U lành tính là khối u phát triển do sự tăng sinh tế bào quá mức. Tuy nhiên, khối u này không có khả năng xâm lấn, di căn hay hủy hoại mô của cơ thể. Cùng tìm hiểu về khối u lành tính qua bài viết dưới đây nhé!
1U lành tính là gì?
U lành tính hình thành là kết quả của sự tăng sinh tế bào quá mức, tuy nhiên khối u này sẽ chỉ phát triển tại chỗ và không có khả năng xâm lấn cũng như lan rộng ra các mô hay bộ phận khác của cơ thể.[1]
U lành tính là kết quả của sự tăng sinh tế bào quá mức
2Phân biệt u lành tính và u ác tính
Khối u là một khối bất thường hình thành do sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào, nó có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư). Các đặc điểm cơ bản giúp phân biệt u lành tính và u ác tính, bao gồm:
- U lành tính không có khả năng xâm lấn, phá hủy mô của cơ thể và di căn.
- U lành tính thường không gây hại trừ khi nó phát triển quá nhanh gây chèn ép, hình thành ở các mô thần kinh, mạch máu gây tổn thương...
- U lành tính thường có bờ đều, nhẵn, ranh giới rõ ràng và có tính di động.[2]
Chỉ một số ít khối u lành tính có thể phát triển thành u ác tính theo thời gian như polyp đại tràng, nốt ruồi. Quá trình này thường diễn ra trong thời gian dài và tiến triển âm thầm, khó phát hiện.[3]
U lành tính không có khả năng xâm lấn và di căn
3Các dạng u lành tính thường gặp
Khối u lành tính có thể phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể, tên của khối u tùy thuộc vào vị trí và nguồn gốc của tế bào hình thành khối u. Các khối u lành tính có thể là:
- U tuyến: là khối u gồm các tế bào biểu mô tuyến trong cơ quan như tuyến yên, đại tràng, gan.
- U xơ: là khối u gồm các tế bào mô sợi, nó có thể hình thành ở khắp cơ thể, phổ biến ở một số cơ quan như da, miệng, tử cung.
- U mỡ: phát triển từ các tế bào mỡ, đây là loại u lành tính phổ biến nhất, thường được tìm thấy ở vai, lưng, cổ.[4]
- U mạch máu: phát triển từ các mạch máu có thể thấy ở da hoặc cơ quan nội tạng như gan, trực tràng.
- U cơ trơn: hình thành từ các tế bào cơ trơn, nó có thể xuất hiện trong các cơ quan như tử cung, dạ dày, ruột.
- U sụn: là khối u phát triển từ sụn được tìm thấy chủ yếu ở các xương nhỏ như bàn tay và bàn chân.
- U xương: được tạo thành từ xương, chủ yếu là xương ở hộp sọ, xương dài ở chân.
- U da: phát triển từ da, các loại u da rất đa dạng, chẳng hạn như u mạch anh đào, mụn thịt dư, tăng sản bã nhờn.
- U não và màng não: gồm các khối u hình thành ở màng não, não có thể gây nguy hiểm khi phát triển lớn và gây chèn ép.
- U bạch huyết: hình thành trong hệ thống bạch huyết, nó có thể xuất hiện ở khớp nơi trên cơ thể như da, miệng, mũi.
- U dây thần kinh: phát triển từ tế bào thần kinh bên trong các dây thần kinh, một số loại u thần kinh thường gặp như schwannoma, u xơ thần kinh.[5]
U mỡ là loại u lành tính phổ biến nhất
4Nguyên nhân gây ra khối u lành tính
Nguyên nhân chính xác gây ra khối u lành tính thường không thể tìm thấy. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ hình thành khối u lành tính, bao gồm:
- Các yếu tố môi trường như: hóa chất, bức xạ, độc tố.
- Tình trạng viêm mạn tính và nhiễm trùng.
- Do chế độ ăn, chấn thương hoặc stress.
- Yếu tố di truyền.
Thường xuyên ăn đồ hộp làm tăng nguy cơ phát triển u lành tính đường ruột
5Triệu chứng u lành tính
Các khối u lành tính thường phát triển chậm và ít gây triệu chứng nhưng nếu chúng phát triển đủ lớn để chèn ép các cơ quan lân cận, nó có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Chảy máu: khi khối u gây tổn thương mạch máu, có thể gặp trong ung thư tử cung.
- Đau đầu, co giật hoặc suy giảm thị lực, có thể gặp trong u não.
- Chán ăn, sụt cân không chủ ý: do khối u dạ dày, ruột.
- Đau hoặc khó chịu ở vị trí khối u.
- Khó thở: khi khối u hình thành ở gần miệng, mũi, họng hoặc phổi.
- Trên da: nhìn thấy da đổi màu (nốt màu đỏ do u mạch máu, màu nâu do u da), khối u gờ lên trên da, khi sờ có cảm giác mềm hoặc chắc, tròn đều và thường di động.
Các nốt màu đỏ do u mạch máu dưới da
6Biến chứng nguy hiểm
U lành tính không có khả năng xâm lấn và di căn hay hủy hoại mô, nó cũng thường phát triển chậm, đôi khi tự giới hạn và biến mất. Do đó, u lành tính hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi khối u lành tính phát triển đè lên mạch máu và dây thần kinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, co giật, suy giảm thị lực.
U não có thể đè lên dây thần kình, mạch máu gây các biến chứng nguy hiểm
7Cách chẩn đoán u lành tính
Sinh thiết
Khi chẩn đoán khối u, điều quan trọng nhất là phân biệt khối u đó là lành tính hay ác tính. Sinh thiết khối u là một thủ thuật xâm lấn, giúp lấy mảnh mô từ khối u để làm xét nghiệm mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính.
Sinh thiết khối u làm mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán khối u
Chẩn đoán hình ảnh (Chụp X-quang, CT, MRI, siêu âm)
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp khảo sát kích thước và tính chất của các khối bất thường ở bên trong cơ thể, đồng thời góp phần hỗ trợ chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
- Siêu âm: sử dụng sóng siêu âm nên an toàn và có thể sử dụng nhiều lần, nó giúp khảo sát các khối bất thường ở một số cơ quan như tuyến giáp, gan.
- Chụp X-quang: sử dụng tia X để khảo sát các khối bất thường ở xương.
- CT-Scan có hoặc không có thuốc cản quang: sử dụng tia X để khảo sát các khối bất thường ở xương và mô mềm, mạch máu tốt hơn X-quang.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp khảo sát các khối bất thường ở mô mềm tốt hơn CT-Scan.
Xét nghiệm hình ảnh giúp khảo sát hình ảnh khối u và định hướng chẩn đoán
8Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi nhìn thấy hoặc sờ thấy khối u bất thường trên cơ thể bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Nhất là khi khối u kèm theo một số biểu hiện như sờ thấy cứng và không di động, bề mặt gồ ghề, không rõ hình dạng, kèm theo chảy máu, loét, đau tại vị trí u.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu phát hiện thấy khối u bất thường
Nơi khám bệnh
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất bao gồm các phòng khám, bệnh viện đa khoa hay bệnh viện chuyên khoa Nội, Ung bướu tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại TP. HCM: Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai.
9Phương pháp điều trị
Khối u lành tính thường không cần điều trị và chỉ điều trị khi có nguy cơ gây ra biến chứng hoặc vì lý do thẩm mỹ nếu nó xuất hiện ở trên da, mặt, cổ. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Theo dõi: nếu khối u nhỏ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi thay vì can thiệp ngay do lúc này việc điều trị có thể mang lại rủi ro nhiều hơn lợi ích.
- Dùng thuốc: bôi thuốc dạng gel hoặc kem có thể giúp làm nhỏ kích thước khối u, chẳng hạn như u mạch máu. Steroid có thể làm giảm một số khối u gây ra triệu chứng đau, stress.
- Phẫu thuật: phương pháp phẫu thuật nội soi thường được ưu tiên lựa chọn vì giúp giảm thời gian phục hồi.
- Xạ trị: nếu phẫu thuật không thể tiếp cận được khối u một cách an toàn, xạ trị có thể giúp giảm kích thước và ngăn chặn khối u phát triển lớn hơn.
Các khối u lành tính có giới hạn rõ ràng nên thường dễ loại bỏ hoàn toàn và hiếm khi tái phát, nếu có khối u tái phát thường chỉ xuất hiện ở vị trí cũ.
Phẫu thuật nội soi giúp giảm thời gian phục hồi sau phẫu thuật
10 Biện pháp phòng ngừa
Không rõ nguyên nhân chính xác gây u lành tính nên không có các biện pháp phòng ngừa đặc hiệu cho bệnh. Tuy vậy, một số cách có thể giúp bạn giảm được nguy cơ mắc u lành tính như:
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tia UV) quá nhiều.
- Ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp.
- Kiểm soát cân nặng, kết hợp chế độ tập thể dục đều đặn.
- Tiêm chủng ngừa một số loại virus làm tăng nguy cơ ung thư như HBV, HPV.
- Khám định kỳ và tầm soát ung thư thường xuyên là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất giúp phát hiện và chẩn đoán sớm các khối u.[6]
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến cáo ở phụ nữ từ 30 - 60 tuổi
U lành tính thường ít nguy hiểm trừ khi khối u phát triển đè lên mạch máu và thần kinh. Bạn hãy chia sẻ bài viết tới mọi người nếu thấy hữu ích nhé!