Ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 20-11-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 20-11

Sự kiện trong nước

Tháng 8-1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Trong ngày 20-11-1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Ngày 26-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh tư liệu

Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20-11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4-1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ đó đến nay, đây là Ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

- Ngày 20-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng, lập Ủy ban canh nông tại phủ, huyện, châu, xã; tuyên truyền thể lệ và quyền ứng cử, bầu cử; việc cung cấp gạo cho quân đội Trung Hoa và vấn đề Tổng hội viên chức đề nghị vay 500.000 đồng để mua gạo tiếp tế cho công chức. Người đề nghị ra một Sắc lệnh truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ nói trên.

- Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu đồng bào tỉnh Sơn La. Người hỏi thăm các đại biểu về đời sống, văn hóa của đồng bào Sơn La và khuyên họ cố gắng học hành cho trí óc mở mang, nâng cao đời sống.

Bác Hồ thăm công trường hàn khẩu đê vỡ Mai Lâm, Đông Anh (ngày 5-9-1957). Ảnh tư liệu.

- Ngày 20-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Ninh Bình, khen ngợi về thành tích hộ đê. Người mong đồng bào “tiếp tục và phát triển chí khí xung phong ấy trong phong trào Thi đua ái quốc để:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm”.

- Ngày 20-11-1953, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân Nhật chống Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 2472, cho biết: Mỹ tuy đã ký hòa ước với Nhật, nhưng trên thực tế Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Nhật trên tất cả các mặt: quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... làm cho dân Nhật căm ghét Mỹ và hăng hái chống Mỹ. Bài báo kết luận:

“Ở Á cũng như ở Âu

Đế quốc Mỹ đi đến đâu,

Cũng bị nhân dân oán ghét”.

- Ngày 20-11-1954, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đạo đức chính trị ở Mỹ, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 268. Bài báo kể về hành động lừa bịp của một đại biểu Quốc hội Mỹ mà nhờ nó vị đại biểu ấy đã trở thành một trong những người lãnh đạo Đảng Dân chủ Mỹ vào năm 1953.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

- Ngày 20-11-1961, bài các nước xã hội chủ nghĩa châu Á và các vấn đề của châu Á của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Báo Thời Mới (Liên Xô) đăng Báo Nhân Dân, số 2799. Sau khi nêu rõ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với những biến đổi sâu sắc của châu Á, tố cáo âm mưu của các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ đối với khu vực này, tác giả đề cập đến những vấn đề cơ bản cấp thiết của châu Á là tiếp tục kiên quyết chống đế quốc thực dân để giải phóng dân tộc, xây dựng nền kinh tế dân tộc, bảo vệ và hoàn thành độc lập, thủ tiêu các tàn tích phong kiến và giải quyết các vấn đề xã hội khác để đưa xã hội tiến lên.

Trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu Á đang nêu gương tốt và do đó đã trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa đế quốc. Trước tình hình đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu Á có nhiệm vụ một mặt kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ, để bảo vệ những thành quả cách mạng, một mặt hết lòng ủng hộ các dân tộc đang đấu tranh tự do giải phóng, giương cao 5 nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau.

Liên hệ với tình hình Việt Nam, tác giả tố cáo đế quốc Mỹ đang có những bước leo thang cực kỳ nghiêm trọng, nhưng nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và tin tưởng sắt đá rằng với sự ủng hộ của các nước anh em, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công.

- Ngày 20-11-1963, bài viết Chi bộ tốt của Người, ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân số 3523, nêu gương Chi bộ Ngân Hà (Nam Định) đã lãnh đạo tốt hợp tác xã, chấp hành tốt chính sách lương thực, và làm tốt các công tác khác như thủy lợi, văn hóa, củng cố và phát triển đảng, v.v.. Có kết quả đó, như bài báo đã phân tích, là do nội bộ đoàn kết chặt chẽ, nắm vững và luôn luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và địa phương, đảng viên đều gương mẫu xung phong trong mọi việc, thực hiện khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.

Phần hai của bài báo, dưới tiêu đề Chi bộ kém, tác giả phê bình đích danh ông Bí thư Đảng ủy xã Nam Lợi (Nam Định) đã tham ô, lãng phí, gây ảnh hưởng xấu cho các cán bộ đảng viên khác.

- Ngày 20-11-1973, Công ty 72 - Binh đoàn 15 được thành lập. Đây là thời kỳ các đơn vị quân đội xây dựng kinh tế trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Công ty 72 là một đơn vị kinh tế-quốc phòng đóng quân trên địa bàn chiến lược Gia Lai. Binh đoàn 15 nói chung và Công ty 72 nói riêng có chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, xây dựng dân cư-xã hội trên vành đai biên giới, chủ yếu là sản xuất nông-công nghiệp kết hợp với kinh doanh tổng hợp: xây dựng cơ bản, dịch vụ thương mại, mũi nhọn là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su, cà phê...

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 15 đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty 72 dịp kỷ niệm 40 năm thành lập công ty (20-11-2013). Ảnh: gialai.gov.vn

Trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, Công ty 72 đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế, gắn với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh…

Với những thành tích đạt được, Công ty 72 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng một Huân chương Lao động hạng Nhất, ba Huân chương Chiến công hạng Nhì, hai Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba…; cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và của UBND tỉnh Gia Lai.

- Ngày 20-11-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 153-HĐBT quy định các danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo Ưu tú để tặng những nhà giáo và những người quản lý giáo dục có cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.

- Ngày 20-11-1991, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ chính thức được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 30-4-1995 với 2 tổ máy phát loại 75 MW.

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Thác Mơ (năm 2010). Ảnh: tmhpp.com.vn

Nhà máy Thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Với nhiệm vụ sản xuất cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, sản lượng điện trung bình hằng năm Nhà máy Thủy điện Thác Mơ sản xuất trên 610 triệu kWh. Sau hơn 25 năm đi vào vận hành, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia trên 20 tỷ kWh điện. Với những thành tựu đạt được, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ đã khẳng định được thương hiệu, đặc biệt đóng góp lớn vào nền kinh tế của địa phương.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20-11-1910, ngày mất đại văn hào Nga Lev Tolstoy. Lev Tolstoy tên đầy đủ là Lev Nikolayevich Tolstoy. Ông sinh năm 1828 trong một gia đình đại quý tộc ở nước Nga. Niềm say mê văn học và âm nhạc được hun đúc từ thuở nhỏ khiến Lev Tolstoy nhanh chóng bước vào thế giới văn chương.

Đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910). Ảnh: phatgiao.org.vn

23 tuổi, ông đã có những tác phẩm đầu tay với bộ ba tự truyện: “Thời thơ ấu, Thời niên thiếu và Thời thanh niên”, được dư luận đánh giá cao. Những năm tháng tham gia chiến trường với những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của những người lính Nga, Tolstoy cất lên tiếng nói bênh vực quyền lợi cho những người nông dân bằng những tiểu thuyết như: “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anna Karenina”... Hai tác phẩm đỉnh cao này đã trở thành tài sản chung của cả nhân loại bởi giá trị nhân văn của nó.

- Ngày 20-11-1989, Đại Hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Công ước có 54 điều khoản bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống của trẻ và đặt ra các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi đều được hưởng.

HOÀNG TRƯỜNG (theo Hồ Chí Minh: Toàn tập; hochiminh.vn; bqllang.gov.vn; vnews.gov.vn; gialai.gov.vn; baobinhphuoc.com.vn)

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/ngay-nha-giao-viet-nam-a61009.html