Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650 km theo hướng bắc nam, phần rộng nhất trên đất liền khoảng 500 km; nơi hẹp nhất gần 50 km.
Dân số: 97,58 triệu người (thống kê năm 2020)
Nhiệt độ: trung bình từ 21oC đến 30oC
Khí hậu: Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Phía Bắc chịu ảnh hưởng của lục địa Trung Hoa nên ít nhiều mang tính khí hậu lục địa. Biển Đông ảnh hưởng sâu sắc đến tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của đất liền. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm không thuần nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Khí hậu Việt Nam thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây. Do chịu sự tác động mạnh của gió mùa đông bắc nên nhiệt độ trung bình ở Việt Nam thấp hơn nhiệt độ trung bình nhiều nước khác cùng vĩ độ ở Châu Á.
Địa hình: Việt Nam đa dạng: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa, phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hóa mạnh mẽ. Địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn.
Sông ngòi: Việt Nam có một mạng lưới sông ngòi dày đặc (2.360 con sông dài trên 10 km), chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc- Đông Nam và vòng cung. Hai sông lớn nhất là sông Hồng và sông Mê Công tạo nên hai vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu. Hệ thống các sông suối hàng năm được bổ sung tới 310 tỷ m3 nước. Chế độ nước của sông ngòi chia thành mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt.
Đất đai, thực vật, động vật:
Đất ở Việt Nam rất đa dạng, có độ phì cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Việt Nam có hệ thực vật phong phú, đa dạng (khoảng 14 600 loài thực vật). Thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao.
Quần thể động vật ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ của thế giới. Hiện nay, đã liệt kê được 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thể, 2.400 loài cá, 5.000 loài sâu bọ. (Các rừng rậm, rừng núi đá vôi, rừng nhiều tầng lá là nơi cư trú của nhiều loài khỉ, voọc, vượn, mèo rừng. Các loài voọc đặc hữu của Việt Nam là voọc đầu trắng, voọc quần đùi trắng, voọc đen. Chim cũng có nhiều loài chim quý như trĩ cổ khoang, trĩ sao. Núi cao miền Bắc có nhiều thú lông dày như gấu ngựa, gấu chó, cáo, cầy…)
Việt Nam đã giữ gìn và bảo tồn một số vườn quốc gia đa dạng sinh học quý hiếm như Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (khu vực núi Phan-xi-phăng, Lào Cai), Vườn quốc gia Cát Bà (Quảng Ninh), vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), vườn quốc gia Côn Đảo (đảo Côn Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)… Các vườn quốc gia này là nơi cho các nhà sinh học Việt Nam và thế giới nghiên cứu khoa học, đồng thời là những nơi du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài ra, UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam là khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, Châu thổ sông Hồng, Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…
Vị trí địa - chiến lược
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược trong một khu vực chiến lược trọng yếu hàng đầu trên thế giới. Đông Nam Á nằm trên trục đường giao thông quan trọng các tuyến hàng hải, thương mại vào loại nhộn nhịp nhất châu Á, là vùng đất giàu tiềm năng và là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu.
Thứ hai, vị trí “cửa ngõ”, “tiền tiêu” của Việt Nam khiến nước ta từ trước đến nay luôn là địa bàn cạnh tranh địa chính trị, xác lập và mở rộng ảnh hưởng giữa các cường quốc. Đây là lợi thế để Việt Nam phát huy thế mạnh, tiềm lực của mình, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, đồng thời cũng là thách thức trong phát triển kinh tế đất nước và trong công cuộc giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc. Trong quá trình triển khai, hiện thực hóa chiến lược, sáng kiến của mình trong khu vực, các nước lớn không chỉ thông qua cửa ngõ duy nhất là Việt Nam.
Vị trí địa - kinh tế
Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. Thứ nhất, với lợi thế “mặt tiền” trông ra Biển Đông, Việt Nam đóng vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực. Thứ hai, Việt Nam nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc, nối liền các quốc gia khu vực Âu - Á do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) khởi xướng. Việt Nam cũng nằm trong trục chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công và khu vực. Với lợi thế đó, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, trong số 140 quốc gia được xếp hạng năm 2018, Việt Nam là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới (chiếm khoảng 200% GDP). Đặc biệt, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo nhà kinh tế Nhật Bản Hamada Kazuyuki, Việt Nam có khả năng trở thành một cường quốc trong tương lai.
Vị thế chính trị - ngoại giao
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vị thế chính trị - ngoại giao Việt Nam không ngừng nâng cao.
Một là, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước lớn. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi. Việt Nam có quan hệ thương mại với 230 thị trường trên thế giới, đàm phán, ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết khu vực. Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nền kinh tế (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 FTA, bao gồm cả các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai là, tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt trong năm 2020, với việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng nhiều thách thức chưa từng có, Việt Nam đã có những hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, với những sáng kiến, đề xuất được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Ba là, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả, đa dạng về cấp độ, hình thức và phương thức, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên tinh thần chủ động, tích cực. Tinh thần trách nhiệm thể hiện ở chỗ, không chỉ là người tham dự, tham gia vào những chính sách đã được bàn thảo, mà còn là người tham gia đàm phán các FTA thế hệ mới, góp phần định hình luật chơi, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương khu vực quan trọng. Tinh thần chủ động, tích cực là việc chủ động đề xuất các sáng kiến, chính sách, lựa chọn những phương thức, hành động đúng, dự báo được những tình huống thuận lợi và khó khăn, linh hoạt trong vận dụng chính sách; nắm rõ và vận dụng các “luật chơi” của các thể chế kinh tế - thương mại quốc tế một cách thích hợp trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của đất nước.
Nguồn: tổng hợp