Theo đó, chị phải tính toán số lượng rau củ đủ cho gia đình 7 người nhà chị ăn trong một tuần liền. Bởi đơn vị bán rau chỉ nhận đặt hàng vào ngày duy nhất trong tuần, sau hai ngày đặt hàng sẽ trả đủ lượng rau theo đơn hàng mình đã đặt.
Chị Tuyền cho biết, rau hữu cơ tuyệt đối an toàn vì khi trồng không sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu hóa học, thuốc trừ cỏ hóa học, không dùng tới các loại phân bón hóa học mà trồng và chăm sóc theo phương pháp tự nhiên. Thế nhưng, giá của loại rau này thường cao gấp cả chục lần rau thường, thậm chí nhiều loại giá bán còn cao gần gấp đôi giá thịt bò Mỹ.
Cụ thể, Rau xà lách đỏ 1kg giá 96.000 đồng, xà lách mache 1kg hết 336.000 đồng, bí ngồi xanh và bí ngồi đỏ hết 160.000 đồng/2kg, cải chip 2kg hết 200.000 đổng, rau muống 140.000 đồng/2kg, súp lơ xanh 130.000 đồng/1kg. đậu côve 100.000 đồng/kg, nấm mỡ 260.000 đồng, dưa chuột 1kg giá 80.000…
Đó là chưa kể các loại rau gia vị như hành tây, tỏi, gừng, hành lá, cà chua. Chị Tuyền dẫn chứng và cho biết, tổng số rau hữu cơ chị đặt hôm nay hết 1,7 triệu đồng.
Chị Tuyền tiết lộ, trung bình một tháng nhà chị chi 7-8 triệu đồng để mua rau hữu cơ. Đó là chưa kể số tiền chị bỏ ra để mua các loại thịt, cá, trứng hữu cơ khác nữa.
Cũng giữ thói quen đặt mua rau hữu cơ về cho gia đình, chị Ngọc Lâm ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, rau hữu cơ có thể nói là loại rau siêu đắt đỏ.
Hầu hết các loại rau hữu cơ đều có giá đắt ngang với giá thịt, thậm chí có loại đắt gấp cả 3 lần giá thịt. Nếu 1kg thịt ba chỉ bò Mỹ hiện chỉ 179 ngàn/kh thì loại rau hữu cơ đắt nhất đã lên đến khoảng 350 ngàn đồng/kg.
“Từ khi chuyển sang dùng toàn bộ các loại thực phẩm hữu cơ, các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, không ốm đau, không phải vào viện “thăm bác sĩ” vì ngộ độc như trước”, chị nói.
Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay rao bán khá nhiều loại rau củ hữu cơ với giá ở mức từ 70.000-350.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, măng tây giá 320.000 đồng/kg, cải bó xôi 100.000 đồng/kg, bắp cải tím 130.00 đồng/kg, xà lách mache giá 336.000 đồng/kg, cà chua 92.000 đồng/kg, cà chua bi giá 132.000 đồng/kg, bí ngồi 142.000 đồng/kg, súp lơ xanh giá 129.000 đồng/kg…
Theo anh Trần Hoài Thanh, kỹ sư sản xuất tại một trang trại rau hữu cơ lớn tại Nghệ An, rau hữu cơ có tiêu chuẩn trồng khá khắt khe. Cụ thể, toàn bộ đất trồng đều qua thời gian chuyển đổi 3 năm (không sử dụng hóa chất), nguồn nước được kiểm tra đảm bảo theo quy định hữu cơ, cây trồng được lấy giống từ tự nhiên tại địa phương, giống hữu cơ hoàn toàn không sử dụng giống biến đổi gien.
Quá trình trồng và chăm sóc chỉ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Toàn bộ trang trại và dụng cụ sản xuất đều được cách ly và có biện pháp phòng tránh nhiễm chéo hóa chất.
Anh Thanh cho biết, hiện ở Việt Nam có khá nhiều trang trại trồng được rau hữu cơ, do đó, rau hữu cơ cũng không còn hiếm như trước nữa. Song, do chi phí đầu tư cao nên giá rau hiện thuộc diện siêu đắt đỏ. Không phải người dân nào cũng có thể mua rau hữu cơ về ăn hàng ngày.
Thừa nhận, anh Trần Tuấn Giang chủ một cửa hàng rau organic ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, anh kinh doanh rau hữu cơ đã được hơn 5 năm nay. Các loại rau hữu cơ càng ngày càng phong phú hơn về chủng loại, số lượng rau đổ về cửa hàng cũng tăng lên. Tuy nhiên, giá rau hữu cơ hầu như không giảm do năng suất của các loại rau hữu cơ rất thấp, phải sử dụng rất nhiều sức lao động.
Hiện tại, loại rau rẻ nhất cũng 70.000-80.000 đồng/kg, loại trung bình giá 100.000 - 150.000 đồng/kg, còn loại đắt giá cao gấp trên 3 lần so với giá thịt lợn loại ngon bán tại chợ.
“Tất cả những loại rau hữu cơ này đều không có sẵn tại cửa hàng. Khách muốn ăn thường phải đặt hàng, cửa hàng sẽ chốt vào một ngày cố định, sau đó trả hàng vào 2-3 ngày sau. Mỗi một tuần trả hàng một lần”, anh nói.
Anh Giang cũng cho hay, khách hàng mua rau hữu cơ toàn là những khách hàng thuộc giới giàu có. Vì, nhiều gia đình là khách quen, mỗi tháng thường đặt mua từ 6-9 triệu tiền rau. Với số tiền mua rau này, nếu ở những gia đình bình thường sẽ đủ tiền chi tiêu sinh hoạt trong vòng 1 tháng.
Theo Vietnamnet