Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh (sinh sống tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là một đầu bếp. Chị luôn trăn trở về nguồn nông sản sạch cũng như cách xử lý lượng rác hữu cơ do nhà bếp thải ra hàng ngày. Cuối năm 2020, chị Thanh quyết định tự trồng rau quả hữu cơ, kết hợp nuôi chim cút, thỏ và gà trên sân thượng.
Vì có ý định trồng cây từ trước nên khi xây nhà, chị Thanh đã yêu cầu thiết kế một vườn sân thượng trên cùng với diện tích 70m2, ban công tầng 4 diện tích 40m2 và ban công tầng 3 với diện tích 30m2.
Tổng khu vườn cả 3 tầng là 140m2. Toàn bộ hệ thống lan can sân thượng và ban công đều sử dụng bình hoa gắn vào trồng cây thay cho lan can thông thường, hệ thống chống thấm được xử lý kỹ ngay từ đầu.
Để tiết kiệm chi phí, chị Thanh không thuê người. Việc vận chuyển một lượng đất lớn lên các tầng trồng cây đều do chị và người thân tự làm.
"Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống thấm cũng như tính toán tải trọng. Vì vậy khi xây dựng nhà ở, thay vì lợp mái tôi để sân thượng bằng phẳng, xử lý 1 lớp chống thấm nền rồi mua gạch men lát nền loại trưng bày thanh lý cho đỡ tốn kém. Vì vậy dù trồng cây ở các tầng nhưng ngôi nhà của tôi vẫn không bị thấm và rất khô thoáng", chị Thanh nói.
Nói về giai đoạn khó khăn nhất khi làm vườn sân thượng, người phụ nữ ở Hà Tĩnh chia sẻ, khi mới bắt đầu, việc vận chuyển đất và phân bón lên cao rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì làm việc liên tục và xách nặng, tay chị Thanh thậm chí còn bị phồng rộp.
"Thời điểm đó, mọi người xung quanh đều khẳng định thời tiết miền Trung khắc nghiệt, đến cây trồng ở vườn còn không trụ nổi, làm sao có thể tồn tại trên sân thượng đầy nắng. Thấy mọi người nghi ngờ, tôi càng quyết tâm, không bỏ cuộc", chị Thanh cho hay.
Ngoài khó khăn trong vận chuyển đất, giai đoạn đầu, do chưa có kinh nghiệm, chị Thanh gặp nhiều vấn đề do cây bị bệnh, bị chuột cùng chim đến phá.
Chị Thanh kể: "Một thời gian, cứ buổi sáng, tôi phát hiện có hiện tượng lạ xuất hiện trong thùng trồng cây. Nó giống như nấm nhưng có thể di chuyển và để lại dấu vết trên đường đi. Tôi tìm hiểu thì được biết đó là nấm nhầy. Nguyên nhân xuất hiện loại nấm này là do rác hữu cơ tôi chưa xử lý kỹ đã vội cho vào đất".
Các loại rau, quả theo mùa trong vườn nhà chị Thanh.
Năm đầu, chị Thanh trồng cây vào thùng xốp nhưng nhận thấy thùng xốp nhanh vỡ và không vệ sinh nên chị đã thay thế bằng thùng nhựa thông minh thiết kế chuyên trồng cây. Các chậu trồng đều để trên giá sắt giúp thông thoáng, thoát nước nhanh.
Ở sân thượng trên cùng, chị Thanh trồng rất nhiều loại rau quả theo từng thời điểm và mùa vụ như: Nho, dưa hấu, cà chua, dâu tây, cà tím, xà lách, rau cải, cải kale, bắp cải, các loại ớt cay, các loại rau thơm...
"Có thời gian tôi nuôi cả thỏ, chim cút và gà ở trên này rất thành công. Tuy nhiên, vì tôi quá bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình, con nhỏ, trong khi đó vật nuôi cần nhiều thời gian chăm sóc nên không thể duy trì lâu dài việc này", chị Thanh chia sẻ.
Ban công tầng 4, chị Thanh trồng các loại hoa theo mùa để làm nơi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng và tổ chức các bữa tiệc ngoài trời.
Ban công tầng 3, chị Thanh trồng các loại cây gia vị, cây chanh, cây ớt...
Sau vụ cà chua hàng năm, đầu tháng 4, chị Thanh bắt đầu trồng dưa hấu và cho thu hoạch vào cuối tháng 6.
Năm nay, chị Thanh mạnh dạn trồng 102 gốc dưa, mỗi cây đậu tầm 5-6 quả. Chị trồng 4 giống dưa hấu Thái Lan là: Vỏ vàng ruột đỏ, vỏ xanh ruột vàng, vỏ xanh ruột cam và vỏ xanh ruột đỏ.
Khi dưa bắt đầu già, chị Thanh cho trái buông xuống, dùng dây đan đỡ quả để không bị rơi. Cuối vụ, chị Thanh thu khoảng 600 trái dưa, trung bình mỗi quả nặng tầm 1,5-2kg. Dưa có vị ngọt đậm, thanh mát.
"Việc trồng dưa không khó như nhiều người nghĩ. Dưa hấu không cần tưới nhiều nước, cho thu hoạch nhanh. Điều quan trọng là phải xử lý đất kỹ trước khi trồng để tránh mầm bệnh gây hại cho cây, đồng thời giai đoạn ra hoa kết quả phải cung cấp dinh dưỡng thường xuyên", chị Thanh chia sẻ.
Số dưa thu hoạch ngoài để ăn và biếu người thân, bạn bè, còn dư một ít chị Thanh đem bán, thu về một khoản tiền nhỏ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp