Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ được xem là những ngành mang lại nhiều cơ hội việc làm và nguồn thu nhập hấp dẫn.
Ngoài hai ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh và tiếng Trung thì tiếng Pháp cũng rất được ưa chuộng, được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, công ty, tập đoàn và tổ chức. Hơn nữa, việc học tiếng Pháp không chỉ đơn thuần là mở rộng khả năng ngôn ngữ, nó còn giúp người học khám phá và hiểu biết sâu sắc về văn hóa Pháp..
Tuy nhiên, ngành Ngôn ngữ Pháp vẫn gặp phải một số thách thức trong quá trình tuyển sinh. Nhất là làm thế nào để thu hút học sinh lựa chọn và phụ huynh yên tâm cho con theo đuổi.
Chương trình đào tạo đa ngành nghề, bám sát thực tiễn
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Minh Thủy, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngành Ngôn ngữ Pháp không chỉ đào tạo tiếng Pháp thông thường mà còn cho phép sinh viên trải nghiệm đa dạng các lĩnh vực làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo Tiến sĩ Đàm Minh Thủy, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Pháp tập trung định hướng cho sinh viên học tập bám sát vào chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp bao gồm: biên - phiên dịch, du lịch, kinh tế và truyền thông.
Cũng theo Tiến sĩ Đàm Minh Thủy, khi theo học ngành Ngôn ngữ Pháp, sinh viên không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa Pháp mà nhà trường đào tạo với mục tiêu “học đi đôi với hành”.
Chính vì thế, các bạn sinh viên sẽ được học các môn kết hợp giữa ngôn ngữ và định hướng nghề nghiệp như: giao tiếp lễ tân ngoại giao, tiếng Pháp tài chính - ngân hàng, tiếng Pháp du lịch - khách sạn, tiếng Pháp hành chính - văn phòng...
Thậm chí, sinh viên còn có cơ hội làm quen với các môn học tích hợp kiến thức ở các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, khoa học và tôn giáo. Các mạch kiến thức này được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.
Tại Trường Đại học Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Tiếng Pháp cho biết, khi học hết năm thứ 2, sinh viên sẽ được lựa chọn định hướng dịch hoặc định hướng du lịch. Việc định hướng học tập này giúp sinh viên hình dung rõ hơn về các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cô Hòa khẳng định, sinh viên chọn học ngành Ngôn ngữ Pháp sẽ trở thành những người “đa di năng”, được trải nghiệm đa dạng các lĩnh vực và nền văn hóa khác nhau, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên có thể sử dụng thành thạo cả 2 ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh.
Để đạt chuẩn đầu ra, sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp cần có năng lực Tiếng Pháp đạt trình độ C1 theo khung năng lực 6 bậc về ngoại ngữ của Việt Nam, năng lực ngoại ngữ thứ hai đạt B1. Đồng thời, các bạn cần có sự hiểu biết nhất định về nền văn hóa, lịch sử hai nước Việt Nam và Pháp, nền tảng kiến thức về chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa, ngoài kiến thức chuyên ngành, các bạn sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Pháp nói chung cần trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng mềm, kiến thức văn hóa - xã hội trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, khả năng đổi mới sáng tạo, trí tuệ, cảm xúc, giao tiếp xã hội cũng rất cần thiết.
Khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giảng viên
Trong quá trình phát triển, ngành Ngôn ngữ Pháp còn phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để đào tạo, xây dựng được đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng Pháp chuyên nghiệp.
Tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Đàm Minh Thủy cho biết, từ năm học 2024-2025, nhà trường đã quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Pháp từ 100 lên 150 sinh viên vì nhận thấy ngành này rất tiềm năng.
Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh như vậy cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phải chú trọng nhiều hơn vào công tác đào tạo đội ngũ giảng viên phục vụ cho việc giảng dạy, nâng cao hiệu quả giáo dục. Đây là vấn đề rất cần thiết đối với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và các trường đại học khác nói chung.
Ngoài ra, cô Thủy cũng cho biết thêm, một khó khăn khác mà nhà trường gặp phải trong quá trình tuyển sinh là làm thế nào để có được niềm tin của học sinh, sinh viên và phụ huynh về tương lai của tiếng Pháp.
“Các tổ chức và cơ quan ngoại giao quốc tế như Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), các đại sứ quán cùng phái đoàn ngoại giao Pháp ngữ đã hỗ trợ khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp rất nhiều trong việc đào tạo cho sinh viên, tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, hỗ trợ tổ chức các sự kiện văn hoá.
Khó khăn chủ yếu của chúng tôi là niềm tin của học sinh, sinh viên và phụ huynh về tương lai của tiếng Pháp cùng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Mặc dù ngành Ngôn ngữ Pháp đã có từ rất lâu nhưng nhiều người vẫn rất hoài nghi và e ngại”, Tiến sĩ Đàm Minh Thủy thông tin.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa cho biết tại Trường Đại học Hà Nội, nhà trường không có chủ trương thu hút, tuyển dụng giảng viên nước ngoài vì khi làm việc trong cơ quan nhà nước quy trình tuyển dụng khá phức tạp, yêu cầu giảng viên nắm vững tiếng Việt.
Theo cô Hòa, vấn đề khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là làm cách nào có thể giữ chân được đội ngũ giảng viên ở lại trường làm việc lâu dài.
“Đội ngũ giảng viên của khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội có trình độ cao về năng lực tiếng Pháp, đều đã học thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài. Họ có bề dày kinh nghiệm giảng dạy nên có rất nhiều cơ hội việc làm ở các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục khác với mức lương cao. Vì vậy, điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với nhà trường”, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa cho hay.
Cơ hội việc làm rộng mở nhưng đầy thách thức
Theo Tiến sĩ Đàm Minh Thủy, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Ngôn ngữ Pháp khá đa dạng. Các bạn có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: biên dịch viên, phiên dịch viên; thư ký văn phòng; trợ lý đối ngoại; hướng dẫn viên du lịch; quản trị du lịch, lữ hành và khách sạn; biên tập viên, phóng viên; trợ lý đối ngoại, chuyên viên, cán bộ phụ trách truyền thông, quan hệ công chúng hoặc là giáo viên, giảng viên, nghiên cứu viên.
Bạn Lê Phương Thảo, cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang làm lễ tân tại một khách sạn ở Hà Nội cho biết, thời gian đầu khi mới “chân ướt chân ráo” ra trường, Thảo cũng khá chật vật trong việc tìm kiếm việc làm bởi những công việc sử dụng tiếng Pháp tại thị trường Hà Nội khá ít. Những đơn vị sử dụng tiếng Pháp đa số trong lĩnh vực du lịch, giảng dạy.
“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã được trải nghiệm vô số những hoạt động thú vị, bổ trợ đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Pháp; gặp được những người bạn, người thầy, người cô vô cùng tâm huyết giúp đỡ mình rất nhiều trong học tập.
Tuy vậy, với người trẻ như mình, khi ra khỏi mái trường đại học, vấn đề tìm việc làm thực sự rất khó mà công việc sử dụng tiếng Pháp còn khó hơn nên mình đã phải loay hoay một thời gian dài để tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân, đúng như chuyên ngành mình theo học”, Phương Thảo tâm sự.
Lý giải về vấn đề sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp ra trường phải chật vật đi tìm kiếm việc làm, Tiến sĩ Đàm Minh Thủy cho biết: “Mục đích của chương trình đào tạo đại học nói chung, ngành Ngôn ngữ Pháp nói riêng là bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, phương pháp làm việc, khả năng tự học và năng lực thích ứng của mỗi người trong các môi trường nghề nghiệp khác nhau cũng rất quan trọng.
Khó có thể so sánh với tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn, nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng của các cơ quan và doanh nghiệp có sử dụng tiếng Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao và giáo dục. Vì vậy, chỉ cần sinh viên có năng lực tiếng Pháp, tự tin và kỹ năng tốt thì cơ hội việc làm luôn chào đón các bạn”.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa cho rằng mặc dù Ngôn ngữ Pháp thường không phổ biến bằng ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung nhưng vai trò của trường đại học là cung cấp cân đối nguồn nhân lực cần cho sự phát triển của đất nước chứ không chỉ chạy theo xu hướng thị trường.
Theo kết quả khảo sát năm 2022 của Trường Đại học Hà Nội, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2021 có việc làm trên tổng số sinh viên tham gia khảo sát là 88%. Năm 2023, tỉ lệ này là 87,2%.
“Sau đại dịch Covid-19, sinh viên theo định hướng du lịch có cơ hội việc làm tốt hơn cả. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp của trường với sự hỗ trợ của khoa tiếng Pháp, đồng thời họ cũng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực này.
Việc làm đôi khi tùy thuộc vào thị trường, thị trường có thể biến đổi, người học hiện nay cần chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực, phát huy thế mạnh bản thân, không nên chỉ quan tâm đến yếu tố thị trường”, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Hòa chia sẻ.
Ngoài ra, ông Tạ Duy Báu, Tổng Giám đốc công ty Horizon Vietnam Travel khẳng định, nguồn nhân lực từ ngành Ngôn ngữ Pháp có thể dễ dàng đạt mức thu nhập trung bình từ 800 USD - 3000 USD/tháng (tương đương từ 20-75 triệu đồng/tháng).
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tuyển dụng ứng viên, ông Tạ Duy Báu cho biết: “Công ty chúng tôi nhận thấy sinh viên ngoại ngữ ít có cơ hội được thực hành ngoại ngữ mình học nên dẫn đến tình trạng hai kỹ năng nghe và nói rất kém, mặc dù kiến thức về ngữ pháp và từ vựng rất tốt. Ngoài ra, ở mỗi vị trí khác nhau, chúng tôi vẫn phải đào tạo thêm các kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết để phục vụ công việc.
Mỗi nhà tuyển dụng có những tiêu chuẩn đánh giá và yêu cầu tuyển dụng khác nhau. Riêng với Horizon Vietnam Travel, tiêu chí đánh giá đầu tiên là “lễ” sau mới là “văn”. Ngược với đa số các bên, Horizon Vietnam Travel ưu tiên tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và đào tạo từ đầu”.
Với kinh nghiệm làm việc thực tế, Lê Phương Thảo cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nên học thêm một ngoại ngữ mới để bổ trợ cho công việc. Ngoài tiếng Pháp, tiếng Anh cũng hỗ trợ Thảo rất nhiều trong công việc.
“Không thể phủ nhận rằng việc học thêm một hay nhiều thứ tiếng khác là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc học tiếng tại các cơ sở giáo dục là một chuyện nhưng sau khi ra trường, các bạn sinh viên có thể xin được việc làm không lại là một câu chuyện khác”, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/hoc-tieng-phap-co-tuong-lai-khong-a62452.html