Teo não là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Vậy, bệnh teo não có di truyền không, ai dễ mắc bệnh hơn và bệnh có phải là tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hay không?
Bệnh teo não là gì?
Trước khi làm rõ vấn đề bệnh teo não có di truyền không, mỗi người cần tìm hiểu những thông tin tổng quan về bệnh lý này. Bệnh teo não là tình trạng mất dần tế bào não (nơ-ron) hoặc mất kết nối giữa các tế bào não, xảy ra ở một phần hay toàn bộ não, gây giảm thể tích và khối lượng não.
Bệnh teo não tùy mức độ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của não bộ, khiến các chức năng thần kinh dần suy yếu, trong đó có khả năng nhận thức, ghi nhớ. Bệnh có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí vùng não bị ảnh hưởng và được phân làm hai loại chính là:
- Teo não khu trú: Sự tổn thương chỉ xảy ra ở một vùng não nhất định.
- Teo não tổng quát: Sự tổn thương có xu hướng lan rộng khắp não bộ.
Bệnh teo não có di truyền không?
Di truyền có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh teo não. Điều này có nghĩa rằng đối tượng có người thân (đặc biệt là cha hoặc mẹ) bị teo não sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, yếu tố di truyền bệnh teo não còn bắt nguồn từ các bệnh lý tiềm ẩn trong gia đình, nguy cơ gây chết tế bào não như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng, bệnh Alzheimer, bệnh Huntington, viêm não,… (1)
Lưu ý: Di truyền chỉ là yếu tố nguy cơ gây bệnh, vì vậy không phải mọi trường hợp có người thân bị teo não đều chắc chắn khởi phát bệnh lý này.
Bệnh teo não có phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa không?
Bệnh teo não xảy ra có thể một phần là do quá trình lão hóa. Bởi quá trình này có tác động trực tiếp đến mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ. Khi tuổi cao, tế bào thần kinh có xu hướng thu nhỏ kích thước hoặc chết đi do thoái hóa. Vì vậy, người cao tuổi thường gặp phải các vấn đề về thần kinh như suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy và ngôn ngữ suy yếu, rối loạn lo âu…
Đối tượng nào có nguy cơ bị bệnh teo não cao hơn?
Bệnh teo não có thể xảy ra ở mọi người, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh có thể gia tăng ở một số đối tượng cụ thể, bao gồm: (2)
- Người cao tuổi.
- Người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá hoặc chất kích thích khác.
- Người bị chấn thương đầu gây tổn thương nghiêm trọng ở não.
- Người mắc phải hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý như bại não, viêm não, đột quỵ, bệnh Huntington, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, Alzheimer, HIV/AIDS, bệnh giang mai, …
Có thể phòng ngừa bệnh teo não không?
Một số biện pháp giúp hạn chế nguy cơ khởi phát bệnh teo não gồm:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, ưu tiên thực phẩm có lợi (trái cây tươi, rau xanh, các loại cá béo, đậu, ngũ cốc nguyên hạt…), hạn chế thực phẩm có hại (thức ăn nhanh, nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt, thịt hộp…), uống đủ nước sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, củng cố hàng rào bảo vệ cơ thể, tối ưu sức khỏe não bộ. Từ đó góp phần hạn chế nguy cơ khởi phát nhiều bệnh lý thần kinh, trong đó có teo não.
- Rèn luyện thể chất: Bên cạnh việc tăng sức bền, nâng cao sức khỏe tổng thể thì thường xuyên rèn luyện thể chất còn góp phần làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có teo não. Việc rèn luyện thể chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trí não, bao gồm giảm phản ứng viêm nhiễm, kích thích não bộ giải phóng các chất có lợi, hỗ trợ tăng cường phát triển hệ thống mạch máu não.
- Rèn luyện trí não: Mỗi người nên rèn luyện trí não bằng cách thường xuyên chơi các trò chơi đòi hỏi sự tư duy như chơi cờ, lắp ghép, giải đố, … hoặc dành thời gian cố định trong ngày để đọc sách, trò chuyện với người khác. Điều này sẽ giúp duy trì hoạt động bình thường của não bộ, từ đó bảo vệ các tế bào não tối ưu, tránh nguy cơ bị teo não.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của trí não. Một số tác động của giấc ngủ đến hệ thần kinh gồm: đảm bảo nguồn phát xung động giúp kích thích vỏ não, tổ chức lại những luồng xung động thần kinh bị rối loạn, tăng cường khả năng ghi nhớ, … Vì vậy, mỗi người nên đảm bảo ngủ đủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm để nâng cao sức khỏe trí não, tránh nguy cơ khởi phát bệnh teo não.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền: Người mắc các bệnh lý mạn tính như rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh về phổi, … cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị từ bác sĩ. Có như vậy, sức khỏe hệ thần kinh sẽ được bảo vệ, hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh teo não và nhiều bệnh lý thần kinh khác.
- Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su là biện pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tình dục, bao gồm cả những bệnh tiềm ẩn làm tăng nguy cơ gây teo não như giang mai, HIV/AIDS…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ (6 tháng / lần) là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe, hạn chế nguy cơ khởi phát nhiều bệnh lý nguy hiểm như teo não, nhờ phát hiện sớm các yếu tố gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Mỗi người nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện uy tín, đơn cử như Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện đang triển khai hàng loạt gói khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe thần kinh toàn diện, mỗi gói khám cung cấp từ 30 - 60 hạng mục kiểm tra. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, đồng thời cung cấp quy trình thăm khám nhanh chóng, chi phí hợp lý.
Bệnh viện được trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất như hệ thống cộng hưởng từ 1,5 - 3 Tesla, máy điện não vi tính EEG-1200K, hệ thống chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, hệ thống chụp CT 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng duy nhất tại Việt Nam, hệ thống máy phân tích huyết học Sysmex XN1000, …
Bài viết đã phần nào làm rõ vấn đề bệnh teo não có di truyền không. Teo não là bệnh lý mà mọi đối tượng đều có thể mắc phải. Người có tiền sử gia đình bị teo não hoặc mắc các bệnh lý, vấn đề sức khỏe liên quan cần định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe thần kinh để kịp thời phát hiện nguy cơ mắc bệnh.