Mỹ phẩm "nhiều không" công khai bày bán tại Công ty Ngọc Bảo và Công ty Đồng Phú

(CHG) Không ghi thành phần hoặc thành phần định lượng, không thông tin cảnh báo, không hướng dẫn sử dụng, không thông tin về thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm, không ghi xuất xứ hàng hóa... đối với hàng hóa là mỹ phẩm, Công ty Ngọc Bảo và Công ty Đồng Phú có đang kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang Sau khi Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) có loạt bài phản biện liên quan đến hàng loạt đơn vị kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm như: Long Beach Center; Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đảo; siêu thị K+ Mark; siêu thị Bùi Mart; siêu thị Hải Sơn; siêu thị Dugong mart; Trung tâm kinh doanh đồ lưu niệm Việt Phú; Ngọc Hiền Pearl Farm... Bên cạnh đó, Tạp chí CHG đã chuyển các thông tin trên tới lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Kiên Giang) và UBND thành phố Phú Quốc.

Trụ sở Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang).

Liên quan đến những thông tin Tạp chí CHG đã nêu, ngày 09/09/2024, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 8477/VP-KT về việc thẩm tra, xác minh thông tin mà tạp chí CHG đã nêu. Trong đó, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có ý kiến chỉ đạo: “Giao Sở Công thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG) chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông , Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND thành phố Phú Quốc và các đơn vị có liên quan thẩm tra, xác minh, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/9/2024”. “Đặc thù của Phú Quốc là thành phố Du Lịch, là một điểm đến du lịch quan trọng, sự phát triển của ngành du lịch ở đây có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của tỉnh Kiên Giang. Những vấn đề mà Tạp chí CHG đã nêu về tình trạng hàng tiêu dùng, đồ lưu niệm (dành cho khách du lịch trong và ngoài nước): hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hàng kém chất lượng; hàng nhập lậu; hàng gian lận thương mại... sẽ âm ỉ như đốm lửa, có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào, khi đó sẽ thật khó lường”, ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả nêu quan điểm.

Kinh hoàng mỹ phẩm "nhiều không" Thời gian qua, sau khi thăm quan mua sắm đồ lưu niệm tại Công ty TNHH Hàng gia dụng Đồng Phú Việt Nam (Công ty Đồng Phú- ấp Gành Gió, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc) và Công ty TNHH Phú Quốc Ngọc Bảo (Công ty Ngọc Bảo- địa chỉ ngã 3, Suối Mây, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc), khách du lịch “tố” tại đây kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm làm từ ngọc trai có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Điều đó khiến du khách hoang mang, lo lắng về tính an toàn của sản phẩm trong quá trình sử dụng sản phẩm. Người tiêu dùng đã thông tin tới Quỹ Chống hàng giả nội dung trên.

Sản phẩm Kem ngọc trai "nhiều không" công khai bày bán tại Công ty Đồng Phú và Công ty Ngọc Bảo.

Điều khiến phóng viên khó tránh khỏi băn khoăn, mặc dù tìm mỏi mắt trên vỏ hộp, nhãn in trên sản phẩm (kể cả trên mảnh giấy tách rời sản phẩm) cũng không thể hiện dòng chữ về số lô sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa... cũng như xuất xứ của sản phẩm. Trên nhãn sản phẩm chỉ thể hiện một số dòng chữ tiếng Việt: Kem ngọc trai (Pearl Cream), Công dụng của sản phẩm (Làm sạch và trắng da; Duy trì làn da mịn màng; Tăng độ đàn hồi; Giảm vết nhăn cho da; Ngăn ngừa lão hóa; Làm săn chắc cơ thể). Bên cạnh đó, phía mặt đáy của vỏ hộp có thể hiện một biểu tượng với một số dòng chữ vu vơ, khó hiểu: “PQNB”, “Địa chỉ: tổ 3, ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang, Việt Nam” và số điện thoại liên hệ, cùng dòng chữ có thể là ngày sản xuất của sản phẩm: “MFG: 11/04/2024” (suy đoán bởi phía bên dưới có dòng chữ: “HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất”). Chia sẻ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mỹ phẩm trên, nhân viên tại Công ty Ngọc Bảo và Công ty Đồng Phú đều cho biết: “Kem này là kem sử dụng cho da mặt, của công ty em sản xuất, bên em nuôi ngọc trai, những viên xấu sẽ tận dụng xay nhuyễn ra, sau đó kết hợp với các thành phần là nhân sâm và nha đam... Cái này là hàng tự nhiên nên dùng cho da mặt và dùng cho bà bầu”. Thậm chí nhân viên của Công ty Ngọc Bảo còn khẳng định: “Sản phẩm dùng được cho trẻ nhỏ từ 5 tuổi...”.

Phóng viên thông tin tới đại diện Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang) về sản phẩm Kem Ngọc Trai.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phóng viên Tạp chí CHG đã mang sản phẩm trên tới Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang), một đồng chí lãnh đạo đội cho biết: Tôi được đồng chí Đội trưởng giao cho tiếp nhận thông tin, chứ không được phát ngôn trả lời. Khi phóng viên nêu câu hỏi về cảm quan sản phẩm trên có đầy đủ thông tin về nhãn hay không, vị lãnh đạo này cho biết: “Cái này (sản phẩm) không có công ty, chỉ đề kem ngọc trai với công dụng, không có lô sản xuất...”. Theo quy định tại điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP: “Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa; Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”. “Tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải thể hiện các nội dung tiếng Việt: a) Tên hàng hóa; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; c) Xuất xứ hàng hóa. Việc không ghi thông tin cần thiết trên nhãn mỹ phẩm Kem ngọc trai (Pearl Cream) không chỉ mang lại cho người tiêu dùng thông thái một cảm giác hoang mang, lo lắng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, mà còn cho thấy Công ty Đồng Phú và Công ty Ngọc Bảo có đang “mờ mắt” vì lợi nhuận, bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng?

Kem chống nắng Ngọc trai của Công ty Ngọc Hiền không thể hiện số lô sản xuất Bên cạnh việc “tố” sản phẩm Kem ngọc trai bày bán tại hai đơn vị trên "nhiều không", khách du lịch cũng liên tục thông tin sản phẩm Kem chống nắng ngọc trai (trên nhãn hàng hóa có ghi: Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc- Công ty Ngọc Hiền, địa chỉ: tổ 1, ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bày bán tại Ngọc Hiền Pearl Farm không có số lô sản xuất, không ghi cụ thể về thành phần chứa trong sản phẩm. Thực tế, tại mục ghi thành phần của sản phẩm Kem chống nắng ngọc trai chỉ ghi vỏn vẹn dòng chữ: “Chiết xuất từ ngọc trai biển nguyên chất”. Như vậy, người tiêu dùng sẽ hiểu sản phẩm trên chứa 100% là ngọc trai, không có bất kỳ các thành phần nào khác (?)

Sản phẩm mỹ phẩm Kem Chống nắng ngọc trai bày bán tại Ngọc Hiền Pearl Farm không thể hiện số lô sản xuất, cũng như mập mờ về thông tin thành phần của sản phẩm.

Trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, việc đảm bảo tính minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi sản phẩm đó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sắc đẹp của người tiêu dùng. Một trong những yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa là sản phẩm phải ghi rõ số lô sản xuất. Vì vậy, sản phẩm Kem chống nắng ngọc trai của Công ty Ngọc Hiền thiếu thông tin về số lô sản xuất, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng. Thực tế, số lô sản xuất được coi như một mã định danh duy nhất cho mỗi lô hàng của sản phẩm, giúp xác định thời gian và địa điểm sản xuất. Việc ghi rõ số lô sản xuất trên nhãn mỹ phẩm có những ý nghĩa quan trọng, giúp nhà sản xuất, nhà phân phối và cơ quan chức năng có thể truy xuất nhanh chóng nguồn gốc của sản phẩm trong trường hợp có vấn đề liên quan đến chất lượng. Bên cạnh đó, số lô sản phẩm giúp cho việc quản lý hàng hóa trong trường hợp xảy ra sự cố như sản phẩm bị lỗi hoặc gây hại cho người tiêu dùng, số lô sản xuất là thông tin cần thiết để thu hồi nhanh chóng lô hàng liên quan, giảm thiểu rủi ro cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Đồng thời giúp bảo vệ người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng có thể nắm được thời điểm sản xuất, hạn sử dụng, và chất lượng của sản phẩm khi sử dụng. Việc không tuân thủ quy định về ghi nhãn có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp có thể bị xử phạt nghiêm từ phía cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thậm chí phải thu hồi hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm. Trong trường hợp sản phẩm gây ra phản ứng không mong muốn, việc không có số lô sản xuất khiến việc điều tra và xử lý trở nên khó khăn, từ đó làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc ghi số lô sản xuất trên mỹ phẩm không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là cách để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, cụ thể là theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP để tránh các vi phạm và đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh.

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/phu-quoc-ngoc-bao-a62451.html