Vẫn “nóng” câu chuyện ôm nợ sau khi đi làm... “việc nhẹ lương cao”

Mấy ngày qua, vợ chồng anh Văn L. (trú xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa hết thất thần khi nhớ về những ngày chạy vạy vay mượn để giải cứu con trở về từ Campuchia. Trước đó, em Văn Tuấn K. - con trai của anh L. do ở quê nhà không có việc làm nên em đã lên trang mạng xã hội Facebook và vào trang hỗ trợ tìm kiếm việc làm thì nhận được thông tin tuyển dụng làm game online ở Campuchia với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng. Thấy yêu cầu của “nhà tuyển dụng” khá đơn giản (chỉ cần biết sử dụng vi tính và có hộ chiếu thì sẽ được nhận vào làm việc), em K. đồng ý.

Vẫn “nóng” câu chuyện ôm nợ sau khi đi làm... “việc nhẹ lương cao” -0
Bố con em K. đang tường trình sự việc với lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sau đó, em K. rời Huế vào TP Hồ Chí Minh và tại đây, được một thanh niên đưa sang Campuchia. Theo lời kể của em K., hơn 5 tháng ở đất khách là nỗi ám ảnh kinh hoàng khi ngày qua ngày, em bị giam lỏng trong 1 tòa nhà cùng với nhiều người. Mỗi ngày, em K. phải làm việc quần quật từ 13 - 15 giờ đồng hồ trên máy tính theo yêu cầu của người quản lý. Do quá áp lực và không phù hợp với công việc, em K. có nhu cầu xin trở về quê thì bị các đối tượng đánh đập, bạo hành dã man. Đồng thời, yêu cầu người nhà gửi tiền chuộc mới được về. “Các đối tượng nói rằng, nếu không có đủ tiền chuộc thì họ sẽ chặt chân em”, em K. kể lại.

Ở quê nhà nghe tin con trai sẽ bị… chặt chân và cơ hội về Việt Nam không còn nên vợ chồng anh L. hoang mang, lo sợ mất con. Để đưa được con trai về Việt Nam, vợ chồng anh L. chạy vạy khắp nơi, cầm cố căn nhà cấp 4 - là tài sản duy nhất của gia đình với tổng số tiền hơn 620 triệu đồng để đưa con trai về Việt Nam. “Lần đầu, gia đình gửi số tiền 250 triệu đồng qua chuộc con về nhưng không có kết quả. Tiếp đó, nghe con trai kể, bị các đối tượng bạo hành, đánh đập dã man nên vợ chồng anh hoảng loạn, tiếp tục vay mượn thêm 2 lần với số tiền 370 triệu đồng để gửi qua thì cháu K. mới được thả cho về nước”, anh L. cho hay.

Tương tự gia đình của em K., người thân của em L.H.Q. (SN 2003, trú tổ 8, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) cũng đang ôm món nợ 160 triệu đồng để “chuộc” em Q. sau khi bị lừa qua Campuchia vào giữa năm 2022. Trước đó, thông qua mạng xã hội, em Q. nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương 800 USD/tháng. Theo “nhà tuyển dụng”, công việc rất nhàn, không cần kinh nghiệm, chỉ cần biết sử dụng máy tính. Không ngờ, sau khi qua Campuchia, Q. được các đối tượng người nước ngoài giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bị chích điện.

Do không hoàn thành chỉ tiêu, không câu kéo được khách hàng mới nên Q. bị phạt. Mặc dù Q. nhiều lần van xin các đối tượng cho về Việt Nam nhưng không được. Chúng yêu cầu gia đình Q. phải nộp đủ 160 triệu đồng mới cho em về Việt Nam. Tương tự, hiện một số người thân của các nạn nhân ở Thừa Thiên-Huế bị lừa qua Campuchia làm các công ty game vẫn đang ôm món nợ sau khi “chuộc” con về nước.

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Bông trú tại vùng gò đồi ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) cũng “đứng ngồi không yên” khi con trai của bà đang trở thành nạn nhân của bẫy lừa đảo “việc nhẹ lương cao”. Nhận được tin báo của con trai bị lừa đảo sang Campuchia và yêu cầu bà nộp tiền chuộc để con được trở về nhưng bà Bông lực bất tòng tâm khi gia đình không có tiền.

Theo lời bà Bông, con trai bà từng gọi về kể là làm việc tại một phòng game cho chủ tại Campuchia. Gần đây, chủ này đòi chuyển con trai bà Bông cho một công ty ở Thái Lan nhưng con bà không đồng ý, xin về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu người nhà phải nộp đủ 200 triệu đồng mới cho về.

Điều đáng nói trong khi các gia đình có nạn nhân bị lừa qua Campuchia đang tìm mọi cách để đưa con em mình thoát khỏi bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động thì chính họ lại có nguy cơ tiếp tục dính bẫy của những kẻ giả danh giải cứu, giúp người lao động trở về nước an toàn. Theo cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo đã lập các Fanpage lấy tên “Hỗ trợ, cứu người Việt Nam tại Campuchia”, rồi yêu cầu người nhà chuyển tiền cho chúng để chiếm đoạt tài sản...

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông liên tục phát đi cảnh báo về những hệ lụy, thậm chí là rủi ro cả về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn cứ nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, giấu gia đình vượt biên sang nước ngoài lao động trái phép và rồi chỉ ngay sau đó, họ đã phải nếm “quả đắng”.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian qua đơn vị đã nhận được nhiều đơn trình báo của người dân tố cáo con em, người thân của mình bị lừa ra nước ngoài làm việc. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc, chủ yếu là ở Campuchia; trong đó có một số trường hợp có thông tin để nhận định bị lừa đảo qua làm việc cho công ty ở nước ngoài và bị ngược đãi.

Thượng tá Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là các tổ chức hoạt động xuất cảnh trái phép lừa bán người ra nước ngoài đối với người dân. Từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và tự bảo vệ bản thân mình và gia đình mình. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác xuất nhập cảnh để người lao động được hiểu biết về xuất cảnh trái phép, lao động bất hợp pháp nước ngoài sẽ gặp nhiều hệ lụy như: không được Nhà nước bảo hộ, không được bảo hộ về tính mạng sức khỏe, tài sản và khi các cơ quan chức năng nước ngoài phát hiện sẽ bị trục xuất, đẩy đuổi về nước.

Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/review-di-lam-o-campuchia-a65642.html