Cảm lạnh là một căn bệnh về đường hô hấp chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng ngừa. Do đó, bố mẹ cần chủ động trang bị trang bị kiến thức về bệnh cảm lạnh ở trẻ để bảo vệ sức khỏe và chăm sóc trẻ tốt hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, họng) do virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo một nghiên cứu cho thấy, trung bình trẻ nhỏ sẽ bị cảm lạnh 6 - 8 lần/năm. (1)
Bệnh cảm lạnh thông thường có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp nhất là vào mùa đông và mùa xuân.
Nguyên nhân cảm lạnh thông thường
Trên thực tế có hơn 200 loại virus gây cảm lạnh ở trẻ, thường gặp là Rhinovirus (chiếm gần 40% các trường hợp cảm lạnh ở trẻ) và Enterovirus. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, mắt hoặc mũi thông qua các giọt bắn chứ virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Hơn nữa, virus gây cảm lạnh có thể sống ở môi trường bên ngoài cơ thể người bệnh trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày. Do đó, trẻ có thể nhiễm virus gây bệnh khi dùng chung các vận dụng cá nhân của người bệnh như cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm, đồ chơi, điện thoại,…
Dấu hiệu bị cảm lạnh
Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh sẽ khác nhau ở mỗi người nhưng nhìn chung, chúng sẽ bắt đầu xuất hiện sau khoảng 1 - 3 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Các triệu chứng này gồm:
- Nghẹt mũi, sổ mũi;
- Viêm họng;
- Ho;
- Đau nhức cơ thể, đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Sốt nhẹ;
- Hắt xì;
Nước mũi của trẻ khi mới bắt đầu thường sẽ trong và sau đó, dần trở nên đặc hơn, có màu vàng hoặc xanh lá cây. Các triệu chứng của bệnh thường sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 5 kể từ khi bắt đầu xuất hiện. Sau đó, chúng sẽ dần được cải thiện, nhẹ dần và biến mất. (2)
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Đa số các trường hợp trẻ bị cảm lạnh đều ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt: (3)
- Sốt cao, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi;
- Sốt kéo dài trên 2 ngày;
- Các triệu chứng của bệnh ngày càng trầm trọng hơn;
- Quấy khóc nhiều;
- Chán ăn, bỏ bữa;
- Có dấu hiệu mất nước;
- Các triệu chứng kéo dài trên 10 ngày;
- Khó thở, thở khò khè;
- Đau, nhức tai;
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh cảm lạnh
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh của trẻ:
- Trẻ trong độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, đã đến nhà trẻ, đến trường;
- Có sức khỏe kém, hệ thống miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh mãn tính;
- Thời tiết chuyển lạnh vào mùa thu và mùa đông;
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, nhất là khói thuốc lá;
Phương pháp điều trị cảm lạnh
Khi trẻ có dấu hiệu cảm lạnh, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn chăm sóc, điều trị cảm lạnh đúng cách.
Bệnh cảm lạnh ở trẻ gây ra bởi virus nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng để điều trị bệnh, trừ khi trẻ xuất hiện nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh cũng không có thuốc đặc trị và thường sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày, riêng triệu chứng ho có thể kéo dài thêm vài ngày sau đó.
Tuy nhiên, trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, bệnh nhanh khỏi, bác sĩ có thể kê cho trẻ một số loại thuốc để điều trị cảm lạnh các triệu chứng như: thuốc giảm đau, thuốc xịt thông mũi, siro ho,…
Lưu ý: Bố mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ; liều lượng và cách dùng thuốc phải thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi bị cảm lạnh bằng cách:
- Uống nhiều nước: Nước lọc, nước trái cây, nước chanh ấm là những lựa chọn tốt nhất khi trẻ bị cảm lạnh.
- Thức ăn dạng lỏng, nhiều dưỡng chất, dễ tiêu như cháo, súp,… Ngoài ra, bố mẹ có thể cho trẻ uống trà ấm pha với mật ong nếu trẻ trên 1 tuổi.
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn để bệnh nhanh hồi phục.
- Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm không khí phù hợp để trẻ dễ thở hơn, giảm nghẹt mũi và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nấm mốc, vi khuẩn.
- Súc miệng, rửa mũi với nước muối sinh lý: Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sau khi nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, bố mẹ nên chờ một thời gian ngắn rồi dùng bóng hút hút chất nhầy ra khỏi mũi.
Biến chứng bệnh cảm lạnh
Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, do đó, nếu trẻ bị cảm lạnh không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa: Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ với triệu chứng điển hình là đau tai và sốt trở lại sau cảm lạnh.
- Hen suyễn: Khi bị cảm lạnh, dịch mũi tiết nhiều, có dạng đặc khiến trẻ gặp khó khăn khi thở, thở khò khè. Đặc biệt, ở những trẻ bị hen suyễn, bệnh cảm lạnh có thể khiến tình trạng hen suyễn của trẻ trở nên tồi tệ hơn.
- Viêm xoang cấp tính: Cảm lạnh có thể khiến trẻ bị sưng, đau và nhiễm trùng xoang.
- Một số bệnh nhiễm trùng khác: Trong một số trường hợp, cảm lạnh ở trẻ có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi và viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản. Các bệnh này cần được các sĩ kiểm tra và hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt.
Cách phòng cảm lạnh hiệu quả
Hiện nay, bệnh cảm lạnh thông thường ở trẻ vẫn chưa có vacxin điều trị. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị lây nhiễm virus cho trẻ:
- Xây dựng thói quen rửa tay kỹ với nước và xà phòng khử khuẩn trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng, trẻ có thể trẻ có thể rửa tay bằng các chất khử khuẩn khác có hàm lượng cồn trên 60%.
- Tránh cho trẻ chạm tay đến vùng mắt, mũi và miệng, nhất là khi chưa rửa tay sạch sẽ.
- Thường xuyên khử khuẩn khu vực sống, đồ chơi của trẻ và các bề mặt thường tiếp xúc như tay nắm cửa, công tắc đèn, điện thoại,… nhất là khi trong gia đình đang có người bị cảm lạnh.
- Dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, xì mũi. Sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn.
- Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị cảm lạnh.
- Lựa chọn nhà trẻ, trường học có không gian sạch, thực hành vệ sinh tốt.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học và rèn luyện thể dục thể thao hằng ngày để phát triển sức khỏe một cách toàn diện.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Bệnh cảm lạnh thường sẽ tự khỏi trong vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp.