Những dũng sĩ Kênh 17
Hình tượng bà má Năm Căn đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Riêng bài thơ của Xuân Diệu sáng tác trước đó đã làm xúc động lòng người ở thời điểm gian khó nhất của cách mạng miền Nam. Những hình ảnh khắc ghi sâu sắc: “Bà má Năm Căn vào Hội Mẹ/ Nuôi bộ đội từng bữa uống bữa ăn”. Vào những năm từ 1969 đến 1970, giặc Mỹ lùng sục khắp sông Cửa Lớn (còn gọi là sông Năm Căn) chạy dọc rừng đước bao quanh huyện.
Chúng thả bom hóa học khắp nơi hòng đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi cánh rừng bao la. Những cây đước vẫn kiên gan che chở cho đoàn quân cùng Xứ ủy và Trung ương Cục đóng tại địa phương. Giặc Mỹ luôn coi đây là khu rừng “Việt cộng”.
Cứ vài tiếng lại có đoàn tàu địch chở đầy vũ khí đi nghênh ngang trên sông. Chúng muốn cắt đứt viện trợ vào chiến khu rừng đước. Đi tới đâu, thấy nghi ngờ giặc Mỹ xả đạn hai bên. Khu chợ Năm Căn bị bom lửa đốt cháy bao lần. Đêm đến người dân lại ra dựng lán dựng quán buôn bán từ tờ mờ sáng.
Biểu tượng Năm Căn.Trên những kênh rạch bí mật ghe thuyền vẫn âm thầm chở vũ khí và lương thực vào sâu căn cứ. Riêng đội du kích Kênh 17 của xã Tam Giang luôn cảnh giới trong những lùm cây dày đặc trên sông. Họ lặn ngụp dưới nước và thoắt ẩn thoắt hiện nhanh nhẹn tìm cách áp sát nhả đạn mỗi khi tàu địch tiến vào rừng đước. Vào tháng 8-1970, đội du kích Kênh 17 được lệnh tấn công hạm đội chủ lực của Mỹ ngụy trên sông Cửa Lớn. Những bà má Năm Căn vẫn chèo đò trên sông và cất tiếng hò như không hề có chuyện gì xảy ra.
Trong đồn bốt tại những điểm chốt bên sông, lính ngụy vẫn bắc ống nhòm theo dõi. Chúng đâu có hề biết đội du kích Kênh 17 đang bí mật lặn dưới nước đưa dàn hỏa tiễn tự chế tiếp cận điểm phục kích (tại kênh rạch Chủ Mưu). Sóng nước sông Cửa Lớn vẫn cuồn cuộn trôi ra biển Đông. Gió ngoài khơi ào ạt làm rừng đước ngả nghiêng bên sông Cửa Lớn. Đúng thời gian đã tính toán, đoàn tàu chiến hỗ trợ pháo đài 228 hùng hổ tiến vào sông.
Những bà má thoăn thoắt lái những chiếc ghe luồn lách trong kênh rạch để đánh lạc hướng. Thấy động, chúng bắn vãi đạn đe dọa. Chúng có ngờ đâu chiến hạm 228 dần dần vào điểm ngắm. Hàng chục mũi súng của các dũng sĩ đều tập trung vào một mục tiêu pháo đài di động trên sông.
Bất ngờ có tiếng hú vọng ra từ rừng đước cũng là lúc pháo hiệu vang lên. Đội du kích Kênh 17 đồng loạt nổ súng. Dàn hỏa tiễn (Rocket) vun vút nhả đạn vào thành tàu pháo đài. Hạm đội 228 nổ tung. Một núi lửa bùng cháy. Tiếng la hét hoảng loạn của kẻ địch làm những tàu chiến hộ tống đâm vào nhau. Con tàu lớn chìm dần. Tên Trung tá chỉ huy người Mỹ bị bắn chết tại chỗ. Sáu tàu chiến còn lại kéo nhau bỏ chạy. Chúng len lách nối đuôi nhau trốn lủi khỏi dòng sông Cửa Lớn, để lại 240 xác chết.
Một đòn chí tử làm bọn lính ngụy phách lạc hồn xiêu. Chúng không còn nghênh ngang trên sông như trước. Trận đánh của đội du kích Kênh 17 lập chiến công lừng lẫy trên sông Tam Giang. Cùng trong thời gian này chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ở khắp nơi đồng loạt phá sản. Vùng tự do và căn cứ cách mạng ngày một mở rộng. Quân dân huyện Năm Căn tạo được một hậu phương vững chắc, chuẩn bị cho những năm tháng khốc liệt dẫn tới cuộc tổng tấn công toàn diện 1975, giải phóng miền Nam.
Năm Căn đi dễ khó về
Năm Căn nổi tiếng một thời được mệnh danh là vùng mỏ “vàng đen”. Trước kia có tới hàng trăm lò hầm than cây đước mọc hai bên bờ sông Cửa Lớn. Rừng đước Năm Căn hơn 63.000 ha đứng thứ nhì thế giới. Cánh thương hồ thường đến đây lấy than đước mang đi các nơi bán lãi gấp đôi. Đến nay các hầm than đã giảm nhưng dân lục tỉnh làm ăn đều về tận nơi mua. Bởi than đước Năm Căm đượm lửa và kéo dài hơn các loại than khác.
Trong dân gian vẫn truyền miệng câu ca dao: “Cha chài, mẹ lưới, con câu. Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi lò”. Hiện “vàng đen” của Năm Căn còn được xuất khẩu và đưa về chợ của những thành phố lớn. Sông Cửa Lớn mênh mông sóng nước thuyền tàu đi lại như mắc cửi.
Dân thuyền chài Năm Căn vừa giỏi đánh bắt cá vừa thạo đàn ca sáo nhị. Có thể nói sông Cửa Lớn còn được coi là dòng sông của những câu hò điệu lý hàng trăm năm qua. Người thợ hầm than cũng có riêng những câu hò như: “Chim quyên xuống đất ăn trùn/ Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than/ Đốt than thì phải sàng than/ Làm sao đừng để lấm gan anh hùng”. Họ luôn luôn tự hào và coi trọng nghề nghiệp của mình. Ai đến Năm Căn đều nhớ đến câu hát cửa miệng của dân thuyền chài: “Năm Căn mảnh đất cuối trời/ Đước xanh bát ngát tình người chứa chan/ Bên dòng sông ấy Tam Giang/ Nặng sâu nghĩa mẹ, nồng nàn tình em”.
Trên mỗi con thuyền chở hàng đi bán dọc hai bờ sông đều có loa rao nhưng cũng là chiếc loa thùng ca nhạc. Người vừa bán vừa hát. Kẻ vừa mua vừa ca. Một dòng sông luôn cuộn sóng sôi động và ngập tràn âm thanh. Không ít du khách tới đây đều ngỡ ngàng khi nghe những câu hát: “Người ơi xa cách ngàn khơi/ Thuyền trôi trôi mãi ai ơi/ Theo tiếng ca đi muôn nơi/ Lòng luôn muốn ai trở lại/ Tình ta dẫu có mờ phai/ Tình chung son sắt bền lâu…”.
Quang cảnh chợ nổi Kênh rạch của sông Năm Căn.Câu ca như vận vào họ. Đôi mắt của cô lái đò nhìn du khách tựa như mời họ đối đáp lại đôi lời. Nhưng rồi cô gái lại hát tiếp rằng: “Người ơi nhớ câu ước nguyện/ Là em con gái miền Tây/ Hiền ngoan môi thắm cười xinh/ Duyên dáng là em/ Cô gái miệt vườn…”. Có người còn hát hàng chục câu toàn kể về những địa danh của Năm Căn và Cà Mau. Du khách nghe thấy vừa vui tai vừa bất ngờ với những lời thơ hóm hỉnh.
Chính vì thế Năm Căn còn là địa phương có nhiều trại sáng tác âm nhạc và hội họa được tổ chức. Đây cũng là huyện có nhiều ca khúc viết về địa phương nhất tỉnh Cà Mau. Hiện có tới 25 bài hát và những bài vọng cổ được viết riêng về vùng sông nước sôi động này. Từ xa xưa dân ca Năm Căn luôn chứa đựng tâm cảm của lòng người ở mảnh đất cuối trời. Xa xôi. Muôn trùng cách trở. Họ luôn hát: “Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu/ Sương khuya ướt đọng giàn bầu/ Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai”.
Nhưng giờ đây Năm Căn đã khác xưa. Con đường lớn đã mở thênh thang. Những điệu Lý cũng đã cởi lòng nhắn gửi bao điều: “Miền quê sông nước mình đây/ Đồng xanh thẳng cánh chim bay/ Đôi lứa trao câu yêu thương/ Lòng em nhớ câu thề hẹn…”. Chúng tôi đến đây có cảm giác được hòa nhập vào một dòng sông âm nhạc. Đứng bên cầu nghe những bài hát về tình yêu, ngẫm ra mới hay vì sao từ xưa nơi đây đã có câu hò: “Năm Căn đi dễ khó về/ Trai đi có vợ gái về có con”.
Hát mãi bài ca biển Đông
Mới đây, chiếc cầu vượt sông Cửa Lớn từ Năm Căn nối liền đường Hồ Chí Minh tới tận xóm mũi Cà Mau làm thay đổi diện mạo của mảnh đất chót cùng Tổ quốc. Con đường mới đã xóa đi cái cảnh những cô gái: “Theo chồng về chốn bưng biền/ Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê/ Lấy chồng xa rất khó về/ Hết mùa điên điển, đường quê còn dài”.
Bãi biển Khai Long, nơi người anh hùng Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội đã bị địch bắt, giờ đã được cải tạo thành địa chỉ du lịch mới. Nước biển luôn xanh trong hiền hòa chào đón mọi người. Bãi cát vàng nơi đây thật kỳ lạ. Theo thời gian, mỗi ngày nó lại lan rộng thêm ra biển tựa như đang bò dần tới cụm đảo Hòn Khoai.
Hình ảnh tháp hải đăng Hòn Khoai thấp thoáng từ chân trời hướng về đất mũi Cà Mau. Đêm đêm ánh sáng đèn biển chiếu rọi tới miền khơi xa làm điểm mốc cho những đoàn tàu đánh cá. Hải đăng như ánh mắt gửi về đất liền. Bởi nơi đó là mảnh đất mang tên anh hùng Phan Ngọc Hiển và cũng là nơi mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay càng vững thành đồng”.
Bài ca về đất Mũi trẻ trung bất tận cùng sóng biển dào dạt ngày đêm. Con sông Cửa Lớn mỗi ngày một vạm vỡ như mảnh đất Năm Căn anh hùng, kiên trung trước biển Đông dậy sóng.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/nam-can-la-ai-a65486.html