Vừa qua, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.T. (45 tuổi) đến thăm khám với tình trạng: đám mụn nước một bên trán sưng đỏ, lan rộng xuống hố mắt, sống mũi, mắt phải bỗng dưng mờ hơn trước.
Qua thăm khám, bác sĩ hướng đến chẩn đoán bệnh zona thần kinh.
Bệnh nhân T. cho biết, mình bị mắc bệnh từ 5 ngày trước. Nghĩ rằng bệnh "giời leo" điều trị đơn giản, bệnh nhân lấy đậu xanh giã nát và đắp lên các nốt mụn nước.
Tuy nhiên càng đắp thì các vết lở nặng hơn, đau nhức nhiều. Sau 2 ngày điều trị thấy sưng nề đau nhức không chịu được, không mở được mắt…, anh T. mới đi khám.
Theo BS Thành, bệnh nhân bị zona thần kinh nhưng không điều trị đúng cách dẫn đến nhiễm khuẩn, vùng da trán sưng nề, giác mạc bị tổn thương nguy cơ bị sẹo giác mạc, giảm thị lực nếu để lâu.
Bệnh nhân sẽ cần được dùng kháng sinh, thuốc ức chế virus, thuốc giảm đau, chăm sóc tại chỗ, chiếu laser để giảm nề, giảm đỏ.
Chuyên gia này chia sẻ: "Zona thần kinh là một bệnh phổ biến, người dân thường nhầm lẫn viêm da tiếp xúc do côn trùng, cơn đau thắt ngực (bệnh lý tim mạch), đau nửa đầu…
Rất ít bệnh nhân tìm đến các sơ sở y tế để điều trị trong "thời gian vàng" quan trọng (từ 24 đến 72 giờ sau khi xuất hiện tổn thương), hầu hết đều đến muộn, từ đó gây những biến chứng rất nặng nề, phải điều trị và phục hồi rất lâu".
Theo BS Thành, bệnh có triệu chứng điển hình: Trước khi tổn thương mọc 2-3 ngày thường sẽ có cảm giác báo hiệu như: rát dấm dứt, đau vùng sắp mọc tổn thương kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều như mệt mỏi, đau đầu…
Hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau. Tổn thương thường khu trú tập trung ở những vị trí đặc biệt và chỉ có một bên của cơ thể dọc theo các đường dây thần kinh, nhưng cá biệt có thể bị cả hai bên hay lan tỏa.
Thường bắt đầu là các mảng đỏ, nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục lần lượt nổi dọc dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt. Sau 1-2 giờ, trên mảng đỏ xuất hiện những mụn nước chứa dịch trong, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm (như chùm nho).
Về sau mụn đục, vỡ, xẹp để lại sẹo (nếu nhiễm khuẩn). Trước hoặc cùng với mọc tổn thương ở da thường nổi hạch sưng và đau ở vùng tương ứng và là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán.
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân tự điều trị zona gây biến chứng mà BS Thành tiếp nhận tăng cao. Trung bình một tháng gặp 5-10 trường hợp điều trị zona có biến chứng: sẹo, đau kéo dài nhiều tháng…
Trước tình trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh zona tự điều trị tại nhà, BS Thành cảnh báo: "Khi tổn thương bị vỡ dễ tạo mủ dẫn tới biến chứng viêm loét vùng da. Áp dụng bài thuốc dân gian chữa không đúng cách, không đúng thời điểm sẽ gây viêm nhiễm, bội nhiễm và nhiễm trùng vết thương để lại sẹo vĩnh viễn, đau sau zona sẽ kéo dài nhiều tháng".
BS Thành khuyến cáo người dân, khi phát hiện triệu chứng zona thần kinh, cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị càng sớm càng tốt.