Bài viết hướng dẫn Soạn bài Xúy Vân giả dại trong chương trình SGK Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 1 được biên soạn bởi BUTBI giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt cho tiết học Ngữ văn sắp tới trên lớp. Theo dõi ngay sau đây!
Tham khảo thêm bài viết:
- Soạn bài Thực hành đọc Ra-ma buộc tội
- Soạn bài Huyện đường
- Soạn bài Múa rối nước hiện đại soi bóng tiền nhân
I - Chuẩn bị | Soạn bài Xúy Vân giả dại Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Tập 1
1. Thể loại:
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam. Chèo phát triển mạnh tại khu vực phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển nhanh, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được xem là loại hình sân khấu của hội hè cùng với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp cùng cách nói ví von giàu tính tự sự và trữ tình.
2. Xuất xứ:
- “Xúy Vân giả dại” là trích đoạn nổi bật trong vở chèo Kim Nham và được đánh giá là một trong những trích đoạn chèo cổ Việt Nam hay nhất.
3. Phương thức biểu đạt: Tự sự + Biểu cảm
4. Tóm tắt Xúy Vân giả dại:
Xúy Vân với những câu hát ngô nghê, nửa điên dại, nửa chân thực tỉnh táo về thân phận bẽ bàng, dang dở. Sau những câu hát xưng danh chính là tâm sự đau xót về một cuộc đời cô đơn, lạc lõng, vô nghĩa. Đoạn trích tiếp tục với những lời độc thoại về nỗi thất vọng trước mâu thuẫn bởi ước mơ hạnh phúc tốt đẹp nhưng gặp phải thực tế phũ phàng.
5. Giá trị nội dung:
Đoạn trích thể hiện khát vọng hạnh phúc của nàng Xúy Vân là chính đáng nhưng không thực hiện được ở trong chế độ phong kiến gia trưởng.
6. Giá trị nghệ thuật:
- Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Thúy Vân phức tạp
- Nghệ thuật diễn tả: tác giả đan xen những lời thật, lời điên thể hiện được sự mâu thuẫn trong tâm trạng.
- Sử dụng những làn điệu nói và hát khác nhau để thể hiện được sự thay đổi trong tâm lý, tâm trạng của nhân vật.
II - Trước khi đọc | Soạn bài Xúy Vân giả dại sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Tập 1
Câu 1 (Trang 126, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Giữa sự nở rộ muôn vàn những phương tiện nghe nhìn và các hoạt động giải trí hấp dẫn, em nghĩ như thế nào nếu như ai đó đề nghị em bỏ chút thời gian xem một vở chèo cổ?
Lời giải chi tiết:
Gợi ý: Em sẽ đồng ý bởi vì rất có hứng thú với thể loại dân tộc này.
Câu 2 (Trang 126, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Bạn có cảm thấy tò mò khi nghe đến tên vở chèo Xúy Vân giả dại hay không? Hãy tận dụng những điều kiện hiện có của mình để xem lớp chèo này hoặc là toàn bộ vở chèo Kim Nham.
Lời giải chi tiết:
Nhan đề “Xúy Vân giả dại” gợi cho em sự tò mò, cụ thể là không biết nội dung vở kịch như thế nào, sẽ miêu tả về một cô gái đang điên loạn hay đằng sau đó còn có bài học, ý nghĩa gì?
III - Trong khi đọc | Soạn bài Xúy Vân giả dại sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Tập 1
Câu 1 (Trang 126, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Hình dung khi thể hiện những lời thoại này, diễn viên sẽ có những động tác diễn xuất tương ứng như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Khi diễn xuất lời thoại này, theo em diễn viên nên thể hiện biểu cảm đau khổ, hối hận ở trên gương mặt, kèm theo những hành động tự trách, vật vã bản thân như tự đấm vào ngực mình, ôm đầu bứt tóc,…
Câu 2 (Trang 128, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Lời thoại này thể hiện trạng thái tâm lý gì của nhân vật?
Lời giải chi tiết:
Lời thoại này vừa cho thấy được sự hối hận, lại vừa cho thấy sự tủi phận, đau khổ, xấu hổ của Xuý Vân khi trót làm một kẻ bạc tình, phụ lại chàng Kim Nham để chạy theo tên sở khanh Trần Phương.
Câu 3 (Trang 128, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Chú ý tới cách nhân vật chèo xưng danh, tự giới thiệu bản thân trước khán giả
Lời giải chi tiết:
Các nhân vật tự xưng “tôi”, xưng họ tên một cách khiêm nhường, từ tốn. Ngoài ra còn giới thiệu những đặc điểm của bản thân như “tài cao vô giá”, “dại dột”, “hát hay đã lạ”,…
Câu 4 (Trang 129, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Hình ảnh vợ chồng quấn quýt bên nhau xuất hiện ở đây có ý nghĩa gì?
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh vợ chồng quấn quýt bên nhau cho thấy mong muốn về một gia đình êm ấm, hạnh phúc của Xúy Vân nhưng đồng thời lại càng khắc họa rõ nét hơn về sự hối hận và đau khổ của nàng.
Câu 5 (Trang 129, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Chú ý tới sự ý thức của nhân vật về chính mình
Lời giải chi tiết:
Lời thoại này cho thấy nhân vật đã nhận ra được hoàn cảnh và sai lầm của bản thân hiện tại: vừa cô đơn, vừa hối hận, lại vừa là kẻ bị phụ tình, bị lừa dối.
Câu 6 (Trang 129, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Lưu ý tới ngôn ngữ và cách liên hệ bất thường của những người điên hoặc giả điên
Lời giải chi tiết:
Ở đoạn này, lời thoại thể hiện rõ được sự “điên” của Xúy Vân khi liên tục nói đến những điều vô lý, sai sự thật, chứng tỏ rằng nhân vật đã không còn giữ được sự tỉnh táo, dần mất ý thức đi và không phân biệt được sự việc.
IV - Trả lời câu hỏi | Soạn bài Xúy Vân giả dại sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Tập 1
Câu 1 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Nêu nguyên nhân dẫn tới hành động giả dại của Xúy Vân.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân dẫn tới hành động giả dại của nàng Xúy Vân là khi nàng ở nhà chờ chồng cô đơn thì một người đàn ông là Trần Phương tán tỉnh, đưa ra lời hứa hẹn, Xúy Vân đã giả dại với hy vọng được thoát khỏi Kim Nham để đến với Trần Phương
Câu 2 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Trong lớp chèo “Xúy Vân giả dại”, đoạn lời thoại nào thể hiện được rõ nhất “ngôn ngữ điên” của nhân vật? Vì sao em xác định như vậy?
Lời giải chi tiết:
Theo em, đoạn lời thoại hát quá giang từ “Nên tôi phải lụy đò” tới “Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên” là đoạn trích thể hiện được rõ nhất ngôn ngữ điên của nhân vật. Bởi ở đoạn trích này, Xúy Vân đã nói lên hết những tâm trạng đau đớn, bi lụy, sự xấu hổ tủi nhục của mình, nàng phải “lụy đò”, “lụy cô bán hàng”, bị “chúng chê, bạn cười”. Giọng điệu, lời thoại ở trong đoạn trích vừa như kể lể, vừa là lời than vãn, ân hận, xót xa vì đã trót xiêu lòng trước tên sở khanh Trần Phương mà phụ chàng Kim Nham.
Câu 3 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Hãy lựa chọn phân tích một đoạn lời thoại để làm rõ được những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật Xúy Vân.
Lời giải chi tiết:
Trong văn bản, theo em đoạn lời thoại thể hiện sự mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân nhiều nhất là từ “Bước chân vào tôi thưa rằng vậy” tới “Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại”. Trong văn bản, Xúy Vân nói cho mọi người mà nàng gọi là “chị em”, cũng như đang tự vấn với chính mình. Nàng tự xưng tên họ, nói bản thân mình có “tài cao vô giá”, “hát hay đã lạ”, được lại gọi là “cô ả Xúy Vân”, cho thấy nàng là một cô gái xinh đẹp, hát hay, đáng được trân trọng. Thế nhưng lại rơi vào nỗi đau khổ khi đã trót bỏ chồng để đi theo một tên đàn ông phụ bạc, “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương”. Một bên là người con gái đang ở tuổi xuân thì, với một bên là nỗi đau đớn tủi nhục bị ruồng bỏ, sự đối lập này cho thấy rõ tâm trạng ân hận của Xúy Vân, chính bi kịch ấy đã đẩy nàng “tới nỗi điên cuồng, rồ dại”. Nỗi ân hận của Xúy Vân tuy là muộn màng nhưng cũng cho thấy sự thức tỉnh nàng, điều đó thể hiện nhân vật đã nhận ra lỗi lầm của mình, đang đấu tranh đau khổ cùng với nỗi ân hận và đau đớn khi đã phụ bạc chàng Kim Nham.
Câu 4 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Đoạn lời thoại thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho biết những điều gì về cảnh ngộ đời sống cũng như về niềm mong ước của Xúy Vân?
Lời giải chi tiết:
Đoạn lời thoại thể hiện theo điệu “con gà rừng” đã cho thấy cảnh ngộ đời sống của nàng Xúy Vân lúc này vừa “đắng cay” lại vừa uất ức, Xúy Vân đang phải sống trong nỗi đau đớn, tủi hổ bởi bị người đời chê cười là bỏ chồng, dan díu cùng với nhân tình, để lại tiếng xấu cho cha mẹ, bị láng giềng dị nghị, đàm tiếu, dằn vặt và hối hận vì hành động của chính mình.
Đoạn lời thoại này còn cho thấy sự mong ước về cuộc sống gia đình của nhân vật Xúy Vân, nàng muốn chờ đến khi “bông lúa chín vàng”, “anh đi gặt”, “nàng mang cơm”, đây là một hình ảnh về một cuộc sống hôn nhân đầy hạnh phúc, gia đình hòa thuận, sớm tối có nhau, đồng thời cũng là mong ước của nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Câu 5 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Qua đoạn xưng danh của nhân vật Xúy Vân, có thể nhận ra được những đặc điểm gì của sân khấu nghệ thuật chèo (cách xưng danh, sự tương tác giữa người xem và người biểu diễn,…)?
Lời giải chi tiết:
Đoạn xưng danh của nhân vật Xúy Vân đã thể hiện những đặc trưng sân khấu chèo:
- Xưng danh: Xúy Vân bước ra sân khấu và tự xưng danh, tên tuổi, xưng với mọi người là “tôi”, gọi “thiên hạ” là người khác.
- Nhân vật: Xúy Vân là kiểu nhân vật tiêu biểu của nghệ thuật chèo, một người bình thường không xa lạ cùng với đời sống lao động của nhân dân
- Sự tương tác giữa người xem và người biểu diễn: Xúy Vân chào xung quanh, tự xưng danh giới thiệu cùng với mọi người trước khi nói về bản thân mình ⇒ Tương tác với khán giả
Câu 6 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Nêu một số đặc điểm của ngôn ngữ chèo mà em nhận biết được qua đoạn trích (thể thơ quen dùng; chất liệu dân ca, ca dao;…).
Lời giải chi tiết:
- Có sự phối hợp, đan xen nhuần nhuyễn giữa nói và hát: lời thoại của Xúy Vân xuyên suốt đoạn trích được thể hiện qua nhiều điệu như nói lệch, hát quá giang, vỉa, đế, điệu con gà rừng, nói, hát sắp, hát ngược.
- Ngôn ngữ đa thanh và đa nghĩa: “Bông bông dắt, bông bông díu | Xa xa lắc, xa xa líu”
- Cách nói đầy ví von giàu tính tự sự trữ tình: “Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng” | “chờ cho bông lúa chín vàng” | “con cá rô nằm vũng chân trâu / để cho năm bảy cần câu châu vào”,…
Câu 7 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Qua lớp chèo này, em hiểu thêm được những điều gì về đời sống văn hóa của làng xã Việt Nam thuở xưa?
Lời giải chi tiết:
Lớp chèo có thể hiện nhiều yếu tố về đời sống văn hóa làng xã Việt Nam xưa như:
- Tin tưởng vào tín ngưỡng: “than cùng bà Nguyệt, ông Bụt
- Hàng xóm láng giềng sống cùng với nhau gần gũi, đoàn kết: Xúy Vân gọi mọi người là “chị em ơi!”, lời nói đầy thủ thỉ tâm tình “Chị em ơi tôi than vài câu nhé, chuyện của Xúy Vân láng giềng cũng đều hay biết
Câu 8 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Xúy Vân giả dại để che giấu đi điều gì? Bạn đánh giá như thế nào về hành động đó của nhân vật?
Lời giải chi tiết:
Xúy Vân giả dại để che giấu đi sự thật rằng mình đã trót say đắm Trần Phương mà phụ bạc chàng Kim Nham, đồng thời hành động giả dại này của nàng còn có mục đích muốn được tự do, thoát khỏi chàng Kim Nham để đi theo Trần Phương.
Hành động của Xúy Vân tuy là sai trái vì đã phụ chồng mình, không phải là hành vi đoan chính nhưng nếu đặt trong hoàn cảnh của người phụ nữ thời xưa thì đây là một điều phần nào có thể thông cảm được bởi nàng đang phải sống những ngày vò võ cô đơn để đợi chồng về, trong xã hội xưa người phụ nữ lại không được tự do để tìm kiếm hạnh phúc nên đây có thể chỉ là một phút yếu lòng của Xúy Vân.
Câu 9 (Trang 131, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Đề bài: Với văn bản lớp chèo “Xúy Vân giả dại”, chúng ta chỉ cần khoảng 3 phút để đọc xong, nhưng để biểu diễn trên sân khấu, cần đến gần 15 phút. Từ thực tế này, ta có thể rút ra được nhận xét gì về hình thức nghệ thuật chèo? (Gợi ý: chức năng của tích trò; tầm quan trọng của diễn xuất gồm múa, hát và các hình thức biểu cảm khác;…)
Lời giải chi tiết:
Từ thực tế diễn viên cần mất rất nhiều thời gian để diễn ở trên sân khấu so với việc đọc chèo có thể thấy được nghệ thuật chèo khi diễn trên sân khấu không chỉ dựa vào văn bản gốc mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác như diễn xuất, múa hát, tích trò của diễn viên.
Khi đứng ở trên sân khấu, tích trò là một yếu tố có khả năng thêm thắt, bổ sung cho nhân vật; đồng thời các yếu tố như hát và múa cũng bổ sung nội dung cho văn bản gốc, giúp kéo dài thời gian của vở chèo ở trên sân khấu.
V- Kết nối đọc - viết | Soạn bài Xúy Vân giả dại Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 1
Yêu cầu: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về nỗi niềm của nhân vật Xúy Vân được thể hiện thông qua lớp chèo “Xúy Vân giả dại”.
Đoạn văn tham khảo:
Vở chèo Kim Nham kể về cuộc hôn nhân của Kim Nham và Xúy Vân, một người chuyên tâm học hành, còn một người khao khát được yêu thương. Sự bất đồng tư tưởng đã dẫn tới bi kịch tình yêu giữa hai người. Đoạn trích: “Xúy Vân giả dại” tái hiện lại cảnh Xúy Vân giả điên để mong thoát khỏi Kim Nham, nhưng ẩn chứa ở trong đó là nỗi niềm tâm sự đầy nước mắt của người phụ nữ thiếu vắng đi tình yêu. Đặt trong toàn bộ vở chèo, số phận nàng Xúy Vân còn thể hiện những điểm đáng thương khác nữa. Nàng không được chọn hôn nhân, lấy chàng Kim Nham là do cha mẹ sắp đặt, nàng phải chung sống cùng với người mình không yêu. Xuý Vân tới với Trần Phương không giữ trọn tiết làm vợ chính là một hành động nên phê phán nhưng cũng là vì một hành động mạnh mẽ, dám vì tình yêu, hạnh phúc. Chính cái ước mơ chính đáng này và tình cảnh cô đơn, bế tắc, lạc lõng giữa gia đình nhà chồng đã đẩy nàng Xúy Vân đến sự lựa chọn tự do nhưng đầy sự bi kịch. Xúy Vân cô đơn hiu quạnh như người muốn được sang sông nhưng không thấy đò. Hình ảnh con đò chính là hình ảnh ẩn dụ cho Kim Nham, chàng đã để lỡ chuyến, để nàng Xúy Vân phải chờ đợi. Trong ca dao chúng ta cũng thường bắt gặp hình ảnh con đò:
“Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa”
Tiếng hét của nàng Xúy Vân xé tan không gian tĩnh lặng giống như một lời trách mắng Kim Nham. Phần cuối hình ảnh nàng Xúy Vân đầu tóc rối bời, đôi mắt đầy ngây dại khiến chúng ta chạnh lòng. Những thứ nghịch lý ngang trái đó thể hiện qua cuộc đời Xúy Vân chỉ toàn những nỗi bất hạnh khổ đau. Ở đây cũng có nét tương đồng với ca dao đầy hài hước châm biếm. Phê phán nhưng cũng nói lên khát vọng được yêu thương, được sống hạnh phúc là chính đáng, đó là ước muốn muôn thuở của con người mà không lửa nóng tro tàn nào hủy diệt nổi.
Trên đây hướng dẫn Soạn bài Xúy Vân giả dại trong chương trình sách mới Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Hy vọng bài soạn trên của BUTBI sẽ giúp các bạn sẽ nắm vững được nội dung của bài học này và chuẩn bị thật tốt tiết văn sắp tới.