(Xây dựng) - Ngày 30/8, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024. Liệu quy định mới này có giúp giải quyết được tình trạng lạc vào “ma trận” số nhà của người dân Thành phố Hà Nội?
Ngõ 196 Cầu Giấy “bỗng nhiên” xuất hiện trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy).“Nhà loạn số, phố loạn tên” là vấn nạn đã tồn tại bấy lâu nay tại Thành phố Hà Nội. Đó là tình trạng trùng số nhà, một nhà nhưng lại có nhiều số, số nhà không liền mạch, số chẵn lẻ lộn xộn hoặc một tên gọi được đặt cho nhiều phố…
Những trở ngại trên đã dẫn đến tình trạng khó định vị và mất phương hướng, đến sai địa chỉ hoặc không thể tìm được đúng địa chỉ trên địa bàn thành phố. Đến những người dân đã sinh sống tại Hà Nội lâu năm, hay những người thành thạo về đường xá như tài xế lái xe, người giao hàng… cũng nhiều khi phải chật vật để tìm đúng vị trí, còn du khách vãng lai thì chỉ biết “bó tay”.
Để giải quyết tình trạng này, ngày 30/8/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ này 15/10/2024. Sau gần 2 tuần Thông tư 08/2024/TT-BXD có hiệu lực, phóng viên đã thực hiện khảo sát tại những con đường loạn số, loạn tên “có tiếng”. Trên thực tế, những tuyến đường như: Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), Nguyễn Hy Quang, Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng)… vẫn chưa có sự thay đổi gì kể từ khi Thông tư 08/2024/TT-BXD được ban hành.
Không chỉ nhảy số khi bên cạnh số 91 lại là số 97, mà một ngôi nhà còn mang 2 số là 132 và 99 trên đường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).Bên cạnh thực trạng “nhà loạn số, phố loạn tên”, còn có một thực trạng đáng nói khác là người dân tự ý đánh biển số nhà không theo quy tắc với mục đích kinh doanh. Tại đường Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa) - một khu phố kinh doanh lâu năm, không khó để bắt gặp tình trạng người dân tự ý đánh biển số nhà bên cạnh biển được chính quyền gắn, hoặc gỡ biển số nhà để thi công, xây dựng mà không gắn lại…
Một ngôi nhà có tận 2 biển số tại đường Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa).Theo một chủ cửa hàng trên tuyến phố Nguyễn Hy Quang, mặc dù biết việc đánh số không theo thứ tự như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn cho khách hàng và người giao hàng khi tìm đến địa chỉ, nhưng chủ cửa hàng này vẫn nhất quyết giữ lại địa chỉ cũ với mục đích duy trì tên tuổi của thương hiệu kinh doanh.
Anh N.V Sơn, người giao hàng đã có kinh nghiệm 2 năm với mọi tuyến đường khu vực đường Cầu Giấy - Nguyễn Văn Huyên chia sẻ: “Lúc mới hoạt động tại khu vực này, không ít lần tôi gặp khó khăn khi giao hàng cho khách. Địa chỉ 1 nơi, đánh số 1 kiểu làm nhiều khi tôi đi qua đi lại cả chục lần vẫn tìm không ra”.
Không chỉ gây khó khăn với người giao hàng, các tài xế xe công nghệ cũng gặp trở ngại trong việc đón hoặc trả khách, đặc biệt là với những vị khách du lịch người nước ngoài không am hiểu về đường xá Hà Nội.
Chị Alisa Thompson, một du khách người Mỹ đến Hà Nội du lịch được 1 tuần chia sẻ: “Tôi và bạn bè thường xuyên đến khu phố cổ để khám phá ẩm thực. Mặc dù đi theo định vị bản đồ, nhưng vì không thông thạo địa bàn, nên thường xuyên bị lạc đường và hoang mang khi nhiều ngôi nhà sử dụng chung 1 số, hay số nhà không theo thứ tự”.
Số 4 Nguyễn Hy Quang và số 60 Nguyễn Lương Bằng nằm cạnh nhau trên đường Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa).Từ cuối tháng 9/2024, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với UBND quận Đống Đa - một trong những điểm “nóng” về thực trạng loạn số nhà trong nhiều năm nay để tìm hiểu về công tác thực hiện Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng của Bộ Xây dựng trên địa bàn quận. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng kể từ khi tiếp nhận giấy giới thiệu, bất chấp sự kiên trì liên hệ của phóng viên, lãnh đạo UBND quận Đống Đa và một số bộ phận chức năng vẫn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm tiếp xúc, trao đổi hay có câu trả lời với phóng viên.
“Ma trận số nhà” dường như đã trở thành “căn bệnh mãn tính” của Thành phố Hà Nội, gây nhiều bức xúc cho người dân. Liệu với sự thờ ơ của chính quyền địa phương, những nỗ lực cải thiện chính sách quản lý đô thị của ngành Xây dựng có đạt được hiệu quả?
Tại Điều 4 Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định yêu cầu của đánh số và gắn biển số nhà như sau:
(1) Đảm bảo việc xác định địa chỉ nhà và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu tiếp nhận thông tin, liên lạc, giao dịch dân sự, giao dịch thương mại và các giao dịch khác.
(2) Góp phần chỉnh trang đô thị, nông thôn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, dân cư, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự, theo quy định của pháp luật.
(3) Việc đánh số và gắn biển số nhà được thống nhất với địa chỉ nhà trong hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
(4) Đánh số và gắn biển số nhà đảm bảo việc quản lý thông tin, dữ liệu về địa chỉ của tổ chức, cá nhân; đảm bảo về việc tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/moi-con-mot-ten-a65161.html