Điểm tên những cây cầu lớn sẽ khơi thông ‘điểm nghẽn’ kinh tế Bình Dương

Ngày 31/12, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đã và đang phối hợp các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện nhiều dự án cầu, đường kết nối.

Theo đó, sông Sài Gòn giáp ranh giữa Bình Dương với TPHCM trong dự án đường Vành đai 3 sẽ có cầu Bình Gởi dài gần 1km, rộng 20m, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư trên 570 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng vào quý II/2023. Cây cầu sẽ băng qua sông Sài Gòn nối liền TP Thuận An (Bình Dương) với quận 12 (TPHCM) thuộc Dự án thành phần 5 của đường Vành đai 3 TPHCM sẽ do tỉnh Bình Dương thực hiện.

Cũng ở sông Sài Gòn giáp ranh giữa Bình Dương và Tây Ninh dài khoảng 50km, tới đây hai địa phương sẽ phối hợp triển khai 6 cây cầu kết nối. Hiện tại, Bình Dương và Tây Ninh đã hoàn thành đưa vào sử dụng một cây cầu chưa có tên vừa khánh thành vào ngày 26/12/2022.

Ngoài ra, sẽ có thêm 3 cây cầu được xây dựng, gồm: Cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh (thuộc dự án Chơn Thành - Đức Hòa) đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025. Hai cây cầu khác được tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất chủ trương xây dựng thuộc địa phận thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).

Điểm tên những cây cầu lớn sẽ khơi thông ‘điểm nghẽn’ kinh tế Bình Dương ảnh 1

Cây cầu nối Bình Dương và Tây Ninh vừa đưa vào sử dụng chưa được đặt tên

Trong tương lai gần, dọc bờ sông Sài Gòn giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh bình quân cứ cách từ 7 - 10km sẽ có một cây cầu.

Ở khu vực sông Đồng Nai - sông Bé, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu, gồm cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2.

Trong đó, cầu Tân An - Lạc An bắc qua sông Đồng Nai kết nối xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) với xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) sẽ có các điểm kết nối tại vị trí đường Trịnh Huy Chương (huyện Vĩnh Cửu) với tuyến đường mở mới đến đường tỉnh 746.

Cầu Tân Hiền - Thường Tân bắc qua sông Đồng Nai sẽ kết nối tại vị trí Hương lộ 6 (bến phà Bà Miêu 2) với đường mở mới đến đường tỉnh 746 để kết nối xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương).

Đối với cầu Hiếu Liêm 2, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng, trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm bắc qua sông Đồng Nai nối xã Trị An với xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Do đó, hai địa phương thống nhất bổ sung 1 vị trí để xây cầu Hiếu Liêm 2 bắc qua sông Bé kết nối xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) với xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Điểm tên những cây cầu lớn sẽ khơi thông ‘điểm nghẽn’ kinh tế Bình Dương ảnh 2

Cầu Đồng Nai nối Bình Dương và Đồng Nai, tới đây hai địa phương sẽ phối hợp triển khai thêm 4 cây cầu

Cầu đường bộ cuối cùng được đề xuất bổ sung là cầu Thạnh Hội 2, có vị trí kết nối tại bến phà Bình Hòa (Đồng Nai) và bến phà Nhật Thạnh (Bình Dương). Đây là cầu đường bộ sẽ kết nối cù lao Thạnh Hội (TX Tân Uyên, Bình Dương) với xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Hiện nay, hướng lưu thông giữa Bình Dương và Đồng Nai có cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), cầu Hóa An (Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 - TP HCM. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, do vị trí các cây cầu cách nhau khá xa nên tạo sự ngăn cách về giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng và địa phương.

Việc xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé sẽ tạo ra chuỗi kết nối, giúp hai địa phương gần nhau, qua đó thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/cau-binh-co-hoi-nghia-a65506.html