế lẫn sự lựa chọn trang phục của người dân. Hãy cùng nhìn lại thời trang của Việt Nam ngày ấy và bây giờ

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh loạn lạc, Việt Nam nhiều năm về trước là một nước nghèo và lạc hậu nhiều so với thế giới. Bên cạnh đó, bởi truyền thống dân tộc và các phong tục tập quán, trang phục xưa của người Việt đơn giản và không đa dạng như bây giờ. Chỉ đơn thuần là quần lụa đen và áo nâu sòng, vào những dịp đặc biệt thì mặc áo dài đối với cả nam và nữ.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục đàn ông ở thành thị được Âu hóa khá nhanh. Ở nông thôn còn phải trải qua một quá trình lâu hơn mới có sự thay đổi căn bản. Ở miền Bắc, từ năm 1954, phát triển chiếc áo vải ka-ki đại cán, bốn túi, mặc ngoài (kiểu áo Tôn Trung Sơn - Trung Quốc - đã được Việt hóa).

Cũng thời gian này, ở nông thôn miền Nam, ngoài quần áo bà ba, nhiều người cũng đã mặc sơ mi. Còn trong các thành phố bị tạm chiếm, đặc biệt là Sài Gòn, đã được Âu hóa đậm nét. Trang phục của nhân dân bị pha tạp nhiều; hầu hết đàn ông đều mặc sơ mi, vét tông, quần Âu bằng nhiều loại vải, nhiều màu sắc và kiểu may. Đi giày tây, săng đan, xăm-pô dép nhựa các kiểu. Đội mũ nhựa trắng, mũ phớt, mũ lưỡi trai... bằng da hay vải. Mốt thời trang châu Âu tràn ngập vào miền Nam được thanh niên hưởng ứng nhanh chóng áo sơ mi chiết ly, các loại áo thun, áo phông trước ngực và sau lưng in hình người, phong cảnh hay những giòng chữ của các nước tư bản.

Bà Trần Lệ Xuân với kiểu áo dài do bà cải biên và hình ảnh chiếc áo dài trên báo quốc tế.

Từ năm 1975 đến nay, đa số đàn ông mọi lứa tuổi trong cả nước đều mặc quần Âu (thường gọi là quần Tây): Kiểu quần Âu này xuất xứ từ châu Âu, vào nước ta từ khi Pháp sang đô hộ.Do quan niệm là quần soóc có tính chất thể dục thể thao, nên tuy thời tiết nước ta nóng nực nhưng nam giới ít mặc soóc cho mát. Tư tưởng bảo thủ vẫn còn phổ biến: cho rằng mặc soóc ra đường không được đứng đắn.Về áo, nam giới thường mặc áo sơ mi may bó, ve cổ áo và măng sét to bản. Có người mặc áo phông, áo dệt kim ba lỗ v.v... phong phú về màu sắc, đa dạng về kiểu may. Có người mặc áo hoa, loại vải mỏng…Mùa đông cũng như những ngày lễ, ngày hội, đàn ông thành thị mặc com-lê các màu, gần đây ưa màu sáng như màu sữa, màu be, màu ghi nhạt...

Nhìn chung trang phục của đàn ông trong cả nước, nhất là ở thành thị, đã được may theo các kiểu trang phục châu Âu, xem ra cũng có phần gọn gàng, thuận tiện. Tuy vậy, với những đặc điểm khí hậu, thói quen thẩm mỹ, điều kiện kinh tế... ở từng vùng Việt Nam, các loại trang phục đàn ông cũng đã được cải tiến nhiều cho thích hợp. Điều thấy rõ là qua trang phục đàn ông, người ta không thấy còn sự cách biệt giữa các tầng lớp con người như trong xã hội cũ nữa.

Còn về phía nữ, trong những năm kháng chiến chống Pháp, trang phục của phụ nữ nông thôn có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu. Chị em mặc gọn gàng: áo cánh nâu, cổ tròn hay cổ quả tim, trong mặc áo lót không tay, quần đen bằng vải phin hay láng. Vấn khăn và chít khăn vuông mỏ quạ. Những người thoát ly làm cán bộ mặc áo kiểu sơ mi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, áo thường may bằng vải màu xanh hòa bình hay ka-ki màu xi-măng, màu be hồng. Búi tóc hoặc cặp tóc. Ở miền Trung và miền Nam, phụ nữ vẫn giữ được nền nếp ăn mặc truyền thống. Ở vùng Pháp tạm chiếm cũng không có gì thay đổi, đặc biệt lắm trong tầng lớp phụ nữ lao động, tiểu thương, và một số phụ nữ tiểu tư sản.

Kể từ năm 1954, chiếc áo dài Việt Nam đã được nhiều nữ sinh mặc đến trường với kiểu tà rộng, eo thắt, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp.

Năm 1960, nhất là khi hàng ni lông tràn ngập miền Nam, thịnh hành nhất là kiểu áo dài mỏng được mặc ra ngoài một loại áo lót, cổ khoét rất sâu xuống, không tay, may liền với quần sa-tanh đen.

Ít năm sau, bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu tung ra một kiểu áo dài khoét cổ ngang - bị phản đối kịch liệt - nhưng rồi người ta lại khoét cổ tròn, cổ vuông, cổ nhọn... tay áo ngắn hơn, tà rộng, dài ra, nhưng thân áo bó sát, thắt eo.

Năm 1954 - 1959, phong trào mặc áo, váy đầm cũng song song phát triển. Thời gian đầu vẫn là các kiểu đơn giản như sơ-mi cổ tròn, cổ bẻ, rồi không có ve cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, hình tròn, kiểu cổ ngang, cổ vuông... Áo tay ngắn, tay phồng... may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa.

Váy, từ kiểu dài quá đầu gối, may phồng và hơi khum phần dưới (gọi là váy chuông) đến những năm 1960 lại may thẳng, xẻ chút ít ở giữa thân sau, hoặc may xếp li, hoặc may bó. Mặc với áo ngắn tay hoặc áo không tay, ngang lưng có dải vải thắt ngoài, bỏ giọt bên cạnh hay ở giữa. Hoặc mặc với áo thẳng, cổ viền, túi viền... một màu hay nối màu.

Sau năm 1968, chiếc váy mi-ni ra đời, ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng hợp thời trang. Loại áo khoét cổ có bớt đi, áo không tay và ngắn tay lại phát triển. Áo dài tay cài khuy "măng xét" cũng được sử dụng. Đặc biệt áo sơ mi may rất dài. Có loại thân trước xẻ làm ba vạt. Quần Âu ống loe 30cm - 40cm xuất hiện với nhiều loại thắt lưng da các màu, to bản. Người ta dùng cả thắt lưng bằng kim khí. Và cho đến những năm về sau này, ống loe đã phát triển lên tới 50cm rồi 60cm, hai bên ống quần không nối, gấu quần không vén, không máy mà được đốt thành những hình sóng lượn.

Nhà Thiết kế Minh Hạnh và mẫu thiết kế của mình cách tân từ chiếc áo dài dân tộc

Kể từ những năm đó đến nay, thời trang Việt Nam ngày càng phát triển với tốc độ nhanh để hội nhập với làng thời trang thế giới. Bắt đầu từ việc xuất hiện nhiều tiệm may trong những năm 1954 đến trước những năm 1986. Rồi khi đất nước mở hội nhập với thế giới năm 1986, Việt Nam đã có những khóa đào tạo thiết kế chuyên nghiệp. Những nhà thiết kế thời kỳ đầu tiên của ngành thời trang Việt Nam là Minh Hạnh đã tạo ra những dấu ấn riêng và sự mở đầu đầy ấn tượng cho làng thời trang Việt sau này. Các thế hệ học trò tiếp nối của Minh Hạnh như Trương Thanh Hải, Phạm Anh Tuấn, Công Trí, Thuận Việt, Võ Việt Chung, Lê Quý Khánh….Trong đó có nhiều nhà thiết kế trẻ Việt Nam đã thành công và tạo dựng được tên tuổi với những nhãn hiệu thời trang của riêng mình. Đặc biệt, nhà thiết kế trẻ Công Trí là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên được tham gia vào Tuần lễ thời trang London năm 2013. Đây không chỉ là vinh dự đặc biệt đối với Công Trí mà còn là niềm tự hào của thời trang Việt Nam nói chung.

Nhà Thiết kế Công Trí là nhà thiết kế đầu tiên của Việt nam được tham gia Tuần lễ thời trang London

Mặc dù Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử song ngành thời trang Việt Nam lại chỉ mới bắt đầu hơn chục năm nay. Khái niệm về nhà thiết kế, nhà tạo mốt, stylist (người tạo dựng hình ảnh, thời trang)..đều là những khái niệm mới mẻ với người Việt Nam. Vậy nhưng trong hơn chục năm qua, ngành thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc và tạo được ấn tượng đối với thế giới. Phong cách ăn mặc của người Việt cũng ngày càng hiện đại bắt kịp với xu thế thời trang thế giới nhưng lại biết điều tiết để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Chính những điều này càng làm cho thời trang Việt Nam có nét riêng biệt và có nhiều cơ hội phát triển.

Lan Hương

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/trang-phuc-viet-nam-thoi-hien-dai-a60705.html