Đã bao giờ, sau một ngày dài ngoài đường, bạn trở và cảm thấy lạc lõng trong chính căn nhà của mình chưa?
Đã bao giờ bạn oà khóc khi ngồi ăn cơm một mình trong căn phòng trọ cô quạnh chưa?
Đã bao giờ bạn nằm suy nghĩ không biết giờ này ba mẹ đang làm gì chưa?
Đã bao giờ bạn mệt mỏi đến muốn vứt bỏ tất cả để chạy thật nhanh về nhà chưa?
Tôi vừa nhận được thông báo quay trở lại trường sau một thời gian học online. Nghiêm túc mà nói thì rời đi không phải là điều gì đó quá tệ, tôi biết chứ. Nhưng cứ một lần rời đi, rồi lại trở về, ở lại một thời gian kha khá, khiến tôi dần chẳng còn muốn rời nhà lên thành phố nữa.
Bản thân tôi là một người thích ở nhà. Tôi thích một cuộc sống êm đềm, an toàn và vững chắc như cảm giác được đứng sau cánh cửa của một căn nhà kiên cố. Không thích ra ngoài, không thích di chuyển, càng ghét bon chen. Đôi lúc chính tôi cũng phải thừa nhận rằng tôi khá tiêu cực. Thật ra, chuyện học offline dĩ nhiên là phù hợp và tương xứng với học phí đã nộp từ đầu năm của sinh viên chúng tôi. Tuy nhiên, việc ở nhà quá lâu trong cái giai đoạn mà đáng lẽ ra tôi nên sống ở thành phố phần nào đó khiến tôi càng cảm giác gắn bó với nơi này hơn, cảnh xa nhà trong mắt tôi giờ đây chỉ ngập một màu xám xịt.
Ngày đầu tiên tôi tạm biệt miền quê nhỏ của mình để cắp sách lên thành phố theo sự học vĩ đại, thú thật, tôi không buồn, cũng không khóc. Đối với tôi, tuy chốn xa hoa ấy không phải nơi tôi mong muốn, nhưng tôi không nghĩ rằng nó có thể làm hại đến cuộc sống của tôi. Đi học, về nhà, thi thoảng tham gia vài hoạt động, tình nguyện hay làm thêm này nọ, cứ như thế mà sống qua những tháng ngày xa quê. Tôi đã từng ngây thơ như vậy.
Rời nhà, tôi không còn điểm tựa.
Những điều tồi tệ tôi mang về cứ thế chất đầy lên trong căn phòng nhỏ. Ngột ngạt vô cùng!
Tôi chẳng nhớ mình đã lén lau nước mắt bao nhiêu lần, bao nhiêu lần không kìm được mà bật khóc tức tưởi khi đang chạy xe ngoài đường, chỉ biết là trong thời gian kinh khủng ấy tôi chưa từng hé răng một lời với gia đình. Tôi sợ. Sợ họ lo lắng cho tôi. Sợ họ sẽ đau lòng khi phải bất lực nhìn con gái mình chật vật ở thành phố. Sau lần đầu tiên nhiều bỡ ngỡ ấy, tôi vẫn còn chuyển trọ thêm đôi lần nữa, đều là vì những quy định khó hiểu lạ lùng của chủ nhà. Đôi khi tôi còn trộm nghĩ, Sài Gòn ghét tôi đến thế sao?
Tạm biệt căn nhà xanh chuối quen thuộc, tôi phải học cách sống cùng với cô đơn. Ngày trước, ngay khi vừa mở cửa bước vào nhà, đón tôi sẽ là một mâm cơm nghi ngút khói, những bực tức từ bên ngoài cánh cửa lập tức tan biến. Còn giờ đây, đón tôi là một căn phòng xa lạ và hiu quạnh. Những điều tồi tệ tôi mang về cứ thế chất đầy lên trong căn phòng nhỏ. Ngột ngạt vô cùng! Tôi thèm cái cảm giác khoan khoái, dễ chịu khi trở về nhà. Thèm cái không khí ấm cúng gia đình. Thèm được kể cho ba mẹ nghe rằng hôm nay con gặp chuyện này, chuyện kia, chẳng vui gì cả. Có đôi lúc bất lực đến không thể chịu nỗi, cứ thế òa khóc nức nở như đứa trẻ con, mở điện thoại lên rồi lại tắt vì chẳng biết phải gọi cho ai lúc này. Khóc đến mệt người, ngủ thiếp đi rồi ngày mai lại tự tìm cách giải quyết. Ở nơi này, chỉ có mỗi tôi, tôi phải tự ôm lấy mình, tự bảo bọc bản thân. Nếu tôi không chăm sóc bản thân mình thật tốt, sẽ có người vì tôi mà bận lòng.
Rời nhà, tôi biết trân trọng gia đình nhiều hơn.
Ngày trước, khi còn ở nhà, tôi không phải kiểu người thích thể hiện tình cảm. Đối với tôi, gia đình đã là một điều gì đó quá hiển nhiên, quá quen thuộc. Dù tôi có vô tâm, cáu gắt hay giận dữ gia đình vẫn luôn ở đó, ngay bên cạnh tôi. Thậm chí, thời gian đầu xa nhà tôi còn chẳng có cảm giác nhớ nhung quá nhiều. Tôi có thế giới của riêng mình, và tôi thích đắm chìm vào nơi đó. Vậy nên, dù ở nhà hay không ở nhà, cuộc sống của tôi vẫn bình thường trôi như vậy.
Cho tới khi tôi gặp những khó khăn trong cuộc sống, bị chèn ép, đối xử bất công, và ti tỉ những vấn đề khác. Va chạm nhiều hơn trong xã hội khiến tôi dần lạc lõng, tôi bắt đầu thấy nhớ nhà. Ở nhà, ba mẹ đã cưng chiều tôi đến nhường nào, mười tám tuổi, việc nhà duy nhất mà tôi làm đó là rửa chén. Trước kia, tôi luôn cho rằng bản thân mình là đứa trẻ hạnh phúc nhất, nhưng tôi lại không để ý rằng người tạo ra hạnh phúc ấy chính là ba mẹ tôi, là gia đình tôi. Tôi cứ nghĩ mình đã đủ mạnh mẽ để va chạm với cuộc đời, để tự mình sống cuộc sống của riêng mình. Hoá ra, tất cả chỉ là tôi tưởng tượng. Tôi mong manh nhiều hơn tôi nghĩ.
Những khoảng thời gian nghỉ được về nhà, tôi nhận ra trong lòng mình đã có những đổi khác. Tôi bắt đầu thích dành thời gian ở nơi sinh hoạt chung trong nhà nhiều hơn là ru rú trong phòng riêng của mình. Tôi bắt đầu thích dậy sớm, mua đồ ăn sáng cho mọi người, chiều chiều đi ăn linh tinh cùng mẹ, tối đến lại đưa em đi lòng vòng thị xã. Tôi bắt đầu biết nán lại bàn ăn dù đã ăn xong phần của mình. Tôi bắt đầu thích những buổi tụ tập gia đình mà trước kia tôi cho là quá ồn ào, náo nhiệt.
Bạn có giống tôi không? Cứ nghĩ rằng mình đã đủ lớn, đủ trưởng thành để chống chọi với giông tố cuộc đời. Thế rồi, đến một ngày lại nhận ra mình chỉ muốn bé lại, để chui vào vòng tay của cha mẹ. Sau những ngày tháng rong ruổi nơi đất khách, vừa đặt chân xuống từ xe khách, cái không khí quê nhà ập lên trong mũi, liền chẳng muốn rời đi nữa. Trở về nhà, bỗng nhận ra mình yêu nơi này nhiều hơn mình nghĩ. Yêu cái không khí mát lành, yêu bầu trời xanh trong vắt, yêu những cung đường vắng vẻ, yêu cả nếp sống sinh hoạt nơi đây. Thành thật mà nói, nếu không một lần rời đi, làm sao chúng ta có thể biết được tình yêu đối với quê nhà của ta lớn đến nhường nào.
"Bà học hết tiền tiết kiệm của mẹ rồi kìa!"
Đó chỉ là một câu nói vu vơ của em gái tôi, lại khiến tôi bất giấc thấy khó thở vô cùng. Tôi chợt thấy chạnh lòng. Những thứ tôi đang có, những gì tôi đang học, là tất cả những gì ba mẹ tôi cố gắng dành dụm cho tôi. Nếu bây giờ tôi không kiên cường, không nỗ lực, há chẳng phải đang đổ công sức của mẹ cha xuống sông xuống bể sao?
Sống xa nhà chỉ là thử thách đầu tiên mà cuộc đời đặt ra để xem ta bản lĩnh đến nhường nào. Không có khó khăn, không có vấp ngã, mãi mãi chúng ta chỉ là những đứa trẻ thơ ngây trong vòng tay cha mẹ. Một sự thật đau lòng nhưng hiển nhiên, đó là cha mẹ chẳng thể đi cùng ta đến cuối cùng được. Rồi cũng đến giai đoạn nào đó, chúng ta phải tự đi trên đôi chân của mình. Đó là lúc cuộc đời dạy ta lớn khôn. Dù trước mặt có là sóng to gió lớn, thì cũng không thể quên rằng, sau lưng ta cha mẹ đã già đi từng ngày.
Thành phố này náo nhiệt như thế, chẳng lẽ không có chỗ cho chúng ta sao?
Tác Giả: LYs.
Link nội dung: https://thietkewebhcm.com.vn/cam-giac-di-lam-xa-nha-a66207.html