Kiểm toán viên là vị trí công việc đòi hỏi chuyên môn cao, cần nhiều kỹ năng quan trọng và nguyên tắc làm việc tuân thủ quy định của pháp luật. Để đảm nhận vị trí này, bạn cần nắm rõ toàn bộ kiến thức xung quanh nghề kiểm toán mà TopCV sẽ trình bày qua bài viết dưới đây!
Kiểm toán viên là gì?
Kiểm toán viên (tiếng anh là Auditor) là người được pháp luật Việt Nam công nhận và cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, hoặc là người có chứng chỉ kiểm toán viên ở nước ngoài, đã đỗ kỳ thi sát hạch pháp luật Việt Nam và được Bộ Tài chính công nhận. Kiểm toán viên thực hiện công việc kiểm tra, rà soát, xác minh tính chính xác của các tài khoản cùng báo cáo tài chính của doanh nghiệp và lập báo cáo kiểm toán, đảm bảo các tài liệu, báo cáo không có sai sót, không có gian lận và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, kiểm toán viên được phân loại như sau:
- Kiểm toán viên nhà nước: Là người được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán nhà nước để thực hiện công việc kiểm toán.
- Kiểm toán viên nội bộ: Là người thực hiện công việc kiểm toán trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp, được yêu cầu bởi ban lãnh đạo.
- Kiểm toán viên độc lập: Là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, làm việc cho các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp khác.
- Kiểm toán viên hành nghề: Là người được pháp luật cấp phép hành nghề kiểm toán và đang hoạt động trong lĩnh vực này.
>>> Xem thêm: Ngành kiểm toán là gì? 5 kỹ năng cần có của kiểm toán viên thành công
Bạn đang tìm việc làm kiểm toán nhưng chưa biết thiết kế CV như thế nào cho đúng chuẩn ngành nghề mình ứng tuyển? Hãy sử dụng ngay công cụ tạo mẫu CV online miễn phí của TopCV. Với kho CV hàng trăm mẫu, đa dạng ngôn ngữ, TopCV sẽ giúp bạn dễ dàng thiết kế bản CV đẹp mắt và chuyên nghiệp để gia tăng tỷ lệ apply việc làm thành công.
Tạo CV ngay
4 Tiêu chuẩn kiểm toán viên cần có theo quy định pháp luật
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, kiểm toán viên muốn hành nghề cần đáp ứng 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính, trung thực, khách quan, trách nhiệm.
- Tốt nghiệp đại học thuộc khối ngành liên quan theo yêu cầu của Bộ tài chính, hoặc thi đỗ kỳ thi sát hạch Luật pháp Việt Nam.
- Có chứng chỉ kiểm toán (cấp ở trong hoặc ngoài nước) được công nhận bởi Bộ Tài Chính.
- Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì được công nhận là kiểm toán viên
Quy định đăng ký hành nghề kiểm toán viên theo pháp luật
Căn cứ vào Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, đăng ký hành nghề kiểm toán cần tuân thủ một số quy định chung như sau:
Là kiểm toán viên.
- Hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán từ 36 tháng.
- Cập nhật đầy đủ kiến thức kiểm toán theo đủ số giờ mà Bộ Tài chính quy định.
- Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề bởi Bộ Tài chính.
- Đã nộp đầy đủ lệ phí khi yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
- Ký hợp đồng lao động toàn thời gian với doanh nghiệp kiểm toán.
- Cụ thể, theo Điều 3, 4, 5 Thông tư 202/2012/TT-BTC, quy định hành nghề kiểm toán được trình bày chi tiết như sau:
Điều kiện có hợp đồng lao động
- Hợp đồng lao động ký kết giữa kiểm toán viên và doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định của Luật lao động.
- Thời gian làm việc của doanh nghiệp kiểm toán phải trùng khớp với thời gian làm việc thực tế và thời gian làm việc quy định tại hợp đồng lao động.
- Trong thời gian ký kết hợp đồng lao động và làm việc với doanh nghiệp kiểm toán, không được phép làm việc cho các đơn vị khác ở các vị trí liên quan đến kiểm toán, quản lý cấp cao, đại diện pháp luật.
Thời gian thực tế làm kiểm toán
- Là thời gian làm công việc kiểm toán thực tế tại doanh nghiệp, căn cứ trên hợp đồng lao động toàn thời gian.
- Được xác định từ thời điểm nhận bằng đại học cho đến khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
- Được người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán xác nhận theo đúng thời gian làm việc tại doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký hành nghề
- Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiểm toán và liên quan theo quy định của Bộ Tài chính (bản sao).
- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
- Hợp đồng lao động toàn thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán (bản sao).
- Giấy xác nhận thời gian thực tế hành nghề kiểm toán.
- Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính (bản sao).
- Tờ khai thông tin cá nhân.
- Phiếu lý lịch tư pháp có thời hạn từ 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trình tự đăng ký hành nghề
- Bước 1: Kiểm toán viên làm bộ hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán và nộp cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán, đảm bảo tính trung thực của tất cả thông tin trong hồ sơ.
- Bước 2: Người tiếp nhận hồ sơ, đồng thời là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán chịu trách nhiệm xem xét, rà soát thông tin, đảm bảo kiểm toán viên đủ điều kiện để đăng ký hành nghề và ký xác nhận.
- Bước 3: Doanh nghiệp kiểm toán gửi đề nghị lên Bộ Tài chính để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên làm việc tại đơn vị của mình.
- Bước 4: Bộ Tài chính có thể đề nghị doanh nghiệp kiểm toán hoặc kiểm toán viên giải trình, bổ sung, làm rõ các tài liệu, thông tin trong hồ sơ.
- Bước 5: Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên trong thời hạn 15 ngày.
Trường hợp không được hành nghề kiểm toán viên
Dựa vào Điều 19 Luật Kiểm toán 2011, kiểm toán viên không được phép hành nghề trong 2 trường hợp như sau:
Có chứng chỉ hành nghề nhưng không được kiểm toán
- Là thành viên, cổ đông, chủ đầu tư, người góp vốn vào đơn vị được kiểm toán.
- Là người quản lý, kiểm soát của đơn vị được kiểm toán.
- Mới ngưng chức vụ quản lý, kiểm soát, điều hành đơn vị được kiểm toán trong 2 năm.
- Đang hoặc đã kiểm toán nội bộ, ghi sổ kế toán, báo cáo tài chính cho đơn vị được kiểm toán trong năm trước liền kề.
- Đang hoặc đã thực hiện các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến hoặc vi phạm nguyên tắc độc lập cùng đạo đức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán trong năm trước liền kề.
- Có người thân ruột thịt hoặc vợ/chồng là người được hưởng lợi ích tài chính từ đơn vị được kiểm toán.
- Có người thân ruột thì hoặc vợ/chồng là người quản lý, kiểm soát, điều hành đơn vị được kiểm toán.
- Các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề
- Vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề kế toán - kiểm toán.
- Sai phạm nghiêm trọng trong chuyên môn, nghiệp vụ kế toán - kiểm toán.
- Không tuân thủ quy định của cơ quan thanh tra kiểm toán.
- Bị xử phạt hành chính về kiểm toán độc lập 2 lần trong vòng 36 tháng liên tục.
- Không cập nhật kiến thức hàng năm đủ số giờ theo quy định của Bộ Tài chính.
- Không thực hiện trách nhiệm kiểm toán theo đúng quy định pháp luật.
- Các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Kiểm toán viên hành nghề có đặc quyền gì?
Theo Điều 17 Luật Kiểm toán Độc lập số 67/2011/QH12, kiểm toán viên sở hữu những quyền hạn khi hành nghề như sau:
- Thực hiện công việc kiểm toán theo quy định của pháp luật.
- Được độc lập về chuyên môn và nghiệp vụ.
- Được phép yêu cầu đơn vị kiểm toán cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, kiểm kê tài sản, công nợ, hồ sơ tài chính, v.vv.. có liên quan đến nội dung kiểm toán.
- Trong quá trình kiểm toán, được phép kiểm tra và xác nhận các dữ liệu tài chính, kinh tế liên quan đến đơn vị được kiểm toán cả trong và ngoài đơn vị.
- Được yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin quan trọng về nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.
- Các quyền khác theo quy định pháp luật.
Nghĩa vụ của kiểm toán viên
Dựa vào Điều 18 Luật Kiểm toán 2011, kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
- Tuân thủ chính xác các nguyên tắc của kiểm toán.
- Tuyệt đối không can thiệp vào hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
- Không thực hiện kiểm toán nếu nhận thấy không đảm bảo được tính độc lập, không tuân thủ đủ quy định của pháp luật hay không đủ năng lực hành nghề.
- Không kiểm toán nếu nhận được các yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp và quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động kiểm toán, hồ sơ và báo cáo kiểm toán của mình.
- Có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động và kết quả kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Nếu làm nghề kiểm toán ở nước ngoài, cần tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của Bộ Tài chính khi được kiểm tra chất lượng kiểm toán.
- Luôn cập nhật kiến thức kiểm toán mới.
- Luôn trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.
- Thực thi các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
Mô tả công việc kiểm toán viên
Công việc của kiểm toán viên là một quy trình bao gồm các bước: Lập kế hoạch - Xây dựng chương trình kiểm toán - Kiểm toán - Ghi chép dữ liệu - Kết luận và báo cáo.
Lập kế hoạch
Đầu tiên, kiểm toán viên cần lập kế hoạch để định hướng toàn bộ quy trình và hoạt động kiểm toán sau này. Với một kế hoạch kiểm toán rõ ràng, khoa học, công việc về sau sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ, dễ dàng đối phó những rủi ro phát sinh.
Xây dựng chương trình kiểm toán
Để công việc kiểm toán diễn ra chính xác, chặt chẽ và tuân thủ đúng quy định pháp luật, một chương trình kiểm toán cần được xây dựng một cách chỉn chu. Để xây dựng chương trình này, kiểm toán viên cần xác định rõ từng bước trong quy trình thực hiện công việc và mục tiêu cần đạt.
Thu thập dữ liệu bằng các phương pháp kiểm toán
Đây là khâu trọng tâm trong quy trình làm việc của kiểm toán viên, đồng thời là đầu việc quan trọng nhất. Kiểm toán viên cần áp dụng nhiều phương pháp kiểm toán khác nhau để thu thập dữ liệu, ví dụ:
- Kiểm toán cân đối: Kiểm toán bằng phương trình kế toán.
- Đối chiếu trực tiếp: Đối chiếu mỗi chỉ tiêu với nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
- Đối chiếu logic: Đối chiếu các chỉ tiêu có mối liên hệ với nhau.
- Điều tra: Tiếp cận và đánh giá các đối tượng kiểm toán bằng nhiều cách khác nhau.
- Trắc nghiệm: Xác minh kết quả kiểm toán bằng việc tái diễn các hoạt động nghiệp vụ.
Ghi chép dữ liệu kiểm toán
Sau khi thực hiện quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần ghi chép lại toàn bộ những con số tương ứng với từng sự kiện. Dựa vào những con số này, kiểm toán viên có thể đưa ra nhận định về tình hình tài chính doanh nghiệp và kết luận kết quả kiểm toán.
Kết luận và lập báo cáo kiểm toán
Bước cuối cùng trong quy trình công việc của kiểm toán viên là đưa ra kết luận về kết quả kiểm toán và trình bày bản báo cáo với các bên liên quan. Thông qua việc xem xét các khoản nợ phát sinh, các sự kiện gắn liền với tình hình tài chính, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, v.vv.. kiểm toán viên có thể thiết lập một bản báo cáo kiểm toán trọn vẹn. Từ đó, kiểm toán viên cung cấp những kiến nghị hoặc tư vấn giải pháp tài chính phù hợp với doanh nghiệp.
Nếu bạn đang tìm kiếm việc làm kiểm toán viên phù hợp hơn, tốt hơn với mức lương hấp dẫn, hãy truy cập ngay website tìm việc làm chất lượng cao TopCV. TopCV với lợi thế là công nghệ AI sẽ giúp ứng viên chọn đúng việc, đi đúng hướng. Truy cập ngay!
Tìm việc làm Kiểm toán viên
Yêu cầu công việc & kỹ năng vị trí kiểm toán viên
Để đảm nhiệm công việc của một kiểm toán viên, bạn cần trau dồi cho mình những kiến thức chuyên môn và kỹ năng quan trọng.
Yêu cầu công việc kiểm toán
Bạn cần đáp ứng những yêu cầu về năng lực nghiệp vụ, tư chất đạo đức và nguyên tắc độc lập khi theo đuổi nghề kiểm toán viên:
Năng lực & nghiệp vụ
- Điều kiện cơ bản nhất là bạn phải có bằng đại học chuyên ngành kế toán - kiểm toán hoặc các lĩnh vực liên quan đến tài chính, kinh tế.
- Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kiểm toán viên theo quy định của pháp luật.
- Có hiểu biết sâu sắc về pháp luật và quy định kiểm toán.
- Có các chứng chỉ kiểm toán được công nhận rộng rãi như CIA, CPA, ACCA, CFA, v.vv..
Tư chất đạo đức
- Duy trì tính độc lập, khách quan khi triển khai công việc kiểm toán.
- Giữ vững lương tâm nghề nghiệp, đảm bảo tinh thần trung thực, tôn trọng sự thật, không thiên vị.
- Rèn luyện tính cẩn thận khi thực hiện nhiệm vụ.
- Tôn trọng tính bảo mật của mọi thông tin thu thập được trong quá trình kiểm toán.
- Có tinh thần trách nhiệm cao.
- Tôn trọng pháp luật, đề cao các nguyên tắc và chuẩn mực kiểm toán.
Nguyên tắc độc lập
- Độc lập vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện hành nghề của kiểm toán viên. Tính độc lập trong kiểm toán đặt ra những yêu cầu:
- Trung thực với từng kết quả kiểm toán thu được.
- Đánh giá mọi dữ liệu một cách khách quan.
- Tuyệt đối không để bị ràng buộc hay tác động bởi các bên liên quan vì bất kỳ lợi ích vật chất nào.
- Dám chịu trách nhiệm với kết quả công việc của mình.
Để tiếp cận với hàng nghìn thông tin tuyển dụng về kiểm toán uy tín, hãy nhanh tay truy cập TopCV.vn. Tại đây bạn sẽ tìm thấy những cơ hội việc làm mới từ các công ty uy tín với mức lương tốt nhất!
Apply Kiểm toán ngay
Kỹ năng của kiểm toán viên
Các kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của một kiểm toán viên. Để theo đuổi sự nghiệp kiểm toán, bạn cần rèn luyện những kỹ năng sau:
- Kỹ năng giao tiếp: Với kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kiểm toán viên có thể truyền đạt những đề xuất, ý tưởng và mối quan tâm của mình một cách dễ hiểu, ngắn gọn và thuyết phục.
- Kỹ năng sắp xếp công việc: Khi xem xét các hồ sơ tài chính, kiểm toán viên phải có khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng, chính xác. Để duy trì nhiệm vụ này trong suốt ngày dài làm việc, kiểm toán viên phải biết cách tổ chức công việc một cách khoa học.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Đây là kỹ năng quan trọng giúp kiểm toán viên giải quyết mọi sự cố phát sinh, xử lý rủi ro và cải thiện quy trình quản trị trong doanh nghiệp.
- Kỹ năng tư duy logic: Kiểm toán viên cần nhạy bén với các con số, biết cách đọc hiểu chúng để rút ra những nhận định và đánh giá mang tính logic.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Công tác kiểm toán có thể được thực hiện bởi cả một tập thể. Vì thế, kỹ năng làm việc nhóm khéo léo sẽ giúp kiểm toán viên giảm thiểu được mâu thuẫn trong công việc, cùng nhau tiến đến mục tiêu một cách dễ dàng hơn.
- Kỹ năng thuyết phục: Để được ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc đơn vị được kiểm toán lắng nghe, chấp thuận những tư vấn, khuyến nghị của mình, kiểm toán viên cần có kỹ năng thuyết phục thật khéo léo.
>>> Xem thêm: Tổng hợp 15 câu hỏi phỏng vấn kiểm toán và gợi ý cách trả lời
Cơ hội phát triển và thăng tiến của vị trí kiểm toán viên
Kiểm toán viên là vị trí nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ theo đuổi nhờ cơ hội phát triển sự nghiệp ổn định và bền vững.
Cơ hội phát triển nghề kiểm toán viên hiện nay
Theo đuổi nghề kiểm toán viên, bạn sẽ có cơ hội đầu quân cho hơn 100 công ty kiểm toán độc lập lớn nhỏ trên khắp cả nước, đặc biệt là Big4 (Deloitte, PwC, KPMG, Ernst & Young) với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn và lộ trình thăng tiến rõ ràng. Đặc biệt, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nghề kiểm toán ngày nay càng mang đến nhiều cơ hội rộng mở hơn:
- Mở rộng thị trường làm việc ra quốc tế: Có cơ hội làm việc cho các công ty tập đoàn lớn nhỏ trong khắp cả nước nếu bạn có năng lực.
- Đưa ra quyết định dễ dàng hơn: Với sự hỗ trợ của AI, Big Data, điện toán đám mây, v.vv.. kiểm toán viên sẽ xử lý được những vấn đề phức tạp nhất trong thời gian ngắn nhất và tốn kém ít chi phí nhất.
- Có thể nâng cao chất lượng công việc: Những công cụ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và Internet giúp cho việc thu thập, tính toán và báo cáo dữ liệu của kiểm toán viên trở nên nhanh chóng, đơn giản mà chính xác hơn, từ đó tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Lộ trình thăng tiến của nghề kiểm toán
Nghề kiểm toán viên có lộ trình thăng tiến rất rõ ràng và bài bản:
- Thực tập sinh kiểm toán (Intern/Fresher):
Ngay từ khi còn là sinh viên, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm công việc kiểm toán tại các công ty kiểm toán trên khắp cả nước, đặc biệt là Big4, trong các chương trình thực tập sinh mở rộng. Nhiệm vụ chính của thực tập sinh kiểm toán là kiểm tra và đánh giá hồ sơ tài chính, đảm bảo tuân thủ các quy định và xác minh tính chính xác của báo cáo tài chính.
- Nhân viên kiểm toán/Trợ lý kiểm toán (Junior/Assistant):
Nếu kiên trì theo đuổi sự nghiệp và chứng minh được năng lực của bản thân, bạn sẽ được công ty cân nhắc cho vị trí nhân viên kiểm toán chính thức hoặc trợ lý kiểm toán. Công việc chủ yếu của nhân viên kiểm toán là kiểm tra chứng từ, sổ sách, kiểm kê kho, xác nhận công nợ, kiểm tra các khoản mục và thực hiện các đầu việc phức tạp hơn dưới sự giám sát của trưởng nhóm.
- Trưởng nhóm kiểm toán (Senior):
Sau khoảng 5 năm làm việc ở vị trí kiểm toán viên, bạn có thể được thăng chức lên trưởng nhóm. Trưởng nhóm kiểm toán sẽ phân công, phối hợp và giám sát một nhóm các kiểm toán viên cấp dưới, tham gia vào các cuộc kiểm toán nhỏ và trung bình. Đồng thời, thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, làm việc với khách hàng, giải quyết các phát sinh và thực hiện các công việc kiểm toán phức tạp hơn.
- Chủ nhiệm kiểm toán (Manager):
Sau khoảng 8 năm trong nghề, bạn có thể chạm đến vị trí quản lý cao cấp hơn là chủ nhiệm kiểm toán, với nhiệm vụ giám sát các cuộc kiểm toán nhỏ, trung bình và điều hành các cuộc kiểm toán lớn. Đồng thời, phối hợp công việc với các trưởng nhóm, trao đổi với khách hàng về các phát sinh, báo cáo kiểm toán và chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý với báo cáo đó.
- Giám đốc kiểm toán (Director):
Cuối cùng, khi đã có đủ năng lực và kinh nghiệm, bạn sẽ đạt được đỉnh cao của nghề kiểm toán khi ngồi vào vị trí giám đốc kiểm toán. Giám đốc kiểm toán có trách nhiệm điều hành và bảo đảm sự thành công cho các cuộc kiểm toán, giúp khách hàng và nhân viên cấp dưới giải quyết các vấn đề phức tạp, điều hòa xung đột, quản lý ngân sách để kiểm toán tạo ra lợi nhuận và góp phần phát triển kinh doanh cho công ty.
>>> Xem thêm: Cẩm nang xin việc ngành Kế toán - Kiểm toán
Mức lương của kiểm toán viên
So với các ngành nghề khác, kiểm toán viên được nhiều bạn trẻ quan tâm nhờ mức lương có tính ổn định và tăng dần theo bề dày kinh nghiệm cũng như năng lực làm việc. Theo Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 & Nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV, mức lương trung bình ngành kiểm toán được chia theo cấp bậc như sau:
- Thực tập sinh: 3-4 triệu VND
- Nhân viên: 8-12 triệu VND
- Trưởng nhóm: 13-17 triệu VND
- Trưởng/Phó phòng: 18-25 triệu VND
- Quản lý/Giám sát: 15-20 triệu VND
- Trưởng chi nhánh: 16-18 triệu VND
- Phó giám đốc: 35-52.5 triệu VND
- Tổng giám đốc: 40-45 triệu VND
Như vậy, nếu kiên trì theo đuổi nghề kiểm toán viên đến cùng, bạn sẽ có được mức thu nhập rất đáng ngưỡng mộ, tương xứng với năng lực của bản thân.
Tìm việc kiểm toán viên ở đâu?
Để có cơ hội gia nhập các doanh nghiệp kiểm toán uy tín trên toàn quốc, bạn có thể tìm kiếm việc làm kiểm toán viên tại chuyên trang tuyển dụng TopCV. Đây là nền tảng công nghệ thông minh, hiểu rõ được lợi thế của bạn mà gợi ý những việc làm phù hợp nhất với năng lực và nhu cầu.
Đến với TopCV, bạn sẽ tiếp cận được với các nhà tuyển dụng trong thời gian ngắn nhất, bằng cách nộp hồ sơ xin việc online ngay tại website hoặc app TopCV. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công cụ tạo CV theo mẫu mà TopCV đã phát triển sẵn, bộ hồ sơ xin việc của bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp, thu hút hơn, tạo được ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Bài viết trên đây đã trình bày rõ cho bạn những kiến thức xoay quanh nghề kiểm toán viên, cùng cơ hội nghề nghiệp và lộ trình phát triển sự nghiệp bền vững. Với những kiến thức này, hy vọng rằng bạn sẽ có được nền tảng cơ bản để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp kiểm toán ngay hôm nay. Và bạn đừng quên truy cập vào TopCV, chỉnh sửa lại hồ sơ xin việc, tìm kiếm việc làm và nộp đơn ứng tuyển ngay để không bỏ lỡ những cơ hội việc làm hấp dẫn nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm